Quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ phụ nữ nghèo vươn lên

Tại thị xã Ba Đồn, việc triển khai công tác giảm nghèo không chỉ giảm số hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân mà còn hướng tới mục tiêu bao trùm, bền vững, đa chiều, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Theo thống kê, đến cuối năm 2023, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) còn 445 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,49%; 1.019 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,41%. Năm 2024, thị xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 0,3%, tương ứng với giảm 88 hộ; hộ cận nghèo 0,43% tương ứng với giảm 127 hộ. Thị xã cũng quyết tâm duy trì 100% xã, phường có tỷ lệ hộ nghèo dưới 2,5%; phấn đấu 80% xã, phường có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,5%.

Tại thị xã Ba Đồn, việc triển khai công tác giảm nghèo không chỉ giảm số hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân mà còn hướng tới mục tiêu bao trùm, bền vững, đa chiều, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, hạn chế tái nghèo.

Vì thế, ngoài nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc, phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các ngành trong việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo rất quan trọng.

Đơn cử, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Ba Đồn thời gian qua đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc giúp hội viên giảm nghèo thông qua phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Đa số hội viên phụ nữ ở thị xã Ba Đồn sống bằng nghề làm nông, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Hỗ trợ vốn để đầu tư, phát triển kinh tế như trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán và phát triển các ngành nghề truyền thống... là nhu cầu cần thiết. Từ đầu năm 2024, Hội LHPN thị xã chủ động xây dựng kế hoạch theo dõi giúp đỡ phụ nữ nghèo bằng nhiều hình thức.

Nhằm tạo nguồn vốn hỗ trợ cho chị em hội viên, các cơ sở Hội đã tăng cường hoạt động khai thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đến nay, Hội đã đứng ra tín chấp hơn 151 tỷ đồng cho hơn 3.700 hội viên phụ nữ nghèo vay vốn.

Ngoài tín chấp cho vay vốn, Hội và các hội viên cũng giúp đỡ ngày công, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất. Tại đây, để chung tay góp sức giúp đỡ phụ nữ nghèo, phong trào tham gia mô hình nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, vận động hội viên phụ nữ tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày được các chi hội hưởng ứng nhiệt tình.

Trên cơ sở tìm hiểu nguyên nhân nghèo, khảo sát nhu cầu của từng hộ hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ thị xã Ba Đồn tìm các phương thức hỗ trợ về con giống, trao đổi kinh nghiệm làm kinh tế, giúp nhau về vốn khi khó khăn.

Hội LHPN thị xã cũng phối hợp Hội Nông dân, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Ba Đồn tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho học viên là nông dân, phụ nữ. Nhờ sự đồng hành đó, nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Các tổ chức hội phụ nữ, nông dân tại nhiều địa phương quan tâm đến các hội viên còn thuộc diện hộ nghèo.

Các tổ chức hội phụ nữ, nông dân tại nhiều địa phương quan tâm đến các hội viên còn thuộc diện hộ nghèo.

Ở thôn Diên Trường, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, chị em phụ nữ trước đây do không có việc làm ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Sau khi được học nghề đan bèo lục bình, chị em đã có thêm thu nhập ổn định những lúc nông nhàn.

Từ thân cây bèo lục bình, những người phụ nữ nơi đây còn tạo thành các sản phẩm như: Giỏ xách, thùng vuông, rổ, chậu hoa... rồi nhập cho các đại lý thu mua. Trung bình 1 kg bèo lục bình khô lấy từ đại lý có giá hơn 21.000 đồng, chị em đan được khoảng 5-7 sản phẩm. Nguồn thu nhập hàng tháng từ công việc này đem lại cho gia đình từ 2-3 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Chị Phạm Thị Trang, thôn La Hà Đông, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, được tham gia học nghề thêu ren trên nón. Nhờ đó, thời gian nông nhàn, chị tranh thủ làm nón để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Chất lượng cuộc sống gia đình chị cải thiện đáng kể.

Việc tổ chức các lớp đào tạo nghề cho hội viên nông dân, phụ nữ, trong đó không ít người thuộc diện hộ nghèo ở thị xã Ba Đồn được triển khai trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế của người học, phù hợp điều kiện, đặc thù văn hóa và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Điều quan trọng, tại thị xã Ba Đồn, việc đào tạo nghề gắn với định hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, quy mô sản xuất, dịch vụ. Các nghề đào tạo chủ yếu là nông nghiệp và phi nông nghiệp như: Chăn nuôi - thú y, trồng cây ăn quả, nấm, hoa, trồng và khai thác rừng, chế biến món ăn, làm bánh, nước mắm…

Tại xã Quảng Văn nơi chị Phạm Thị Trang sinh sống, địa phương khuyến khích thực hiện các chương trình để giảm nghèo bền vững, tập trung phát triển 2 làng nghề và chú trọng mở các lớp đào tạo nghề, trong đó có lớp đào tạo thêu ren trên nón mà chị Trang theo học. Lãnh đạo xã hi vọng lớp học này sẽ tạo điều kiện, giải quyết việc làm cho 40 - 50 lao động nông thôn. Xã cũng tập trung xuất khẩu lao động để giảm nghèo bền vững.

Ngoài học lý thuyết, Trung tâm tạo điều kiện cho học viên thực hành tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu. Điều này giúp học viên dễ dàng hơn trong tiếp nhận và vận dụng kiến thức, kinh nghiệm của các hội viên nông dân, phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi. Sau khi tổ chức dạy nghề, các cấp Hội Phụ nữ và Nông dân tích cực tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, triển khai hoạt động dịch vụ hỗ trợ học viên về vật tư, phân bón, máy nông nghiệp...

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thi-xa-ba-don-quan-tam-dao-tao-nghe-ho-tro-phu-nu-ngheo-vuon-len-2328914.html