Quan tâm giáo dục đào tạo để tạo động lực phát triển đất nước nhanh và bền vững

Ngày 19-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm học 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 – 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu chính tại Hà Nội với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành Giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo bứt phá.

Ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của ngành Giáo dục, nhất là trong đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ...

Chỉ rõ các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, phân tích về bối cảnh tình hình và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Theo Thủ tướng, năm học 2024 - 2025 kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; đồng thời bắt đầu triển khai thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương thực hiện 9 nội dung nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới và tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5-9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới; tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục; tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Nhấn mạnh, giáo dục đào tạo cần phải được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành...; Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực…; Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công..., phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu”; “Các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”.

Thủ tướng phân tích và yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai thực hiện hiệu quả phương châm nêu trên; ưu tiên bố trí nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; đánh giá rõ kết quả hằng năm để rút kinh nghiệm và tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.

Trước thềm năm học mới 2024-2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đưa dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước. Thủ tướng chúc năm học mới 2024 - 2025 thành công tốt đẹp; các thầy giáo, cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”; học sinh, sinh viên luôn là con ngoan, trò giỏi, thực hiện thành công những ước mơ, hoài bão, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

PHẠM TIẾP

Đà Nẵng kỳ vọng trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (bên phải) và Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Vũ đồng chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Tham luận tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã có một số đề xuất liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn. Theo Giám đốc ĐHĐN, Đà Nẵng có hệ thống các trường ĐH lớn trên địa bàn, có truyền thống và chất lượng đào tạo tốt, mà nòng cốt là ĐH Đà Nẵng; với lực lượng sinh viên: trên 100.000 sinh viên (trong đó ĐHĐN: 60.000 sinh viên), bình quân khoảng 800 sinh viên/1 vạn dân (gấp 4 lần cả nước); đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao với trên 1.000 TS, PGS, GS (chủ yếu từ các trường ĐH)… Đây là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn theo như chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện đề án, đồng thời có cơ chế đặc thù về đầu tư mua sắm theo tinh thần “đột phá của đột phá” để triển khai thành công Đề án. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần có cơ chế đặc thù trong đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn, nhất là cách tính chỉ tiêu, đội ngũ cơ hữu ngành gần so với quy định hiện nay, vì đây là ngành nghề mới…

THANH HOA

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/quan-tam-giao-duc-dao-tao-de-tao-dong-luc-phat-trien-dat-nuoc-nhanh-va-ben-vung-post299992.html