Quan tâm, chăm lo đời sống người lao động
Theo thông tin sơ bộ từ Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam, thu nhập năm 2020 của người lao động (NLÐ) bình quân đạt 6,7 triệu đồng/người, giảm 8,6% so với năm 2019. Có khoảng 31,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và 70% lao động bị giảm thu nhập. Dự kiến, phải hơn một tuần nữa các doanh nghiệp (DN) mới công bố lương, thưởng Tết chính thức. Tuy nhiên, thống kê ban đầu cho thấy, mức thưởng Tết 2021 sẽ khó khăn hơn nhiều so với những năm trước đây, thậm chí, khả năng để có số tiền thưởng cao hơn Tết năm ngoái là điều khó.
Theo thông tin sơ bộ từ Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam, thu nhập năm 2020 của người lao động (NLÐ) bình quân đạt 6,7 triệu đồng/người, giảm 8,6% so với năm 2019. Có khoảng 31,8 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và 70% lao động bị giảm thu nhập. Dự kiến, phải hơn một tuần nữa các doanh nghiệp (DN) mới công bố lương, thưởng Tết chính thức. Tuy nhiên, thống kê ban đầu cho thấy, mức thưởng Tết 2021 sẽ khó khăn hơn nhiều so với những năm trước đây, thậm chí, khả năng để có số tiền thưởng cao hơn Tết năm ngoái là điều khó.
Các chuyên gia lao động, công đoàn nhận định, phần lớn trong số các DN bảo đảm được việc làm cho công nhân, lao động (CNLÐ) là có khả năng duy trì tiền thưởng Tết ở mức trung bình, ở ngưỡng ít nhất một tháng lương theo hợp đồng lao động hoặc tiền lương cơ bản. Từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu là thời điểm các DN chi trả tiền lương, thưởng Tết và các khoản phúc lợi khác cho NLÐ cho nên rất dễ phát sinh những mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Tính đến tháng 12-2020, cả nước có 126 cuộc ngừng việc tập thể, nhiều hơn so cùng kỳ năm trước bảy cuộc. Trong nửa tháng trở lại đây, ở một số DN, đã xảy ra việc hàng trăm, hàng nghìn NLÐ ngừng việc do DN thông báo cắt tiền thưởng Tết. Ngoài ra, có những nguyên nhân như: NLÐ chưa đồng tình với cơ chế trả lương của DN, đặc biệt là vào dịp Tết, nhiều DN chậm trả lương, chậm trả thưởng, hoặc chi lương, thưởng chưa hợp lý, chất lượng bữa ăn ca chưa bảo đảm. Mặt khác, do ảnh hưởng của đại dịch khiến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ, hoặc thu hẹp sản xuất, xuất hiện tình trạng NLÐ ngừng việc để phản ứng với chính sách của DN. Trước tình hình đó, Tổng LÐLÐ Việt Nam xác định từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, việc chăm lo Tết cho đoàn viên, NLÐ, phòng, chống dịch Covid-19 và ổn định quan hệ lao động (QHLÐ) là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu đối với tất cả các cấp công đoàn. Tổng LÐLÐ Việt Nam đã có Công văn số 1147/TLÐ gửi các LÐLÐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành T.Ư và công đoàn các tổng công ty về việc tập trung chăm lo Tết và thực hiện các giải pháp ổn định tình hình QHLÐ dịp Tết cổ truyền.
Từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn chưa đầy một tháng, do vậy các cấp công đoàn cần đẩy mạnh công tác khảo sát, phân tích, đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến đời sống, việc làm của NLÐ, QHLÐ. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mối quan tâm của đoàn viên, NLÐ, cũng như xu hướng vận động của QHLÐ trên địa bàn, đơn vị qua các kênh để từ đó có các giải pháp kịp thời, hiệu quả. Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLÐ chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, DN, trong đó có Chỉ thị 48-CT/TW và Chỉ thị 44/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Công đoàn các cấp khẩn trương tham mưu cấp ủy, đề xuất chính quyền, đơn vị chuyên môn dành nguồn kinh phí thỏa đáng hỗ trợ, tặng quà đoàn viên, NLÐ có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai nhân dịp Tết Nguyên đán. Tăng cường xã hội hóa, bổ sung nguồn lực, chăm lo chu đáo, kịp thời, đúng đối tượng đoàn viên, NLÐ. Công đoàn cơ sở tại các DN cần cố gắng thương lượng với chủ sử dụng lao động để có các khoản thưởng xứng đáng cho NLÐ, tạo động lực để họ tiếp tục vươn lên. Tham gia kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi. Nhất là, không để chủ DN lợi dụng buộc NLÐ tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn thời gian luật định. Tết Tân Sửu 2021 cũng là năm đầu tiên thực hiện Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, với quy định người sử dụng lao động có thể thưởng cho NLÐ bằng hiện vật thay vì tiền, do đó công đoàn cơ sở cần chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai, giám sát thực hiện kế hoạch trả tiền lương, thưởng, các khoản phúc lợi khác, bảo đảm quyền lợi của đoàn viên, NLÐ.
Tết năm nay, khả năng nhiều NLÐ không về quê đón Tết do dành tiền tích cóp gửi về hỗ trợ gia đình, hoặc làm ca, kíp, không có điều kiện nghỉ Tết, cho nên các cấp công đoàn cần khảo sát, lập danh sách, phối hợp chính quyền, MTTQ, đoàn thể địa phương thăm hỏi, tặng quà, tổ chức các hoạt động đón Tết, vui Xuân thật ý nghĩa , đầm ấm. Chú trọng nắm chắc tình hình QHLÐ cụ thể ở từng DN. Ðối với những DN có dấu hiệu phát sinh xung đột, mâu thuẫn, có thể xảy ra tranh chấp lao động, công đoàn phối hợp các ngành chức năng và người sử dụng lao động xử lý kịp thời, bảo đảm quyền lợi NLÐ. Nắm danh sách DN có nguy cơ phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, không có tiền lương, thưởng Tết cho đoàn viên, NLÐ; phối hợp chính quyền địa phương sớm có các giải pháp cụ thể, bảo vệ quyền lợi của NLÐ, không để tình hình phức tạp xảy ra.