Quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng

Bà Vũ Thị Tú, ngụ xã An Thạnh Nam (Cù Lao Dung) cho biết: 'Con tôi mắc bệnh từ mấy năm nay. Sau thời gian dùng thuốc và áp dụng các liệu pháp tâm lý, sức khỏe tâm thần dần dần được ổn định, không cần phải nhập viện điều trị thường xuyên nữa. Hiện tại, mỗi tháng đều lên Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2 lãnh thuốc về uống'. Đây chỉ là một trong số 2.530 bệnh nhân tâm thần phân liệt và hơn 1.000 bệnh nhân động kinh đang được quản lý và điều trị hiệu quả tại Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2, thông qua Chương trình mục tiêu y tế quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng.

Hiện tại, theo số liệu từ Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2, toàn tỉnh có 2.530 bệnh nhân tâm thần phân liệt và hơn 1.000 bệnh nhân động kinh đang được quản lý và điều trị tại cộng đồng. Theo ngành chuyên môn, bệnh tâm thần là do rối loạn hoạt động của não bộ, gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm... Đa số không xác định được nguyên nhân, chỉ xác định được yếu tố thúc đẩy; một số xuất phát từ nguyên nhân nghiện rượu, ma túy, căng thẳng... Bệnh không gây chết đột ngột nhưng làm giảm sút khả năng lao động, học tập, làm đảo lộn sinh hoạt, gây căng thẳng cho các thành viên trong gia đình và tổn hại về kinh tế, nếu không được chữa trị kịp thời dẫn đến trạng thái tâm thần sa sút, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng ban đầu thì phải đến các phòng khám chuyên khoa để khám và điều trị. Ảnh: KGT

Bên cạnh đó, các rối loạn tâm thần và hành vi là những vấn đề lớn của sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi phải phát hiện bệnh sớm và điều trị. Đây là loại bệnh đặc thù, vì vậy không chỉ điều trị bằng thuốc, các bác sĩ phải áp dụng cả những liệu pháp tâm lý đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Sự quan tâm, sẻ chia của gia đình và xã hội là liều thuốc tốt nhất giúp bệnh nhân hòa nhập cộng đồng. Bác sĩ chuyên khoa 1 Thạch Siêl - Trưởng Khoa Tâm thần kinh (Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2) chia sẻ: “Khi chăm sóc bệnh nhân tâm thần, tuyệt đối không được tranh luận với người bệnh vì không thể đoán được người bệnh nghĩ gì, hành động gì. Gia đình quan tâm chăm sóc, thương yêu người bệnh sẽ giúp người bệnh ổn định tốt hơn. Ngoài việc điều trị bằng thuốc, các y, bác sĩ còn phải gần gũi, động viên người bệnh và người nhà bệnh nhân”.

Đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng được triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng công tác truyền thông về bệnh tâm thần cũng được thực hiện từ tỉnh đến cơ sở. Ngành chuyên môn tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ y tế các huyện, thị xã, thành phố, đội ngũ y tế khóm, ấp và gia đình bệnh nhân nhằm nâng cao kiến thức chăm sóc, phát hiện và quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.

Đặc biệt, Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2 với nhiệm vụ là đơn vị tiếp nhận quản lý, điều trị bệnh nhân tâm thần, đã tổ chức tốt việc triển khai khám, thu dung điều trị cho người bệnh. Phối kết hợp chặt chẽ giữa lâm sàng với cận lâm sàng để không ngừng nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị. Hiện tại, Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2 có 40 giường bệnh tại Khoa Tâm thần kinh dành cho việc điều trị nội trú với hơn 30 ca, trung bình mỗi ngày khám ngoại trú cho khoảng 150 bệnh nhân có vấn đề về tâm thần.

Các bệnh nhân này nếu thuộc dạng bệnh nhẹ sẽ tham gia điều trị ngoại trú, riêng những ca bệnh nặng (có dấu hiệu kích động) thì được điều trị nội trú tại bệnh viện từ 10 - 15 ngày sẽ ổn định, được xuất viện; những ca nặng hơn sẽ được chuyển lên tuyến trên. Song song đó, tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh, công tác quản lý, điều trị bệnh nhân ngoại trú được thực hiện tốt. Do đó, sau khi điều trị nội trú, ra viện trở về địa phương, người bệnh có thuốc điều trị ổn định không phải nằm viện dài ngày, gia đình không phải tốn kém tiền đi lại chăm sóc, phục vụ, góp phần tiết kiệm được chi phí điều trị.

Qua đó, thời gian qua, có hơn 90% bệnh nhân tâm thần phân liệt ổn định sau khi được điều trị và hơn 90% bệnh nhân động kinh ổn định sau điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Thạch Siêl khuyến cáo: “Để phòng tránh bệnh tâm thần cần phải có cuộc sống thoải mái, có sức khỏe về thể chất và tinh thần; tránh áp lực, không để căng thẳng kéo dài… Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng ban đầu như mất ngủ kéo dài, hoang tưởng bị hại, ảo thanh… thì phải đến các phòng khám chuyên khoa để khám và điều trị”.

H.P

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/y-te/quan-tam-cham-soc-suc-khoe-tam-than-tai-cong-dong-34480.html