Quan tâm chăm lo cho phụ nữ nghèo

Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện cho hội viên, đặc biệt là hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế vươn lên trong cuộc sống.

Hội viên phụ nữ huyện Nghĩa Hưng mạnh dạn khởi nghiệp bằng các sản phẩm nông nghiệp sạch phát triển kinh tế gia đình.

Hội viên phụ nữ huyện Nghĩa Hưng mạnh dạn khởi nghiệp bằng các sản phẩm nông nghiệp sạch phát triển kinh tế gia đình.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo, đôn đốc Hội Phụ nữ các huyện, thành phố rà soát, nắm chắc số lượng, nguyên nhân các hộ nghèo, đặc biệt là các đối tượng phụ nữ đơn thân, tàn tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ để lên phương án giúp đỡ phù hợp như: cho vay vốn không lấy lãi hoặc lãi suất ưu đãi; giới thiệu tham gia các lớp học nghề; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; thăm hỏi, động viên lúc ốm đau, hoạn nạn… Năm 2024, các cấp Hội đã hỗ trợ, thăm hỏi, giúp đỡ gia đình chính sách, hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng. Trong đó, tổ chức thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, trị giá trên 213 triệu đồng; ủng hộ chương trình “Ngày vì người nghèo” trên 255 triệu đồng; tặng quà Tết cho phụ nữ nghèo trên 3 tỷ đồng; phối hợp với MTTQ và các nhà hảo tâm trao tặng 24 nhà đại đoàn kết, nhà Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng; phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bão số 3 Yagi 1.320 suất cơm và 1.041 suất quà. Quan tâm đến con em phụ nữ nghèo, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh phát động mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ tiết kiệm 5.000 đồng trở lên ủng hộ xây dựng Quỹ “Mái ấm tình thương” và Quỹ “Học bổng Hoàng Ngân”. Nhân dịp đầu năm học mới 2024-2025, các cấp Hội trao 1.333 suất học bổng Hoàng Ngân, trị giá 736 triệu đồng cho con cán bộ, hội viên phụ nữ nghèo, con nạn nhân chất độc da cam đạt thành tích cao trong học tập.

Hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, Hội Phụ nữ các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”. Trong đó hoạt động tiết kiệm đã giúp chị em có nguồn vốn nội lực đáng kể tại chỗ, động viên phụ nữ tự lực vươn lên vượt khó, thoát nghèo. Tại các cơ sở Hội đã xây dựng nhiều mô hình tiết kiệm thiết thực, hiệu quả như: “Làm theo Bác thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, “Bơ gạo tình nghĩa”, “Nuôi lợn đất tiết kiệm”, “Phụ nữ tiết kiệm tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế - vì sức khỏe gia đình”. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 3.369 tổ, nhóm tiết kiệm, huy động được số tiền trên 545 tỷ đồng, hỗ trợ 106.458 lượt phụ nữ vay phát triển kinh tế. Cùng với đó, các cấp Hội còn vận động chị em chung tay giúp nhau ngày công, cây, con giống; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, tổ phụ nữ liên kết... Năm 2024, các cấp Hội đã phối hợp thành lập 1 HTX do phụ nữ tham gia quản lý; Tổ liên kết đan cói và thu mua cói xuất khẩu. Hỗ trợ, nâng cao năng lực phát triển kinh tế tập thể, HTX cho 300 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ. Đến nay, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp thành lập, duy trì hoạt động hiệu quả hàng chục HTX, tổ hợp tác. Trong đó, thành lập HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thiềm Trang, xã Xuân Thượng (Xuân Trường); tổ liên kết trồng hoa xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định), tổ liên kết trồng hoa, cây cảnh xã Nam Điền (Nam Trực). Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội Phụ nữ Hải Hậu, thành phố Nam Định xây dựng kế hoạch phương án sản xuất, kinh doanh của các HTX trồng cây dược liệu xã Hải Lộc (Hải Hậu) và HTX trồng hoa và cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định) được Trung ương Hội phê duyệt hỗ trợ kinh phí hoạt động với kinh phí trên 490 triệu đồng…

Hoạt động hỗ trợ vốn giúp hội viên phát triển sản xuất cũng được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đẩy mạnh. Các cấp Hội đã tăng cường ký kết nhận ủy thác các nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng như: Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN và PTNT, TYM… từng bước đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh của phụ nữ nghèo và cận nghèo. Hiện các cấp Hội Phụ nữ tỉnh đang quản lý điều hành trên 3,3 nghìn tỷ đồng cho 91.194 hộ vay vốn để phát triển kinh tế. Để giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên luôn được quan tâm. Theo đó, hoạt động dạy nghề luôn hướng về cơ sở, hướng tới nhiều đối tượng phụ nữ khác nhau gồm: lao động nông thôn, lao động thuộc diện hộ nghèo, phụ nữ khuyết tật, trong đó có nhiều lớp dạy nghề miễn phí, tạo điều kiện cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với kỹ năng nghề nghiệp, từ đó lựa chọn cho mình một nghề phù hợp với bản thân và điều kiện gia đình. Trong năm, Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm Hội LHPN tỉnh, các huyện, thành phố đã nắm bắt nhu cầu thị trường lao động, tuyên truyền, tư vấn học nghề, liên kết dạy nghề mới, nghề truyền thống, nghề phi nông nghiệp, xây dựng mô hình giải quyết việc làm tại chỗ sau học nghề; tổ chức Phiên giao dịch việc làm lưu động gắn với Phiên chợ xanh - Không dùng tiền mặt tại huyện Xuân Trường, thu hút 295 lao động nữ nông thôn tham gia. Cùng với đó, thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội LHPN tỉnh phát động các cuộc thi: “Phụ nữ Nam Định khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”, “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành Nam năm 2024”, thu hút 40 dự án tham gia. Trong đó, dự án HTX dược liệu sinh thái Ngọc Trà (huyện Hải Hậu) đạt Giải Khuyến khích trong Cuộc thi cấp vùng khu vực miền Bắc do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức; tổ chức các hoạt động: “Ngày Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2024; trao thưởng 20 phụ nữ khởi nghiệp có ý tưởng, dự án tiêu biểu; trưng bày 24 gian hàng của thành viên Hội Nữ doanh nhân tỉnh và Hội LHPN 9 huyện, thành phố; tổ chức diễn đàn “Sức mạnh của sự cân bằng với nữ doanh nhân"; duy trì, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả như: VAC, trồng cây dược liệu, phát triển các ngành nghề truyền thống; đan cói, đan bèo tây, mô hình du lịch cộng đồng... Qua đó nhiều phụ nữ nghèo đã được giúp đỡ kịp thời, có động lực, nguồn lực làm kinh tế.

Với những hoạt động chăm lo thiết thực cho phụ nữ nghèo, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã kịp thời góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Từ các hoạt động trợ giúp của các cấp Hội Phụ nữ, hàng năm có từ 500-700 hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo. Từ đó, tạo niềm tin, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Bài và ảnh: Hoa Quyên

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202501/quan-tam-cham-locho-phu-nu-ngheo-5732fe7/