Quan tâm, bảo vệ quyền lợi cho người lao động

Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh (Liên đoàn Lao động tỉnh) nhận tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho hàng ngàn người lao động (NLĐ) với phần lớn nội dung liên quan tới hợp đồng lao động, quan hệ lao động, trợ cấp thất nghiệp, lương, thưởng...

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tư vấn pháp luật cho người lao động. Ảnh: D.Quỳnh

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tư vấn pháp luật cho người lao động. Ảnh: D.Quỳnh

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh chia sẻ, phát sinh tranh chấp trong quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và NLĐ rất đa dạng. Qua tư vấn, trợ giúp pháp lý, NLĐ sẽ hiểu biết, nắm bắt đầy đủ hơn pháp luật về lao động để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình khi bị xâm hại.

* Đồng hành cùng NLĐ

Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn đã tư vấn pháp luật cho gần 5 ngàn lượt công nhân, NLĐ và trực tiếp hỗ trợ pháp lý cho 368 trường hợp. Qua đó, giúp cho hàng chục NLĐ đòi được quyền lợi khi bị người sử dụng lao động sa thải, trả lương, thưởng, làm thêm giờ và các chính sách khác không đúng pháp luật.

Chẳng hạn như các trường hợp NLĐ Phạm Thị Lương (50 tuổi, ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa), Hoàng Hồng Hạnh (37 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM), Nguyễn Long Hồ (41 tuổi, ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bị Công ty Đ.N. (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật. Nhờ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh hỗ trợ khởi kiện mà những lao động nói trên đã được công ty vi phạm bồi thường từ 60-70 triệu đồng/người.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn cho biết, để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho NLĐ đạt hiệu quả nên đa dạng hình thức tuyên truyền; nội dung tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn nhưng đảm bảo tính đầy đủ, cơ bản vấn đề NLĐ cần tìm hiểu. Bên cạnh đó, cán bộ Công đoàn thường xuyên lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cơ sở, NLĐ và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp chính đáng của NLĐ.

Cũng nhờ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh hỗ trợ khởi kiện, ông Huỳnh Lê Dũng (ngụ TP.HCM) đã được Công ty CP H.V. (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) bồi thường gần 247 triệu đồng (tiền trợ cấp thôi việc, tiền lương trong những ngày không được làm việc, bồi thường 2 tháng tiền lương, trả tiền bảo hiểm thất nghiệp) vì sa thải NLĐ trái luật.

Ông Dũng bày tỏ, nếu ông không được luật sư, cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh hỗ trợ kịp thời và nhiệt tình thì ông không thể tự mình đấu tranh đòi quyền lợi một cách đầy đủ, hợp pháp như vậy được.

Là một trong số 21 NLĐ bị Công ty CP H.V. sa thải, cho nghỉ việc trái luật đòi được quyền lợi, bà Trần Thị Kim Loan (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, sự đồng hành với NLĐ của các cán bộ trung tâm thật sự giúp cho bà và 20 NLĐ khác vững niềm tin vào công lý khi bị công ty sa thải, điều chuyển công việc trái luật.

Luật sư Vũ Ngọc Hà tâm sự, việc song hành cùng NLĐ trong đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho họ là nhiệm vụ, trách nhiệm của trung tâm. Thông qua đó, hướng tới việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lao động đến người sử dụng lao động, NLĐ để giúp họ nắm bắt, thực hiện nghiêm.

* Không có chuyện nào là nhỏ nhặt

Theo luật sư Vũ Ngọc Hà, không phải NLĐ nào cũng hiểu biết đầy đủ, cụ thể pháp luật về lao động. Vẫn còn không ít doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật về lao động của NLĐ dẫn tới các vi phạm như: doanh nghiệp có ký kết hợp đồng lao động với NLĐ nhưng nội dung thỏa thuận chưa đầy đủ, cụ thể; chưa chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ trong thời gian không tham gia bảo hiểm thất nghiệp; sa thải trái luật...

“Không phải NLĐ nào cũng hiểu biết đầy đủ, chính xác quy định pháp luật để tự mình đưa ra hướng giải quyết hợp lý. Do đó, họ cần trung tâm tư vấn, hỗ trợ pháp lý khi phát sinh tranh chấp với người sử dụng lao động. Cũng chính vì vậy, trung tâm sẵn sàng hỗ trợ NLĐ tất cả vấn đề mà họ yêu cầu, không phân biệt xung đột, tranh chấp lớn hay nhỏ, chuyện NLĐ bị thiệt thòi ít hay nhiều... Vấn đề là giúp cho NLĐ hiểu, nắm bắt pháp luật để sau này phòng tránh và có giải pháp xử lý đúng luật, đúng sự việc, tình huống” - luật sư Hà nói.

Còn luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh cho biết thêm, qua các vụ khởi kiện đòi quyền lợi giúp NLĐ hiểu đầy đủ, cụ thể, chính xác pháp luật về lao động khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình bị người sử dụng lao động xâm phạm. Tuy vậy, đây không phải là giải pháp tối ưu, điều quan trọng nhất vẫn là công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và NLĐ để họ hiểu và thực hiện đúng, hạn chế những xung đột dẫn đến việc tranh chấp, khiếu nại tại tòa thường rất mất thời gian, công sức”.

Diễm Quỳnh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202006/quan-tam-bao-ve-quyen-loi-cho-nguoi-lao-dong-3007306/