Quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thiệt thòi

Nhiều trẻ khi sinh ra đã không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa, cũng như nhiều trẻ mồ côi bơ vơ không nơi nương tựa nhưng với sự chăm sóc tận tình và tình yêu thương chân thành của cán bộ, nhân viên Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lai Châu, những trẻ em này đã từng bước xóa đi mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 90 đối tượng bảo trợ xã hội trong đó 81 đối tượng trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, 4 người cao tuổi, 5 đối tượng bảo vệ khẩn cấp. Với mục tiêu chăm lo, quản lý nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội đầy đủ, đúng quy định, thời gian qua, cán bộ, nhân viên của Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, chia ca kíp hợp lý đảm bảo thường trực 24/24 giờ trong ngày để quản lý, chăm sóc đối tượng. Đối với người già, người tàn tật nặng không tự phục vụ sinh hoạt của bản thân, cơ sở bố trí, sắp xếp, phân công cụ thể một số viên chức để thường xuyên chăm sóc. Với trẻ em đi học, đơn vị cử người đưa đón và hướng dẫn, giúp đỡ các cháu trong học tập.

Cán bộ Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh chăm sóc trẻ em.

Cán bộ Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh chăm sóc trẻ em.

Hơn 10 năm nay, chị Vũ Thị Nga - Viên chức Phòng Nghiệp vụ Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh vẫn miệt mài gắn bó với công việc “mẹ nuôi”. Chị cùng các đồng nghiệp khác luân phiên chia 3 ca trực mỗi ngày, đảm bảo 24/24 giờ đều ở bên chăm sóc cho hơn chục em nhỏ bị bỏ rơi, trong đó có những em bị bệnh bại não, khuyết tật, bệnh hiểm nghèo. Trong ca trực, các chị thay nhau vệ sinh, trông nom, bế ẵm, dỗ dành, cho các con ăn, ngủ; thời gian còn lại dành cho việc giặt giũ, dọn dẹp phòng… Công việc giống như bao bà mẹ khác nhưng để bao quát, đảm đương thành thạo không hề đơn giản bởi các bé ở nhiều độ tuổi khác nhau, có bé mắc bệnh hiểm nghèo cần chế độ chăm sóc riêng biệt. Mà những ai làm mẹ sẽ hiểu cảm giác chăm sóc, nuôi nấng con trẻ thế nào thì tại đây sự vất vả đó lên gấp chục lần. Dẫu vậy, chị Nga vẫn chọn gắn bó với công việc đặc thù này xuất phát từ lòng thương cảm, mong muốn bù đắp phần nào số phận thiệt thòi của các con.

Vất vả nhiều khi không đong đếm được nhưng chị Hoàng Thị An - Viên chức đa khoa Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh luôn tự hào về nghề, cống hiến hết mình bằng cái tâm, giúp đỡ những số phận không may vượt qua những rào cản của cuộc sống, phát triển, hòa nhập với cộng đồng. Công việc hằng ngày của chị theo dõi, thăm khám sức khỏe, cấp phát thuốc kịp thời cho đối tượng người già, người tàn tật theo kế hoạch, đặc biệt quan tâm chăm sóc, điều trị đối với các đối tượng là trẻ em suy dinh dưỡng, khuyết tật và người cao tuổi có thể trạng yếu, bệnh nặng. Những đối tượng tâm thần được duy trì uống thuốc đều 100%. Bên cạnh điều trị bệnh, chị còn duy trì tập phục hồi chức năng cho các đối tượng với những bài tập phù hợp với sức khỏe của từng người. Đồng thời hướng dẫn cho các đối tượng tham gia vào một số hoạt động như: đánh cờ, đọc sách báo, tập thể dục dưỡng sinh, xem phim giải trí.

Không chỉ quan tâm chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh còn phối hợp với các tổ chức, cơ quan, đơn vị trường học thực hiện mơ ước được cắp sách đến trường, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề để các em phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và nhân cách, đồng thời có định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Hiện nay, 100% trẻ em ở cơ sở trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Phối hợp với các nhà trường trên địa bàn để nắm bắt tình hình học tập của các em, kết quả năm học 2023 -2024: 3 em xếp loại học lực giỏi ; khá 31 em; 100% các cháu đạt hạnh kiểm tốt. Ngoài giờ học trên lớp, các em được học kỹ năng tự phục vụ bản thân, phòng tránh bạo lực, xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, tập luyện các bài thể dục nâng cao thể lực…

Sau những giờ lao động, học tập căng thẳng, mệt mỏi, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vừa giúp các em rèn luyện thân thể, vừa tạo cơ hội để các em nghỉ ngơi, vui chơi, hòa nhập với bạn bè. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác như: tổ chức vui tết Trung thu “Lễ hội trăng rằm”; tuyên dương, khen thưởng những học sinh giỏi, chăm ngoan nhân dịp tổng kết năm học.. May mắn hơn cơ sở luôn được các nhà hảo tâm, cơ quan, tổ chức quan tâm tiếp sức. Trong 6 tháng đầu năm, cơ sở tiếp nhận nguồn hỗ trợ, quà tặng của các nhà tài trợ trong và ngoài nước hỗ trợ với số tiền: 30.500.000 đồng.

Trẻ em ở Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh được vui chơi giải trí.

Trẻ em ở Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh được vui chơi giải trí.

Bà Lương Thị Lập - Phó Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cho biết: Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, cơ sở cũng quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Từng khu sinh hoạt, như nhà bếp, phòng ăn, khu vệ sinh, phòng tập vật lý trị liệu... đều được bố trí khoa học, đảm bảo vệ sinh; chú trọng việc trồng nhiều cây xanh để lấy bóng mát và điều hòa không khí. Ngoài ra, Cơ sở Bảo trợ xã hội tỉnh còn đẩy mạnh các hoạt động công tác xã hội, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp trợ giúp các trường hợp tại cộng đồng như: người lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa, phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại… Xây dựng kế hoạch xuống các xã, bản để tuyên truyền, vận động các đối tượng đủ điều kiện vào cơ sở để chăm sóc nuôi dưỡng.

Với tinh thần khắc phục khó khăn, cán bộ, nhân viên luôn nỗ lực, cố gắng trong từng công việc để các em cảm nhận Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh là “mái nhà chung” tiếp thêm niềm tin, hy vọng trong cuộc sống, tạo hành trang hướng tới tương lai tươi đẹp hơn.

Hà Tĩnh

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/quan-t%C3%A2m-ch%C4%83m-s%C3%B3c-nu%C3%B4i-d%C6%B0%E1%BB%A1ng-tr%E1%BA%BB-em-thi%E1%BB%87t-th%C3%B2i