Quan tâm chăm sóc người cao tuổi

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn trân trọng, đánh giá cao vai trò của người cao tuổi. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã có 'Thư gửi các vị phụ lão' vào ngày 21/9/1945, trong đó Bác đã thăm hỏi, chúc sức khỏe và nhắn nhủ những người cao tuổi tiếp tục nêu gương sáng và truyền dạy kinh nghiệm quý báu cho con cháu.

Người từng căn dặn: “Một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc...”, “Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo”.

Huyện đoàn Lâm Thao tổ chức hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn xã Cao Xá.

Huyện đoàn Lâm Thao tổ chức hoạt động khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn xã Cao Xá.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách để người cao tuổi được chăm sóc ngày càng tốt hơn, như: Chỉ thị 59 của Ban Bí thư (khóa VII) về chăm sóc người cao tuổi (năm 1995); Luật Người cao tuổi 2009; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 và Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030...

Trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự tạo điều kiện của các cơ quan ban ngành, địa phương, trong nhiều năm qua, các hoạt động, phong trào của người cao tuổi cả nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, khởi sắc; các chính sách an sinh đối với người cao tuổi được quan tâm, triển khai trong thực tế cuộc sống.

Hàng năm có trên 1 triệu người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ; trên 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4,5 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; trên 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; có trên 77.000 câu lạc bộ của người cao tuổi ở cơ sở với nhiều loại hình hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút trên hàng triệu người cao tuổi tham gia.

Giai đoạn phát triển mới mang lại cho nước ta những thời cơ, vận hội nhưng cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức, trong đó quá trình già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và đến năm 2050 là 23%. Từ năm 2030, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “dân số vàng”; sau năm 2040, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sẽ gây những tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế- xã hội.

Trong bối cảnh đó, để tiếp tục bảo vệ, chăm sóc ngày càng tốt hơn, đồng thời phát huy vị trí, vai trò, trí tuệ, kinh nghiệm, bản lĩnh của người cao tuổi trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt và triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số nhanh hiện nay; nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi và xây dựng tổ chức hội vững mạnh; coi người cao tuổi là nguồn lực cho phát triển và tạo điều kiện để người cao tuổi thực sự là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội.

Người cao tuổi không chỉ có công sinh thành, dưỡng dục con cháu về nhân cách, giữ vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, mà còn là nguồn lực vô giá với nhiều kinh nghiệm sống và nguồn tri thức vô tận có thể truyền đạt cho thế hệ trẻ về sau.

Hiện nay, tỷ lệ tuổi thọ của nước ta đang tăng nhanh chóng, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023. Tuy nhiên, cùng với tuổi thọ ngày càng cao và nhiều tác động về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi ngày càng trở thành vấn đề xã hội cần quan tâm. Bởi đa phần người cao tuổi chủ yếu sống ở nông thôn, không có tích lũy vật chất, vẫn phải làm việc kiếm sống, nhiều người sống nương tựa vào con cháu... trong khi người cao tuổi rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế - xã hội khi con cái không có việc làm và cuộc sống ổn định.

Ngoài ra, cơ cấu và mô hình bệnh tật người cao tuổi cũng thay đổi theo xu hướng bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính như bệnh về xương khớp, hô hấp, tim mạch, cao huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa... tăng nhanh, dẫn đến chi phí chăm sóc y tế rất cao.

Nhiều CLB bóng cửa trên địa bàn huyện Tam Nông được thành lập là sân chơi thể thao yêu thích của người cao tuổi. Ảnh: Bích Ngọc

Nhiều CLB bóng cửa trên địa bàn huyện Tam Nông được thành lập là sân chơi thể thao yêu thích của người cao tuổi. Ảnh: Bích Ngọc

Ngày 25/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”. Việc tổ chức Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam nhằm: Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu thảo của con cháu với bố mẹ, ông bà và tinh thần kính lão, trọng thọ; thu hút sự quan tâm của tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi.

Từ khi Quyết định số 544 được ban hành, hàng năm từ Trung ương đến địa phương đều tổ chức Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam với những hoạt động thiết thực, hiệu quả như: Thăm khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi; trợ giúp người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi...

Năm 2024, Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam có chủ đề “Chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”. Chủ đề mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, người cao tuổi ngày càng đông và là lực lượng cần được tích cực phát huy, đồng thời còn một bộ phận người cao tuổi đang đứng trước những tác động rủi ro của thiên tai, của tuổi già không còn khả năng lao động, không có tích lũy, ốm đau, bệnh tật kéo dài, không nơi nương tựa...

Chăm sóc phụng dưỡng người cao tuổi là trách nhiệm của gia đình và xã hội, thể hiện truyền thống, đạo lý đậm tính nhân văn của dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, làm tốt công tác chăm sóc người cao tuổi cũng chính là lo cho chúng ta trong tương lai, hay nói cách khác là chúng ta phải lo cho tuổi già khi chúng ta đang còn trẻ và việc chăm sóc người cao tuổi cũng chính là thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Hơn nữa, đây cũng là dịp để chúng ta thể hiện lòng tri ân và biết ơn sâu sắc đối với những thế hệ đi trước, những người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quan-tam-cham-soc-nguoi-cao-tuoi-220289.htm