Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn trường học
Nhằm đảm bảo môi trường dạy học an toàn, thân thiện, trong thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang hơn, thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác giáo dục và đào tạo. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát cơ sở vật chất, trường lớp học và có giải pháp đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phù hợp, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học 2020-2021.
Năm học 2020 - 2021, công trình trường Tiểu học Đội Cấn (TP Tuyên Quang) xây mới được đưa vào sử dụng với 2 dãy nhà lớp học 2 tầng 17 phòng học, 1 nhà hiệu bộ và các công trình phụ trợ khác... khang trang sạch đẹp. Thầy giáo Lê Đức Thịnh, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng nói, việc đưa vào sử dụng trường mới đã chấm dứt quãng thời gian phải học ở những phòng học đi mượn, phòng học cũ bị xuống cấp trước đây. Từ việc được đầu tư xây dựng trường mới khang trang nhà trường đã tiến hành dồn ghép được 3 điểm trường lẻ về trường chính để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục. Mục tiêu năm học 2020 - 2021 trường nâng tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học tập lên trên 99,8%, trong đó có hơn 54% hoàn thành tốt và xuất sắc nội dung học tập.
Trường Mầm non Hợp Hòa (Sơn Dương) được xây dựng khang trang
từ nguồn tài trợ của tổ chức Good Neighbors (GNI).
Phương án đầu tư hiện nay trên địa bàn tỉnh là ưu tiên đầu tư các trường học có cơ sở vật chất xuống cấp, trường học bị ảnh hưởng của thiên tai, trường học vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, các trường học bị ảnh hưởng trong mùa mưa bão trước năm học mới 2020 - 2021 (tốc mái, đất đá tràn vào trường…) đều đã khắc phục và đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới. Cô giáo Vũ Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng trường Mầm non Bình Xa (Hàm Yên) cho biết, tháng 5-2020 nhà trường bị tốc mái 1 lớp học, 1 nhà kho và nhà để xe. Ngay sau đó, nhà trường đã huy động các nguồn lực, được UBND xã hỗ trợ mái che 1 phòng học, cùng với đó giáo viên đóng góp từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng/người, đồng thời huy động phụ huynh đóng góp ngày công lao động sớm hoàn thành sửa chữa công trình, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất để dạy và học.
Việc huy động xã hội hóa trong đầu tư xây dựng trường lớp học và các công trình phụ trợ xuống cấp tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã được đẩy mạnh thực hiện. Có nhiều công trình lớn đã được đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa trong thời gian qua như: công trình trường Mầm non Hợp Hòa (Sơn Dương) được tổ chức Good Neighbors (GNI) tài trợ xây dựng khang trang; công trình điểm trường Đầm Hồng thuộc trường Tiểu học Ngọc Hội (Chiêm Hóa) từ nguồn tài trợ của Công ty TNHH Canon Việt Nam và nguồn vốn đối ứng của huyện, của trường xây mới 7 phòng học khang trang thay thế những dãy nhà lớp học cũ trước đây; công trình điểm trường Mầm non thôn Cả thuộc trường Mầm non Công Đa (Yên Sơn) được Đài Tiếng nói Việt Nam và các nhà tài trợ xây dựng mới với kinh phí trên 850 triệu đồng; công trình điểm trường Khuổi Phìn thuộc trường Tiểu học Sinh Long (Na Hang) do Huyện đoàn Na Hang đã phối hợp với các đơn vị, nhà tài trợ xây dựng trị giá hơn 600 triệu đồng… Tất cả đều thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác giáo dục và đào tạo, nhất là vùng sâu vùng xa. Những công trình trường, lớp học mới thay thế những phòng học tạm, phòng học xuống cấp đã tạo điều kiện để các nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Thầy giáo Mã Văn Toan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sinh Long nói, thôn Khuổi Phìn, xã Sinh Long có hơn 100 hộ dân, 100% là dân tộc thiểu số, giao thông đi lại khó khăn. Điểm trường Khuổi Phìn có 61 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đang theo học. Các phòng học của điểm trường được xây dựng bằng gỗ đã bị xuống cấp do vậy điểm trường mới vừa được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng là hoạt động hết sức có ý nghĩa giúp các thầy cô và học sinh vùng cao có môi trường học tập an toàn, yên tâm hơn.
Bên cạnh các công trình trường lớp học kiên cố, trường lớp học mới được đầu tư xây dựng khang trang thì trên địa bàn tỉnh vẫn còn những phòng lớp học tạm. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh có 7.440 phòng học, còn chiếm hơn 40% là phòng học bán kiên cố và phòng học tạm. Chính vì thế ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học 2020 - 2021. Đồng chí Trần Thiện Toản, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo rà soát cơ sở vật chất xuống cấp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Từ đó có phương án đề xuất, đề nghị sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới… nhằm đảm bảo môi trường học tập an toàn, hiệu quả.
Với các biện pháp đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trường lớp học xuống cấp đã tạo điều kiện thuận lợi để các trường từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, hoàn thành mục tiêu năm học 2020-2021.