Quan tâm đẩy nhanh tiến độ nạo vét cảng cá Cửa Tùng

Từ nhiều năm nay, do biến động của thời tiết và chế độ thủy văn đã làm cửa sông Bến Hải bị bồi lấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến luồng ra vào cảng cá Cửa Tùng và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng. Trước tình trạng đó, UBND tỉnh đã có Quyết định 2151/ QĐ-UBND ngày 16/8/2019 phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình nạo vét cửa sông Bến Hải với tổng kinh phí 5 tỉ đồng; thời gian hoàn thành dự kiến trong năm 2019. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã là nửa cuối tháng 2/2020, công trình vẫn đang thực hiện dang dở, ảnh hưởng rất lớn đến việc ra khơi đánh bắt của ngư dân, cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy.

 Tàu cá của ngư dân chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm để ra khơi. Ảnh: TQ

Tàu cá của ngư dân chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm để ra khơi. Ảnh: TQ

Chỉ cho chúng tôi thấy chiếc tàu cá xa bờ số hiệu QT 99140TS của mình đang neo đậu trong khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng, ông Nguyễn Văn Hùng ở tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh cho biết, gia đình ông có tàu cá xa bờ chiều dài 20 m, công suất 535 CV thường xuyên ra vào cảng cá Cửa Tùng để bán hải sản và lấy đá lạnh, dầu máy, thực phẩm để khai thác xa bờ; cũng như vào tránh trú bão. Tuy nhiên, do luồng lạch ra vào cảng thường xuyên bị bồi lấp nên nhiều lần tàu cá của ông bị mắc cạn làm gãy chân vịt, cong bánh lái, vô nước… phải mất thời gian sửa chữa, vừa làm trễ chuyến biển vừa thiệt hại hàng chục triệu đồng. Theo ông Hùng, nhiều khi anh em trong tổ đội đánh bắt khi ra khơi trúng luồng cá lớn gọi ra cùng đánh bắt nhưng gặp lúc thủy triều xuống, tàu không ra được. Có nhiều tàu đã chuẩn bị đủ thực phẩm, dầu, nước đá… để ra khơi đánh bắt hải sản nhưng khi ra cửa bị mắc cạn, phải nhờ tàu khác kéo về hoặc chờ nước lớn mới thoát ra được, dẫn đến bị trễ chuyến biển hoặc thậm chí nặng hơn là tàu bị hư hỏng phải sửa chữa.

Ông Hùng cho biết thêm: “Từ đầu năm 2020 đến nay thời tiết tương đối thuận lợi, cộng với thông tin ngư dân khắp nơi trong tỉnh liên tục trúng lớn cá cơm, cá ngừ… nên tôi và các bạn thuyền đều nóng lòng muốn ra khơi. Tuy nhiên do luồng lạch bị cạn, nên mặc dù đã 3 lần xuất bến nhưng đều bị mắc cạn buộc phải quay về. Cuối năm 2019, khi thấy nhà nước đầu tư nạo vét cửa sông, khơi thông luồng lạch ngư dân chúng tôi rất mừng vì từ nay sẽ thuận lợi cho việc ra khơi đánh bắt. Nhưng từ khi triển khai đến nay chúng tôi thấy đơn vị thi công chủ yếu nạo vét phía trong âu thuyền còn khu vực luồng và bến quay thuyền trước cảng nạo vét rất ít. Bây giờ đã là nửa cuối tháng 2/2020 mà luồng lạch vẫn đang rất cạn, trong khi đây là thời điểm bước vào cao điểm đánh bắt của ngư dân”.

Theo ngư dân Phan Thanh Đạo, thuyền trưởng tàu cá QT 91243TS có công suất 713 CV, thì hiện nay luồng ra vào cảng chỉ đạt độ sâu khoảng - 1,4 m, cộng với mức thủy triều cao nhất từ 0,9 - 1,1 m thì độ sâu tối đa mới đạt khoảng - 2,5 m trong khi mớn nước tàu cá của anh là 2,6 m. Do vậy nếu như trước đây mỗi chuyến ra khơi, bên cạnh ngư lưới cụ, dầu máy, nước ngọt thì anh còn bốc từ 400 - 500 cây nước đá, đảm bảo thời gian đánh bắt trên biển từ 15 - 20 ngày. Nhưng bây giờ anh chỉ dám bốc khoảng 200 cây nước đá để giảm tải trọng cho tàu, còn nước ngọt phải trung chuyển bằng tàu nhỏ ra bên ngoài cửa sông mới bơm lên; thời gian đánh bắt trên biển cũng giảm xuống chỉ còn từ 10 - 15 ngày.

Theo anh Đạo, không chỉ luồng ra vào cảng mà khu vực quay trở tàu phía trước cảng cũng đang bị bồi lấp nghiêm trọng. Hầu hết các tàu cá xa bờ công suất lớn không thể cập cảng để bán hải sản cũng như bổ sung thêm lương thực, nhiên liệu, đá lạnh… mà đều phải trung chuyển bằng tàu nhỏ. “Được sự hỗ trợ của nhà nước theo Nghị định 67, tôi được vay hơn 7,4 tỉ đồng đồng để đóng mới chiếc tàu cá này. Thế nhưng trong những năm trở lại đây, cùng với ngư trường đánh bắt bị thu hẹp, thì việc mỗi lần ra khơi đánh bắt đều gặp khó khăn như thế này khiến việc trả được lãi vay đã là quá sức đối với gia đình. Đề nghị các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tốc độ nạo vét, tập trung hoàn thành ở khu vực luồng lạch ra vào cảng trước để ngư dân chúng tôi thuận lợi hơn trong việc ra khơi”, anh Đạo kiến nghị.

Theo Giám đốc Ban quản lý cảng cá Quảng Trị Lê Văn Sơn, do ảnh hưởng của thời tiết trong những tháng cuối năm 2019, đầu năm 2020, nên luồng vào cảng cá Cửa Tùng và khu neo đậu tránh trú bão ở thượng lưu cầu Cửa Tùng bị bồi lấp nghiêm trọng, biến dạng khúc khuỷu hình chữ Z; chiều rộng luồng có đoạn chỉ còn hơn 10 m, cao độ đáy luồng có đoạn chỉ còn khoảng - 1,4 m. Trong lúc mớn nước của các tàu cá xa bờ nhỏ nhất đã là - 2,1 m. Do vậy, đối với các tàu cá xa bờ tại địa phương phải chờ lúc thủy triều lớn nhất, còn các tàu cá tỉnh bạn phải có tàu thuyền địa phương dẫn đường thì mới có thể ra vào cảng và khu neo đậu được. Thời gian qua đã có nhiều tàu cá địa phương và các tỉnh bạn bị mắc cạn khi ra, vào cảng cá Cửa Tùng gây nhiều thiệt hại cho ngư dân. Trong khi thời điểm này đang là những tháng cao điểm của nghề cá địa phương nhưng ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn khi ra khơi khai thác thủy sản. Ông Sơn cho biết Ban quản lý cảng cá Quảng Trị đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị chỉ đạo đơn vị thi công tập trung máy móc, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ nạo vét, trong đó ưu tiên nạo vét luồng vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng đảm bảo thông luồng trước ngày 1/3/2020 để ngư dân có thể ra khơi sản xuất. Đồng thời có nghiên cứu và giải pháp tổng thể để luồng ra vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng không bị bồi lấp hằng năm như hiện nay, đặc biệt là nếu muốn thực hiện đầu tư nâng cấp các cảng cá ở Cửa Việt thì phải cho nạo vét luồng ở Cửa Tùng trước, mục đích là điều tiết tàu thuyền ra Cửa Tùng để giảm tải cho khu vực Cửa Việt. “Với khu vực luồng ra vào cảng này, nếu đơn vị thi công tập trung khoảng 3 tàu hút có công suất từ 1.000 CV trở lên làm liên tục trong khoảng từ 7 - 10 ngày là có thể cơ bản thông luồng”, ông Sơn đề xuất.

Cảng cá Cửa Tùng được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 1/2008 với tổng diện tích khu cảng và dịch vụ rộng 8,7 ha; gồm 2 bến chính: bến dành cho tàu cá đến 250 CV dài 80 m và bến cho tàu cá dưới 45 CV dài 180 m. Với mục tiêu phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ hậu cần nghề cá, sau khi đi vào hoạt động cảng cá Cửa Tùng đã thu hút lượng lớn tàu thuyền của 2 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và các tỉnh bạn vào neo đậu, trao đổi hàng hóa, đồng thời còn là nơi tránh trú bão cho tàu cá của ngư dân. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, do ảnh hưởng của thời tiết nên luồng vào cảng và khu nước trước bến cảng bị bồi lấp, biến đổi dòng gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào cửa và cặp bến, nhất là đối với tàu cá xa bờ có công suất từ 90CV trở lên và tàu cá các tỉnh bạn. Nhiều tàu thuyền đã bị mắc cạn, vô nước, gãy chân vịt… Trước thực trạng đó, ngày 16/8/2019 UBND tỉnh đã có Quyết định số 2151/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình nạo vét cửa sông Bến Hải do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT (trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) làm chủ đầu tư; tổng giá trị của dự án là 5 tỉ đồng. Nhà thầu thi công là Công ty TNHH MTV Hợp Thịnh có địa chỉ tại Khóm 9, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh. Công trình sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo an toàn cho 250 tàu cá có công suất từ 90 - 1.000 CV ra vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng. Thời gian hoàn thành dự kiến là 30/12/2019. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT, do thời gian thi công đúng vào thời điểm bắt đầu xảy ra mưa bão, sóng lớn ảnh hưởng đến việc thi công nạo vét, nên khối lượng nạo vét đến nay mới được 21.186 m3 , chỉ đạt 44% khối lượng thiết kế, chậm tiến độ theo yêu cầu.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Huân khẳng định: Việc đẩy nhanh tiến độ nạo vét cửa sông Bến Hải là nhu cầu chính đáng của ngư dân, không chỉ khơi thông luồng lạch giúp tàu thuyền của ngư dân ra khơi được dễ dàng mà còn có tác dụng thoát lũ vào mùa mưa bão. Ngoài ra, việc ngư dân bốc dỡ hải sản đánh bắt được tại cảng cá Cửa Tùng còn tuân thủ việc kiểm soát nguồn gốc theo quy định IUU. Do vậy, trước mắt Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và PTNT yêu cầu đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Hợp Thịnh tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung nhân lực, vật tư, phương tiện máy móc, tổ chức thi công hợp lý để đẩy nhanh tiến độ nạo vét luồng vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng, đảm bảo thông luồng trước ngày 1/3/2020. Còn hướng giải pháp lâu dài Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ cùng với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, có đánh giá tổng thể về hiện tượng bồi lấp này, đồng thời xây dựng chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực thực hiện nạo vét duy tu theo hình thức xã hội hóa nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, tài sản và tính mạng ngư dân khi ra vào cảng cá và khu neo đậu trú tránh bão Cửa Tùng.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146253