Quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích văn hóa, lịch sử ở Triệu Phong

Huyện Triệu Phong có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa quan trọng, trong đó có Di tích lịch sử quốc gia các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558-1626) tại xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử; Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn ở xã Triệu Thành; Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hữu Dực ở xã Triệu Thuận; đình làng An Tiêm, xã Triệu Thành, Di tích lịch sử quốc gia 'Chốt thép Long Quang', xã Triệu Trạch; Tượng đài Chiến thắng Cửa Việt, xã Triệu An…

 Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ ở Triệu Phong - Ảnh: NV

Nhà lưu niệm Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực, "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ ở Triệu Phong - Ảnh: NV

Thời gian qua, thực hiện Kế hoạch số 4525 năm 2013 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 17 năm 2013 của HĐND tỉnh về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013 - 2020, ngày 7/11/2014, UBND huyện Triệu Phong ban hành Kế hoạch số 1785 để thực hiện. UBND huyện kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã, thị trấn tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân triển khai công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử, nhất là việc tạo quỹ đất để thực hiện công tác định vị cắm mốc giai đoạn 1 với 33 di tích trên địa bàn huyện. Theo đó, cũng trong giai đoạn này, UBND huyện Triệu Phong và các cấp, ngành trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, giải pháp về lập hồ sơ khoa học, hồ sơ pháp lý, đầu tư, tôn tạo, chống xuống cấp đối với di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Việc triển khai kế hoạch bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến tham quan, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đến nay, UBND huyện đầu tư kinh phí để thực hiện công tác định vị cắm mốc cho 33 di tích, tôn tạo 1 di tích, đã hoàn thành hồ sơ pháp lý cho 33 di tích, đang tiến hành cắm mốc chỉ giới khoanh vùng bảo vệ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích. Từ năm 2013 đến nay, huyện Triệu Phong đã đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo 12 di tích với tổng kinh phí đầu tư theo Nghị quyết số 17 năm 2013 của HĐND tỉnh là 34,742 tỉ đồng, trong đó UBND tỉnh đầu tư 500 triệu đồng nâng cấp, cải tạo cảnh quan 1 di tích, UBND huyện Triệu Phong đầu tư 400 triệu đồng để thực hiện định vị cắm mốc 33 di tích, 300 triệu đồng tôn tạo 1 di tích; vận động các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn huyện; các xã, thị trấn kêu gọi xã hội hóa xây dựng, trùng tu, tôn tạo 12 di tích với tổng số tiền 33,542 tỉ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích còn gặp nhiều khó khăn như trong quá trình triển khai thực hiện hồ sơ pháp lý, định vị, cắm mốc một số di tích cấp tỉnh gặp vướng mắc về đất đai như di tích Ngã ba đi Hà Xá, thôn Hà Xá, xã Triệu Ái; di tích nhà ông Lê Kiếm, thôn Xuân An, xã Triệu Thượng; di tích lăng mộ cụ Võ Văn Đường thôn Đâu Kênh, xã Triệu Long. Diện tích đất của các di tích này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, do đó việc triển khai thực hiện hồ sơ pháp lý phải điều chỉnh thay đổi các di tích nên quá trình hoàn thành hồ sơ pháp lý gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí để đầu tư, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích của huyện còn hạn chế, trong lúc đó công tác xã hội hóa gặp nhiều khó khăn nên nhiều di tích chưa được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp.

Nguyên nhân của vấn đề này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Nguyễn Thành Vũ là do việc phân bổ kinh phí đầu tư cho mỗi công trình được xây dựng năm 2013 đến nay sau 6 năm không còn phù hợp với thực tế giá cả thị trường. Các di tích cấp tỉnh với vốn đầu tư từ 20 - 50 triệu đồng cần được tính toán lại theo hướng tăng kinh phí thực hiện để phù hợp với biến động giá cả thị trường hiện nay. Đối với di tích quốc gia các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất UBND tỉnh quan tâm điều chỉnh lại hồ sơ pháp lý di tích Địa điểm Bãi Trận thôn Trà Liên, xã Triệu Giang để phù hợp với thực tế di tích, đồng thời hỗ trợ địa phương thực hiện cắm mốc chỉ giới và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn; hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ quy hoạch khi được phê duyệt và quan tâm kêu gọi xã hội hóa xây dựng đầu tư, tôn tạo một số công trình chính để tạo không gian lịch sử thời Chúa Nguyễn. Đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm đề xuất với UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích đối với các trường hợp đất di tích cũng là đất tôn giáo, tín ngưỡng, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc về đất đai đối với các di tích trong quá trình lập hồ sơ pháp lý.

Mới đây, tại buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết 17 năm 2013 của HĐND tỉnh về đầu tư bảo tồn, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích lịch sử văn hóa tỉnh Quảng Trị trên địa bàn huyện Triệu Phong giai đoạn 2013- 2020, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng đề nghị UBND huyện Triệu Phong cùng các ngành liên quan đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống di tích trên địa bàn, thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, lưu giữ truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc. Tạo ra những sản phẩm đặc thù có giá trị lịch sử, văn hóa để giáo dục truyền thống, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của Nhân dân và phát triển du lịch. Vấn đề quan tâm lúc này là đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng, nâng cao lòng tự hào dân tộc, quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Quảng Trị kết hợp với việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh…

Nguyễn Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=161058&title=quan-tam-bao-ton-ton-tao-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-van-hoa-lich-su-o-trieu-phong