Quan tâm bảo tồn di sản văn hóa
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa những năm qua luôn được Đồng Nai quan tâm, có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, phải kể đến hàng loạt hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử được sưu tầm, bảo tồn giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về mảnh đất, con người Biên Hòa - Đồng Nai với hơn 320 năm hình thành và phát triển.
Tuy nhiên, để có những bộ sưu tập quý, ngoài việc tìm kiếm, sưu tầm của ngành Văn hóa cần có thêm nhiều chính sách nhằm kết nối, khuyến khích việc hiến tặng, chuyển nhượng từ các cá nhân, tổ chức.
* Sưu tầm, tìm kiếm hiện vật
Bảo tàng Đồng Nai hiện đang lưu giữ trên 21 ngàn hiện vật, trong số này có những hiện vật quý có tuổi đời thuộc dạng cổ xưa. Theo Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Đồng Nai Trần Minh Trí, nguồn hiện vật bảo tàng sưu tầm, tiếp nhận gồm nhiều chủng loại, chất liệu, chủ yếu do người dân phát hiện, giao nộp hay các tổ chức và cá nhân hiến tặng. Thi thoảng bảo tàng mua lại từ người dân và các nhà sưu tập hoặc được phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ học ở các điểm di tích...
Hiện nay có nhiều bộ sưu tập bằng đá, đồng quý giá được lưu giữ tại bảo tàng. Nổi bật và được xem là hiện vật duy nhất trong cả nước hiện nay đang là tượng tê tê bằng đồng được các chuyên gia xác định có niên đại từ thế kỷ thứ III trước công nguyên đến thế kỷ thứ II sau công nguyên. Đây là hiện vật được phát hiện năm 1985, trong lúc làm vườn tại Đồi 57 (nay thuộc xã Long Giao, H.Cẩm Mỹ) người dân đào được cặp tượng tê tê gồm 1 con đực và 1 con cái. Tuy nhiên, hiện tại tượng tê tê cái đang bị thất lạc và chưa tìm kiếm lại được.
Nhiều năm trực tiếp sưu tầm, tiếp nhận hiện vật của đồng bào các dân tộc, ông Nguyễn Anh Sơn, cán bộ của Bảo tàng Đồng Nai cho hay, việc sưu tầm, tìm kiếm cũng mất rất nhiều công sức và thời gian. Đặc biệt là những hiện vật thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Các hiện vật này chủ yếu được truyền miệng, không còn nguyên gốc. Sau khi sưu tầm, bảo tàng phải phân loại, làm hồ sơ thủ tục để thông qua hội đồng thẩm định khoa học, rồi mới nhập kho và trưng bày phục vụ công chúng.
Hoạt động trưng bày, giới thiệu hiện vật đến công chúng rất được bảo tàng chú trọng. Trưởng phòng Trưng bày - tuyên truyền Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Hữu Lộc cho biết, mỗi năm bảo tàng tổ chức hơn 10 triển lãm (ở bảo tàng và về cơ sở). Trong đó chú trọng các triển lãm chủ đề về Đảng, Bác Hồ; lịch sử, văn hóa Đồng Nai qua các thời kỳ; văn hóa đồng bào dân tộc… Để có được một triển lãm trưng bày, bảo tàng phải chuẩn bị trong khoảng 3-6 tháng, khá công phu. “Đó đều là những hiện vật được sưu tầm, tuyển chọn khắp các địa phương trong tỉnh và các vùng lân cận” - ông Lộc nói.
Cùng với việc sưu tầm, tìm kiếm tư liệu, hiện vật, Bảo tàng Đồng Nai đã đẩy mạnh hoạt động số hóa phiếu hiện vật theo quy định của Cục Di sản. Riêng với các hiện vật trên chất liệu vải, hiện vật giấy và tủ gỗ… được bảo quản theo nguyên tắc là hạn chế tối đa việc can thiệp trực tiếp vào hiện vật.
* Khuyến khích sự đóng góp của cộng đồng
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Lưu Văn Du cho hay, thời gian qua thông qua công tác sưu tầm hiện vật, tài liệu, đơn vị đã tiếp nhận hàng ngàn hiện vật do người dân trong tỉnh đóng góp. Đây là điều kiện thuận lợi để Bảo tàng Đồng Nai thực hiện việc sắp xếp hiện vật theo từng nội dung nhằm bảo quản, giới thiệu đến công chúng thông qua những cuộc triển lãm chuyên đề.
Hằng năm, Bảo tàng Đồng Nai đã sưu tầm và nhập kho được gần 100 hiện vật liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là các bộ sưu tầm kỷ vật chiến tranh và văn hóa truyền thống các dân tộc Mạ, Chơro, Mường. Trong quý I-2020, bảo tàng đã khảo sát địa điểm khảo cổ tại các huyện Tân Phú, Long Thành, Định Quán. Hoàn thành dự thảo kiểm kê hiện vật tại di tích đền thờ Hùng Vương; số hóa hồ sơ kiểm kê hiện vật chùa Long Thiền…
Có hơn 40 năm làm công tác văn hóa, nhạc sĩ Trần Viết Bính đã dày công sưu tầm, bảo quản hàng ngàn tư liệu, hiện vật có giá trị. Gần đây, nhạc sĩ đã trao tặng hơn 1.600 hiện vật cho Bảo tàng Đồng Nai, trong đó có: băng, đĩa, sách nghiên cứu văn nghệ dân gian, âm nhạc của đồng bào Chơro, Mạ, S’tiêng, Nùng...
“Ở tuổi 86, tôi không cho phép bản thân được giữ lại những thứ quý giá cho riêng mình. Tôi đã tìm được nơi đủ điều kiện lưu giữ và phát huy giá trị của hiện vật - đó là Bảo tàng Đồng Nai. Tôi tin tưởng rằng, bảo tàng sẽ trưng bày, bảo quản và giới thiệu các hiện vật đến gần hơn với công chúng” - nhạc sĩ Trần Viết Bính chia sẻ.
Hay như ông Nguyễn Đình Du (dân tộc Mường, xã Phú Túc, H.Định Quán) đã làm ra hàng trăm mô hình nhà truyền thống, tượng gỗ, nhạc cụ, dụng cụ sinh hoạt của dân tộc Mường. Những hiện vật này được sử dụng với hình thức thương mại do ông nhận đặt hàng từ các nơi. Song, trong những dịp tiếp xúc với người làm công tác bảo tồn, bảo tàng của tỉnh và địa phương, ông đã hiến tặng cho Bảo tàng Đồng Nai, Nhà văn hóa dân tộc Mường nhiều hiện vật giá trị. Ông mong muốn việc hiến tặng sẽ truyền thông điệp gìn giữ giá trị văn hóa đồng bào dân tộc tới thế hệ mai sau.
Từ thực tế đi sưu tầm hiện vật, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Đồng Nai Trần Minh Trí cho biết, các hiện vật của đồng bào dân tộc, hay kỷ vật trong chiến tranh kêu gọi đóng góp của cộng đồng dễ hơn là những hiện vật “đồ cổ”. Bảo tàng là địa chỉ tin cậy để các cá nhân và tổ chức hiến tặng hiện vật. Từ những câu chuyện về hành trình hiện vật về với bảo tàng, đơn vị tiếp nhận sẽ cùng với các chuyên gia kết nối hiện vật thành những câu chuyện để chạm từ trái tim đến trái tim của những người yêu di sản.
“Những tổ chức, cá nhân hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Đồng Nai có thể có những luyến tiếc. Nhưng với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ chuyển các hiện vật đầy kỷ niệm ấy thành những câu chuyện đáng tự hào” - ông Trí nói.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202003/quan-tam-bao-ton-di-san-van-hoa-2995510/