Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những 'mắt xích' quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, mở rộng thêm nhiều ngành nghề đào tạo. Từ đó góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhiều lao động địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ cho biết: Những năm qua, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 34/2011/ NQ-HĐND ngày 12/12/2011 của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 của tỉnh, huyện Đại Từ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT phát huy hiệu quả, Ban Chỉ đạo Đề án của huyện đã tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của đông đảo người lao động trên địa bàn, dự báo tình hình việc làm và thu nhập của học viên sau khi học nghề, từ đó mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương và nhu cầu của người học. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề kết hợp với tư vấn giới thiệu việc làm được thực hiện thường xuyên; tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi học nghề chiếm tỷ lệ khá cao, đạt từ 70-75%...
Chúng tôi có mặt tại xã Văn Yên khi lớp học may do Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnh phối hợp với UBND xã vừa khai giảng cách đây hơn một tháng, đào tạo nghề may cho khoảng 30 lao động địa phương. Ông Lê Thanh Hải, Trưởng xóm Bầu 1, xã Văn Yên phấn khởi cho hay: “Không chỉ được đào tạo thực tế về kỹ thuật may mặc, sau 3 tháng đào tạo, các học viên có đủ điều kiện sẽ được đơn vị đào tạo giới thiệu việc làm với doanh nghiệp may. Chính bởi vậy, khi có thông tin về lớp dạy may tổ chức tại nhà văn hóa xóm đã có rất nhiều người dân đăng ký tham gia”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài lớp đào tạo nghề may, từ năm 2018 đến nay, xã Văn Yên còn phối hợp với Hội Làm vườn tỉnh mở lớp trồng, chăm sóc một số loại cây nông nghiệp; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở 7 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đồng thời, thực hiện giới thiệu cho gần 300 lao động có việc làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ông Vũ Văn Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Yên cho biết: Đến nay, đã có gần 40% lao động trong xã được đào tạo. Thu nhập của người dân sau đào tạo đã có sự chuyển biến, đạt khoảng 5 triệu đồng/người/tháng (tăng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng) so với trước đào tạo.
Không chỉ ở Văn Yên, tại các xã, thị trấn khác của huyện Đại Từ, hàng năm, tùy theo nhu cầu của người dân cũng như tình hình thực tiễn của địa phương mà các lớp đào tạo nghề cho LĐNT đã được tổ chức thường xuyên, trung bình có khoảng 15 lớp đào tạo nghề được tổ chức mỗi năm. Với lợi thế phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm thế mạnh là chè, do vậy, công tác đào tạo nâng cao chất lượng tay nghề cho người làm chè là một trong những hoạt động được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, các ngành nghề khác như: Nghề đan lát ở xã Vạn Thọ, Phú Thịnh; trồng rau màu ở một số vùng như thị trấn Hùng Sơn, các xã: Bình Thuận, Bản Ngoại… cũng được quan tâm phát triển nhờ công tác đào tạo nghề, cùng với đó là hướng dẫn kỹ thuật của mạng lưới cán bộ khuyến nông cơ sở.
Bên cạnh công tác đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo của huyện và tỉnh, huyện Đại Từ còn phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương tổ chức đào tạo nghề cho lao động trước khi làm việc tại doanh nghiệp, như: Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG chi nhánh Đại Từ, Công ty TNHH Nấm Phú Gia, Công ty TNHH Bao bì Ánh Dương… Hàng năm, cùng với nguồn kinh phí Trung ương, huyện Đại Từ đã chủ động phân bổ nguồn kinh phí địa phương để thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT. Cụ thể, nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2017-2019 là gần 1,6 tỷ đồng, trong đó trên 700 triệu đồng là kinh phí đào tạo nghề, còn lại là đầu tư cơ sở vật chất. Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trước khi vào làm việc là khoảng 5 triệu đồng/lao động/ tháng. Nhờ đó, số LĐNT được đào tạo nghề không ngừng tăng lên. Theo kế hoạch thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, bình quân mỗi năm huyện Đại Từ phấn đấu đào tạo nghề cho khoảng 1.500 lao động. Kết quả, số lao động đào tạo hàng năm đều vượt kế hoạch. Cụ thể, năm 2018, huyện có gần 1.700 lao động được đào tạo, riêng 9 tháng năm 2019 đào tạo được trên 1.620 lao động. Nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho LĐNT đã phát huy được hiệu quả như: Mô hình trồng rau an toàn, trồng và chế biến chè, trồng cây ăn quả, may công nghiệp…, đáng chú ý là tỷ lệ lao động có việc làm với mô hình liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp may đạt gần 90%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt khoảng 60%, trong đó đào tạo nghề đạt gần 40%.
Mặc dù trên thực tế, tương tự như nhiều địa phương khác, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Đại Từ vẫn còn gặp một số khó khăn như: Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề còn thiếu và chưa đồng bộ; một số đối tượng khó huy động tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; nội dung đào tạo nghề vẫn chưa theo kịp nhu cầu của xã hội… Thế nhưng, thông qua việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đã tạo được chuyển biến tích cực trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Đại Từ về vai trò của đào tạo nghề đối với phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nhiều người dân có việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, có điều kiện đi xuất khẩu lao động hoặc tự tạo việc làm ngay tại gia đình, địa phương. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng tới tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, từ 6,44% (năm 2018) xuống còn 4,29%. Quý IV-2019, huyện Đại Từ dự ước có thêm trên 200 lao động được đào tạo.