Quan tâm hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội

Với mục tiêu nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội, Đề án 'Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ' (Đề án 938) được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp các cấp, ngành tỉnh triển khai thực hiện với nhiều nội dung hiệu quả thiết thực. Qua đó, từng bước khẳng định vị thế của phụ nữ trong gia đình, xã hội.

Để thực hiện Đề án 938 đạt hiệu quả, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tham mưu, cụ thể hóa những chỉ tiêu, nội dung, giải pháp của đề án lồng ghép với các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ các sở, ngành và Ban Điều hành đề án đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Phát huy nguồn lực nội tại góp phần giải quyết kịp thời các vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em xảy ra tại địa phương. Chủ động lồng ghép việc thực hiện nhiệm vụ 1 của đề án với các phong trào, cuộc vận động, đề án, dự án, với 150 điểm truyền thông tại cộng đồng, thu hút 5.320 lượt hội viên, phụ nữ tham gia.

Theo đó, Ban Điều hành Đề án 938 cấp huyện, cơ sở đã triển khai nhiều nội dung nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức pháp luật, chủ động tham gia giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, như: Truyền thông cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục tuổi vị thành niên cho cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên…

Tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn

Tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn

Đồng thời, tập trung truyền thông, nâng cao nhận thức cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân các nội dung: 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ An Giang thời đại mới”; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình; Luật Trẻ em; cung cấp thông tin địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh cho hội viên, phụ nữ khi bị bạo hành; hỗ trợ kiến thức kỹ năng tổ chức xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, chăm sóc, nuôi dạy con, phòng, chống bạo lực gia đình; dân số - kế hoạch hóa gia đình; an toàn thực phẩm...

Đặc biệt, Ban Điều hành Đề án 938 các cấp trong tỉnh còn chú trọng xây dựng, củng cố, các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Kết quả, thành lập 11 “Tổ tư vấn pháp luật cộng đồng”; 3 tổ mô hình “Giáo dục cha mẹ nuôi dạy con tốt”; 3 “Tổ phụ nữ tham gia thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm”. Đồng thời, nhân rộng mô hình, như: “Tủ sách pháp luật trong cộng đồng” tại các xã đặc biệt khó khăn; “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” tại cộng đồng; câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”; nhóm “Phòng, chống bạo lực gia đình”; “Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng”...

Riêng các cấp Hội LHPN trong tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ, câu lạc bộ, mô hình, như: “Phụ nữ an toàn vệ sinh thực phẩm (huyện An Phú), “Nuôi con khỏe, dạy con tốt”, “Trợ giúp trẻ em ở cộng đồng” (huyện Châu Phú), “Giáo dục cha, mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em, truyền thông về hôn nhân gia đình” (huyện Chợ Mới),“Hành trang kiến thức tuổi vị thành niên”, “Phòng, chống bạo lực học đường”, “Tuyến phố ăn vặt an toàn” (TP. Long Xuyên)… Hội còn thành lập mới các mô hình “Phụ nữ chăm sóc sức khỏe tại hộ gia đình”, “Hỗ trợ can thiệp, giảm thiểu trẻ em lao động sớm” (huyện Châu Phú); “Phụ nữ rèn luyện sức khỏe” (huyện Chợ Mới); “Nữ tuyên truyền viên về an toàn giao thông” (TX. Tân Châu)...

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh An Giang Quang Lê Hồng Chuyên cho biết, năm 2025, Hội LHPN tỉnh phối hợp các cấp, ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 938 với chủ đề “Giáo dục làm cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, trọng tâm các nội dung can thiệp, hoạt động hỗ trợ phù hợp đối tượng, địa bàn, đặc điểm văn hóa và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền tập trung vào các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm phụ nữ và trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ trong phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới; chăm sóc và bảo vệ trẻ em; bảo đảm an toàn thực phẩm, hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mang tính khả thi. Phát huy hiệu quả các mô hình thiết thực để nâng chất việc hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, đặc biệt là nhóm phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình, bị xâm hại và bị mua bán trở về. Giáo dục, vận động phụ nữ giữ gìn, rèn luyện đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ... Đồng thời, tăng cường trách nhiệm, sự phối hợp giữa các ngành và lồng ghép có hiệu quả với các chương trình, dự án và các phong trào, cuộc vận động trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 938, giải quyết kịp thời các vụ việc xâm hại, bạo lực, hướng đến xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

TRUNG HIẾU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/quan-tam-ho-tro-phu-nu-giai-quyet-cac-van-de-xa-hoi-a417864.html