Quan tâm, chăm sóc để trẻ phát triển toàn diện
Yên Bái đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể xây dựng mô hình, câu lạc bộ trẻ em nòng cốt để các em được lên tiếng thể hiện mong muốn, suy nghĩ của mình về các vấn đề của trẻ em. Hiện nay, toàn tỉnh có 30% số trẻ em từ 7 tuổi trở lên được hỏi ý kiến về các vấn đề của trẻ em với các hình thức phù hợp; 85% số trẻ được nâng cao nhận thức, năng lực về quyền tham gia của trẻ...

Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức khám và tư vấn cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu có 740 trẻ em, trong đó 350 trẻ là người dân tộc thiểu số, 5 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trên 100 trẻ thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, mồ côi cha, mẹ. Là địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn, song công tác bảo vệ quyền lợi, chăm sóc, giáo dục trẻ em luôn được cấp ủy, chính quyền thị trấn quan tâm, thực hiện nghiêm túc.
Thị trấn đã triển khai các hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ và nhân dân trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em như: trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa, phát hiện sớm tình trạng xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè.
Đặc biệt, 100% số trẻ sinh ra đều được khai sinh kịp thời, đúng quy định; trẻ em mẫu giáo ra lớp đạt 100%, trong đó trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100% và trẻ vào lớp 1 đạt 100%. Đối với những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, mồ côi cha, mẹ được địa phương quan tâm, chăm sóc, động viên kịp thời.
Em Hà Việt Đức ở tổ 3, thị trấn Trạm Tấu cho biết: "Bố mẹ mất sớm, em ở cùng ông bà ngoại. Ngày lễ, tết, các cô chú ở UBND thị trấn đều đến thăm hỏi, tặng quà cho em, lúc là hiện vật, lúc là tiền mặt. Mỗi lần nhận được quà, em vui lắm và đều đưa lại cho ông bà để thêm tiền mua sách, vở, đồ dùng học tập. Em luôn biết ơn tình cảm quan tâm, yêu thương, giúp đỡ của mọi người dành cho mình!”.
Yên Bái hiện có trên 229.000 trẻ em, trong đó hơn 6.300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trên 12.500 trẻ em sống trong môi trường khó khăn cần hỗ trợ. Thực hiện Quyết định số 1437/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025 (Đề án), UBND tỉnh đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 28/12/2018 về thực hiện Đề án.
Mục tiêu chung của Đề án hướng đến là bảo đảm cho trẻ em từ 0 - 8 tuổi được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; được bình đẳng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc, phát triển toàn diện theo độ tuổi để thực hiện các quyền của trẻ em. Từ khi triển khai Đề án đến nay, công tác chăm sóc toàn diện cho trẻ đạt được nhiều kết quả.
Hoạt động chăm sóc y tế trẻ em, nhất là đối tượng trẻ từ 0 - 8 tuổi được đẩy mạnh. Các cơ sở y tế tổ chức tốt hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; tổ chức cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi uống vitamin A đạt trên 99,5%. Các địa phương tổ chức tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi đầy đủ đạt 98,5%; tẩy giun cho trẻ từ 25 - 60 tháng tuổi; thực hiện hiệu quả các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Hiện nay, giáo dục mầm non toàn tỉnh có 2.020 lớp với 53.241 trẻ và 2.779 lớp tiểu học, 84.702 học sinh. Các nhà trường đã thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục dinh dưỡng, có nhiều giải pháp thiết thực để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ mầm non.
Đặc biệt, các nhà trường quan tâm thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn nội trú, bán trú, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Các trường học phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương có những biện pháp tích cực phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Bên cạnh đó, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non được chú trọng với 100% trẻ ra nhóm, lớp được khám sức khỏe định kỳ, được cân đo, chấm biểu đồ theo dõi sự phát triển.
Không chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất và giáo dục, Đề án còn có các hoạt động hướng gia đình, cộng đồng quan tâm đến trẻ em thông qua xây dựng mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Các địa phương duy trì và nhân rộng 31 câu lạc bộ cha mẹ với 844 thành viên, giúp trẻ em nâng cao năng lực bảo vệ tại cộng đồng.
Tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, giải pháp của Đề án, hướng tới mục tiêu trẻ em được phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể phối hợp đẩy mạnh truyền thông về quyền trẻ em, bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thăm, tặng quà cho trẻ em có thành tích xuất sắc trong học tập và các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro, hoạn nạn.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/350477/quan-tam-cham-soc-de-tre-phat-trien-toan-dien.aspx