Quan tâm chăm sóc cây trồng vụ mùa

Hiện nay cây trồng vụ mùa đang trong giai đoạn sinh trưởng quan trọng, tuy nhiên thời tiết mưa nắng xen kẽ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại phát triển, người dân cần chú ý chăm sóc đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt.

 Nông dân xã Đôn Phong (Bạch Thông) phun trừ sâu hại lúa mùa.

Nông dân xã Đôn Phong (Bạch Thông) phun trừ sâu hại lúa mùa.

Đợt mưa lớn tháng 8 vừa, bãi ngô của gia đình ông Vũ Xuân Giao ở tổ Bản Cạu, phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) vừa trồng không lâu đã bị ngập úng, ông phải gieo lại lần thứ 3 cây ngô mới phát triển được. Hiện tại, gia đình ông đang tập trung làm cỏ, bón thúc và vun gốc. Do thời tiết bất lợi nên cây ngô phát triển chậm hơn mọi năm, nguy cơ sâu bệnh hại cũng nhiều nên gia đình ông phải bỏ công sức chăm sóc nhiều hơn.

Còn đối với hộ bà Trịnh Thị Định, thôn Bản Đán, xã Đôn Phong (huyện Bạch Thông) trồng gần 2.000m2 giống lúa nếp và Bao thai, giai đoạn này lúa đang đẻ nhánh. Bà Định cho biết trên ruộng bắt đầu xuất hiện lác đác sâu cuốn lá, rầy, đạo ôn... nếu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng thời điểm, đúng loại thuốc thì hiệu quả sẽ không cao.

Vụ mùa năm 2024, toàn tỉnh gieo trồng được 13.971ha lúa, đạt 99% kế hoạch; ngô 4.684ha, đạt 85% kế hoạch. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, thời điểm này lúa mùa đang xuất hiện đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh nghẹt rễ gây hại trên trà lúa mùa... Sâu xám, sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô; bệnh cháy lá, thối củ trên cây gừng xã Tân Sơn, Yên Cư (huyện Chợ Mới)…

 Ngành chuyên môn khuyến khích bà con tiếp tục trồng các loại cây vẫn đang trong thời vụ. (Trong ảnh: Nông dân xã Kim Lư, huyện Na Rì xuống giống ngô đồi).

Ngành chuyên môn khuyến khích bà con tiếp tục trồng các loại cây vẫn đang trong thời vụ. (Trong ảnh: Nông dân xã Kim Lư, huyện Na Rì xuống giống ngô đồi).

Dự báo trong thời gian tới, các loại sinh vật gây hại tiếp tục phát triển, diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp. Do đó bà con cần chủ động chăm sóc, thực hiện hiệu quả các biện pháp hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chức năng. Đặc biệt chú ý với những diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, cần có biện pháp chăm sóc hợp lý.

Với các diện tích bị ngập úng, không kịp thời vụ, cần chủ động sớm chuyển sang các cây trồng khác nhằm bù vào sản lượng thiếu hụt các thời vụ trước. Đối với diện tích sản xuất lúa hữu cơ, cần bón thúc bằng các loại phân hữu cơ, vi sinh, lượng phân bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ gieo trồng diện tích ngô còn lại.

Đối với cây gừng, người dân cần chú ý phát quang xung quanh đồi, làm cỏ giữa các luống, ngắt bỏ lá già, lá bệnh, loại bỏ củ, khóm bị bệnh mang ra khỏi khu sản xuất tiêu hủy. Với cây bị thối ướt củ do vi khuẩn, cần nhổ bỏ cây bệnh đem tiêu hủy, rắc vôi vào những hốc đã loại bỏ củ, khóm bị bệnh, phun trừ bằng các loại thuốc theo khuyến cáo.

Tiếp tục quan tâm chăm sóc rau, đậu đỗ, cây trồng chủ lực như dong riềng, cam quýt, hồng không hạt… để tăng chất lượng, sản lượng sản phẩm trước khi bước vào thời kỳ thu hoạch./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/quan-tam-cham-soc-cay-trong-vu-mua-post65490.html