Quan tâm, chia sẻ, giúp người tâm thần hồi phục

Người tâm thần và rối nhiễu tâm trí đang được Nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh - Ảnh: KIM CHI

Hiện nay, người tâm thần (NTT) lang thang trên địa bàn tỉnh khá nhiều. Một số gia đình không có điều kiện đành để người bệnh lang thang hết sức thương tâm, làm cho bệnh tình của họ ngày càng trầm trọng. Chính vì vậy, sự quan tâm, sẻ chia của gia đình và xã hội là liều thuốc tốt nhất giúp những bệnh nhân tâm thần phục hồi tốt và sớm hòa nhập cộng đồng.

Phú Yên hiện có khoảng 2.500 người mắc bệnh tâm thần nặng; trong đó 1.433 người bị tâm thần phân liệt, 657 người bị rối loạn tâm thần và 397 người chưa xác định được dạng tật cụ thể. Phần đông NTT đang được gia đình quản lý và điều trị tại nhà, một số đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh (Trung tâm).

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH, cho biết hiện nay vấn đề quản lý, chăm sóc NTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định. Đó là, phân khu trung tâm nuôi dưỡng NTT của Trung tâm đang dần hoàn thiện, do đó một số đối tượng tâm thần nặng không còn người thân chăm sóc, tạm thời đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại đây. Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội và nhất là các đối tượng người có công.

Theo ông Đinh Viết Hậu, người mắc bệnh tâm thần có nhiều khả năng phục hồi để tái hòa nhập cộng đồng nếu có sự chăm sóc và điều trị tốt.

Bà Lê Thị Liễu (xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu), cho biết: “Con gái tôi phát bệnh tâm thần cách đây 10 năm. Hàng ngày, việc chăm sóc con rất vất vả, mỗi khi phát bệnh là nó nói năng vô thức, mắng chửi mọi người xung quanh, đi lang thang và lượm lặt những thứ linh tinh mang về chất đầy nhà... Một mình tôi và cháu gái chăm sóc cho một người bệnh tâm thần rất khó khăn”.

Còn ông Trần Ngọc Long (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) bao năm qua cũng vất vả nuôi người con trai bị tâm thần, dị tật, chia sẻ: “Tôi có 5 người con nhưng chỉ có con trai út là bị dị tật và bệnh tâm thần, nói năng lung tung, đi lại cũng rất khó khăn. Bao năm qua cũng nhờ các cấp chính quyền, các tấm lòng hảo tâm cưu mang, hỗ trợ nên gia đình tôi tạm ổn, cố gắng làm lụng để nuôi các con”.

Phần đông NTT đều do gia đình tự quản lý và tự chăm sóc, nhiều trường hợp gia đình quá khó khăn (nhất là cha, mẹ già yếu) không có điều kiện quản lý, chăm sóc nên phải dùng các hình thức xích chân, xích tay hết sức thương tâm, làm cho bệnh tình ngày càng trầm trọng. Nhiều trường hợp lên cơn bất thường dùng vật cứng đánh cha mẹ, người thân thương vong gây bức xúc trong nhân dân…

Một số NTT bỏ nhà đi lang thang, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, trật tự nơi công cộng. Một số trường hợp tâm thần quá nặng không rõ thân nhân, tỉnh phải gửi vào Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Bình Định giúp đỡ…

Tuy nhiên, hiện nay công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh tâm thần ở tỉnh còn nhiều hạn chế. Ngoài sự chung tay chia sẻ của xã hội, rất cần chính quyền địa phương và đơn vị chức năng quan tâm, có các biện pháp cụ thể trong việc chỉ đạo và thực hiện, để công tác chăm sóc, điều trị NTT được thực hiện ngày một tốt hơn.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/224547/quan-tam-chia-se-giup-nguoi-tam-than-hoi-phuc.html