Quan tâm, chăm lo toàn diện đối với gia đình người có công
Cụ thể hóa chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về quan tâm, chăm lo gia đình người có công (NCC), các địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã có những việc làm thiết thực nhằm động viên, giúp đỡ thân nhân, gia đình NCC vươn lên trong cuộc sống.
Để những chính sách này phát huy hiệu quả tốt hơn nữa, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, công tác “đền ơn đáp nghĩa” rất cần sự chung tay tích cực của toàn xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến về nội dung này.
Trung tướng TRẦN TẤN HÙNG, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam:
Hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” luôn cần sự chung tay của toàn xã hội
Gần 13 năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã trao tặng 1.100 nhà tình nghĩa (mỗi ngôi nhà trị giá từ 60 đến 80 triệu đồng); tặng 2.700 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng), 38.000 suất quà (mỗi suất 3 triệu đồng); tổ chức khám, chữa bệnh cho gần 24.000 lượt đối tượng chính sách; phụng dưỡng 101 Bà mẹ Việt Nam anh hùng...
Đặc biệt, Hội đã thông báo thông tin của hơn 115.000 liệt sĩ; tiếp nhận và thụ lý 20.250 hồ sơ liệt sĩ; tư vấn, hỗ trợ miễn phí và gửi 1.047 trường hợp làm giám định ADN, trong đó 665 trường hợp đã có kết quả với 462 liệt sĩ được xác định đúng danh tính; đồng thời hỗ trợ miễn phí đưa hơn 1.000 hài cốt liệt sĩ về quê hương.
Mặc dù vậy, đến nay, vẫn còn khoảng 180.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm được, hơn 300.000 liệt sĩ đang nằm tại 3.000 nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, hơn 560.000 gia đình chưa đưa được hài cốt liệt sĩ về quê hương. Cùng với đó là hàng vạn gia đình liệt sĩ đang từng ngày mong ngóng tìm được hài cốt người thân...
Hoạt động tri ân sẽ hiệu quả hơn nữa nếu ngày càng có nhiều thêm sự đồng hành, chung tay, góp sức tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội. Trong đó, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC.
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác “đền ơn đáp nghĩa”; đa dạng hóa nguồn lực, bảo đảm cho thực hiện chính sách ưu đãi thương binh, liệt sĩ, NCC trong tình hình mới. Và một điều quan trọng nữa là phải giúp đỡ, khích lệ, động viên ý chí tự lực vươn lên của những đối tượng được thụ hưởng các chính sách ưu đãi NCC; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của NCC.
------------------------
Đồng chí NGUYỄN HỮU HÀ, Phó chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An:
Tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn các đối tượng chính sách
Toàn huyện Hưng Nguyên hiện có 1.612 thương binh, 568 bệnh binh và gần 3.000 liệt sĩ. Thời gian qua, huyện và các cấp ban, ngành, đoàn thể đã thực hiện tốt Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình NCC; tỷ lệ hộ NCC có mức sống từ trung bình trở lên của huyện đạt 95%.
Trong giai đoạn năm 2020-2022, huyện đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa gần 30 nhà tình nghĩa tặng thân nhân các gia đình liệt sĩ. Công tác quy tập, tiếp nhận và an táng hài cốt liệt sĩ luôn được huyện quan tâm, tổ chức trang trọng. Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng triển khai thực hiện việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ và trả kết quả theo thủ tục hành chính trong lĩnh vực NCC tại trung tâm một cửa; đổi mới một số nội dung trong thực hiện chế độ, chính sách theo đề án chuyển đổi số của Chính phủ, nhằm hướng tới việc phục vụ NCC và nhân dân ngày càng tốt hơn...
Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, công tác giải quyết một số chính sách đối với NCC còn có vướng mắc, nhất là chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với các đối tượng chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và các văn bản quy định của Chính phủ, của UBND tỉnh.
Đặc biệt, huyện sẽ đẩy mạnh xã hội hóa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; xây dựng nhà tình nghĩa và Phong trào “Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng”, phấn đấu 100% gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
-----------------------------
Trung tá LÊ HỮU TUẤN, Đội trưởng Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ (Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa):
Mong sớm tìm thấy và đưa các anh hùng liệt sĩ về với đất mẹ
Trong những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào của Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa còn gặp nhiều khó khăn do thông tin về các phần mộ liệt sĩ ngày càng ít; đường đi lại hiểm trở; địa hình phức tạp, địa vật thay đổi nhiều nên khó xác định; các nhân chứng trực tiếp còn sống không nhiều, phần lớn tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm sút...
Mặt khác, địa bàn tìm kiếm hầu hết là những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, lượng bom, mìn sót lại nhiều, nguy cơ mất an toàn rất cao. Nhưng bằng tinh thần trách nhiệm cao, cán bộ, nhân viên của Đội luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm và cái tâm của người lính quy tập, mỗi người đều nỗ lực bằng hai, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ năm 1998 đến nay, cán bộ, nhân viên Đội đã quy tập và hồi hương hàng nghìn hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào. Mùa khô năm 2023-2024, chúng tôi đặt mục tiêu quy tập 14 đến 16 hài cốt liệt sĩ. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi xác định bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 515 các cấp; tập trung quán triệt cho cán bộ, nhân viên toàn Đội nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương làm tốt công tác nắm thông tin, khảo sát, kết luận địa bàn, lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập với quyết tâm hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, sớm tìm thấy và đưa các anh hùng, liệt sĩ về với đất mẹ.
-------------------------
Thương binh NGUYỄN VĂN KIỆT, khu 3, phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang:
Luôn nhớ lời Bác Hồ dặn “Thương binh tàn nhưng không phế”
Dù vết thương ở đùi thường xuyên tái phát nhưng tôi luôn nhớ lời Bác Hồ căn dặn “Thương binh tàn nhưng không phế” để động viên mình, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Tôi nghĩ, mình bị thương ở chân, còn đôi tay vẫn lành lặn, thế nên không gì là không thể làm. Mình không làm được việc nặng thì làm việc nhẹ. Thấy nghề mua bán cũng nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe nên tôi làm.
Ban đầu, nhờ sự hỗ trợ từ địa phương nên tôi mới có vốn mua bán dạo, bán đồ nhựa dạo ở xóm, ở chợ nhỏ. Sau khi tích lũy được một số kiến thức, có vốn, tôi quyết định mở một tiệm bán đồ nhựa nho nhỏ ở khu 3, phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy và phát triển lên cho tới giờ. Trước đây, mình khó khăn, được địa phương quan tâm, giúp đỡ nên giờ đủ ăn rồi thì phải giúp đỡ người khác. Với thanh niên thì tôi nhận vào làm, dạy nghề và hỗ trợ vốn làm ăn. Với những người lớn tuổi hay các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn thì tôi giúp bằng cách tặng tập sách, hỗ trợ tiền học tập, sinh sống.
Tôi thấy Đảng, Nhà nước, chính quyền và các đoàn thể địa phương luôn quan tâm, chăm lo đối tượng chính sách. Mỗi dịp Tết đến hay Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), ngoài thăm hỏi, tặng quà, lãnh đạo địa phương còn tổ chức bữa cơm ăn cùng với NCC để thông tin về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tôi cảm thấy rất vui khi những lần gặp gỡ như thế, lãnh đạo địa phương thông tin đã hỗ trợ xây nhà, nguồn vốn và thống kê các hộ là NCC, thương binh, bệnh binh vươn lên thoát nghèo... Lãnh đạo từ tỉnh đến huyện còn tổ chức gặp gỡ, đối thoại với NCC để nắm tâm tư, tình cảm và xem chính sách đã thỏa đáng chưa hay có khó khăn, vướng mắc nào thì kịp thời tháo gỡ. Theo tôi, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn thì những chính sách và sự quan tâm đó là rất đáng trân trọng, cần phải cố gắng để đáp lại xứng đáng.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.