Quan tâm chế độ phụ cấp cho nhân viên trường học

HNN - Dự thảo Nghị định Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác trong cơ sở giáo dục công lập đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập trong chính sách đãi ngộ, tạo động lực cho đội ngũ nhân viên trong trường học.

 Nhân viên cấp dưỡng đóng vai trò quan trọng ở trường mầm non

Nhân viên cấp dưỡng đóng vai trò quan trọng ở trường mầm non

Đãi ngộ chưa tương xứng

Chị Phan Thị Thủy là nhân viên kế toán Trường Mầm non Nhâm (xã A Lưới 2). Vào nghề cách đây 5 năm, chị hưởng lương theo bằng đại học, hiện tại hệ số lương là 3,99, khoảng trên 8 triệu đồng. Công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, thu nhập của chị thuộc nhóm thấp nhất trường nếu so sánh với mặt bằng chung về bằng cấp chuyên môn, thâm niên công tác, điều kiện làm việc…

Chị Thủy cho hay: “Công việc của tôi áp lực, vừa làm kế toán, vừa kiêm nhiệm công việc của văn phòng. Buổi làm chuyên môn, buổi lo công việc của văn thư, rất vất vả. Vậy nhưng, phụ cấp ưu đãi không có, thi đua khen thưởng cũng xếp sau cùng. Chúng tôi cũng làm trong môi trường giáo dục, kiêm nhiệm nhiều thứ, việc gì cũng làm nhưng thu nhập chưa tương xứng nên nhiều khi cũng chạnh lòng”.

Ngoài nhân viên kế toán, nhân viên y tế và bảo vệ, Trường Mầm non Hoa Mai (phường Phú Nhuận - nay là phường Thuận Hóa) còn có 20 nhân viên cấp dưỡng do trường hợp đồng theo năm học. Nhà trường trả lương cho nhân viên cấp dưỡng từ tiền bán trú theo thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh. Lương của cấp dưỡng căn cứ theo mức vùng, khoảng 4,1 triệu đồng/tháng sau khi đóng bảo hiểm. Họ không có khoản phụ cấp nào khác, chế độ hè cũng không có. Tại khu vực thành thị, áp lực chi phí sinh hoạt càng khiến bài toán thu nhập thêm nặng nề. Với mức lương này, họ khó đảm bảo cuộc sống ở thành phố.

Cô giáo Tôn Nữ Lục Hà, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai chia sẻ: “Ở trường mầm non, nhân viên cấp dưỡng cũng là một vai trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Họ đóng vai trò quan trọng để trẻ có những bữa ăn ngon. Công việc vất vả, họ phải đến trường từ sáng sớm và chiều tối mới về nhưng không có phụ cấp ưu đãi, không có lương thưởng. Ngay cả các khoản thi đua cuối năm cũng không có, rất khó khăn và thiệt thòi”.

Kỳ vọng từ dự thảo chính sách mới

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định Quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, nhân viên trường học - nhóm đối tượng trước nay ít được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù sẽ lần đầu tiên được đề xuất mức phụ cấp theo từng nhóm vị trí việc làm: 15% cho nhóm công việc hỗ trợ, phục vụ; 20% với chức danh chuyên môn dùng chung và 25% với chức danh nghề nghiệp chuyên ngành. Thông tin này ngay lập tức nhận được sự quan tâm, đồng tình từ các trường học. Nhiều nhân viên trường học kỳ vọng về một chính sách đãi ngộ công bằng, hợp lý, có thể giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với nghề.

Biết thông tin về dự thảo, chị Phan Thị Thủy phấn khởi: “Giáo dục mầm non là ngành đặc thù, không có văn thư, thư viện nên kế toán phải kiêm nhiệm. Nếu được hưởng phụ cấp ưu đãi như dự thảo, đó là sự ghi nhận và quan tâm thiết thực từ ngành giáo dục và Nhà nước. Chúng tôi sẽ có thêm thu nhập để yên tâm công tác và ấm lòng vì sự quan tâm của Bộ GD&ĐT”.

Cô giáo Tôn Nữ Lục Hà cho biết, nhân viên trường học tại bậc học mầm non vất vả không kém giáo viên, thậm chí phải kiêm nhiệm nhiều phần việc khác nhau. Nhưng, chế độ đãi ngộ lại quá khiêm tốn. Cần nhìn nhận đúng vai trò của nhân viên trường học để có chính sách phụ cấp phù hợp.

Tại các trường vùng cao, đãi ngộ chưa tương xứng với nhân viên cũng là rào cản khi điều kiện công tác ở nơi đây còn nhiều khó khăn. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung (xã Quảng Nhâm - nay là xã A Lưới 2) cho biết, nhân viên của nhà trường kiêm nhiệm nhiều việc, kể cả việc vận động học sinh, phổ cập giáo dục nhưng mức phụ cấp thấp. Hiện nay, trường còn thiếu nhân viên tư vấn học đường và giáo vụ. “Tôi mong đội ngũ nhân viên được hưởng thêm chế độ phụ cấp, tạo thêm động lực để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Không chỉ tạo điều kiện để họ yên tâm công tác, đây còn là yếu tố góp phần giữ chân nguồn lực tại vùng sâu, vùng xa”, cô Thu Hà nói.

Thấu hiểu những vất vả của nhân viên, lãnh đạo các nhà trường mong muốn sớm có những điều chỉnh về phụ cấp, giúp nhân viên trường học tăng động lực làm việc, ổn định cuộc sống và giảm thiểu nguy cơ bỏ nghề. Dự thảo Nghị định Quy định về phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác trong cơ sở giáo dục công lập nếu sớm được thông qua sẽ là bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi cho viên chức, nhân viên trường học - lực lượng đang lặng lẽ cống hiến suốt nhiều năm qua.

Đề xuất về chế độ phụ cấp ưu đãi được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập và lấp đầy khoảng trống trong chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên trường học. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mà còn là điều kiện tiên quyết để giữ chân lực lượng, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục cơ sở. Cô giáo Tôn Nữ Lục Hà đề xuất: “Muốn trường học hoạt động hiệu quả thì không thể thiếu sự hỗ trợ từ nhân viên hành chính, kế toán, y tế, cấp dưỡng… Đã đến lúc cần có một chính sách toàn diện, để họ được công nhận đúng vai trò và được hưởng xứng đáng với công sức bỏ ra”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/quan-tam-che-do-phu-cap-cho-nhan-vien-truong-hoc-155492.html