Quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố sau sáp nhập

Thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đến nay, Hà Nam đã hoàn thành Đề án "Sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định". Việc sắp xếp, sáp nhập không chỉ bảo đảm phù hợp với Thông tư 09, ngày 29/12/2017 của Bộ Nội vụ mà còn tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, trong đó có hệ thống các nhà văn hóa (NVH) thôn, tổ dân phố (TDP) của mỗi địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù hiện nay 100% thôn, TDP có NVH, nơi sinh hoạt cộng đồng, nhưng cơ sở vật chất NVH nhiều nơi bị xuống cấp, chưa phát huy được công năng, gây lãng phí, cần có sự quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng.

Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua các nghị quyết về việc sáp nhập thôn, TDP trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ngay sau đó, trên cơ sở thực hiện các nghị quyết này, Hà Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả của Đề án "Sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định". Toàn tỉnh khi đó có 1.239 thôn, TDP; trong đó có 1.095 thôn và 144 TDP. Sau khi hoàn thành sáp nhập, Hà Nam từ 1.239 thôn, TDP giảm còn 685 thôn, TDP... Song từ đây cũng đặt ra một số vấn đề, trong đó, do hộ dân cư của những khu dân cư mới sáp nhập tăng thêm nên quy mô các NVH cũ khó đáp ứng yêu cầu sinh hoạt thực tế của người dân.

Không gian NVH khu dân cư An Phong, xã An Ninh (Bình Lục) cho đến giờ vẫn rất chật chội do được xây dựng từ trước khi thực hiện sáp nhập thôn.

Không gian NVH khu dân cư An Phong, xã An Ninh (Bình Lục) cho đến giờ vẫn rất chật chội do được xây dựng từ trước khi thực hiện sáp nhập thôn.

Thôn Đích Chiều (xã Tiêu Động, huyện Bình Lục) là một trong những thôn mới được thành lập từ việc sáp nhập hai thôn Chiều và thôn Đích từ năm 2019. Đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Bí thư Chi bộ thôn Đích Chiều cho biết: Năm 2006, thôn Đích và thôn Chiều đều được hỗ trợ xây dựng NVH theo Đề án "Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2005- 2010”. Thời điểm đó, do quy mô thôn nhỏ, dân số ít nên diện tích, không gian NVH khi đó bảo đảm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân mỗi thôn. Nhưng từ 2019 đến nay, sau khi thực hiện sáp nhập, thôn mới Đích Chiều vẫn chưa thể xây dựng NVH mới nên nhân dân vẫn phải tạm sinh hoạt ở 2 NVH cũ. Mặc dù dự án NVH mới đã được quy hoạch và san lấp mặt bằng nhưng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước hiện nay sẽ không thể đủ để thực hiện xây dựng, cần phải vận động nhân dân đóng góp và xã hội hóa thêm mới có thể tiến hành xây dựng được.

Cũng như ở Tiêu Động, sau khi sáp nhập, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng từ địa phương có 14 xóm còn 6 thôn. Trước năm 2010, 12/14 xóm đã xây dựng xong NVH theo Đề án "Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2005 – 2010”, với kinh phí trung bình từ 400-500 triệu đồng/nhà. Chỉ có xóm 8 Đồng Lạc và xóm 11 Phương Lâm lấy văn chỉ và đình làng làm nơi sinh hoạt cộng đồng thay NVH. Tuy nhiên, sau nhiều năm sáp nhập, hiện xã chỉ có thôn 1 Lạc Nhuế xây dựng được NVH mới, còn lại các thôn tiếp tục sinh hoạt ở các NVH cũ. Đồng chí Phạm Ngọc Huy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Hóa chia sẻ: Hiện nay, thôn lớn nhất của xã có quy mô dân số trên 3.000 nhân khẩu với hơn 700 hộ dân, thôn nhỏ nhất cũng trên 1.100 nhân khẩu. Các NVH cũ xây dựng trước chỉ đáp ứng phục vụ chỗ ngồi cho trên dưới 100 người. Bây giờ, với diện tích này, việc tổ chức họp dân trong thôn gặp nhiều khó khăn, thiếu chỗ ngồi. Nhân dân xã Đồng Hóa nhiều năm nay rất muốn mở rộng NVH thôn, đề nghị huyện cho cơ chế quy hoạch vị trí mới làm NVH để bà con có điều kiện thuận lợi họp hành, sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo nguyện vọng.

Ở các địa phương, địa bàn khác trong toàn tỉnh, sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp thôn, TDP, không ít NVH có nhu cầu xây dựng lại. Mặc dù trước đó để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), hầu hết các thôn ở các xã đã được xây dựng NVH từ nguồn vốn nhà nước và nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, nhiều NVH được xây dựng trước đây hiện không đạt chuẩn về diện tích, xuống cấp hoặc có quy mô xây dựng không phù hợp với thôn mới sau khi sáp nhập; số khác có vị trí không thuận tiện cho việc đi lại và sinh hoạt của dân cư... Cùng thời điểm xây dựng NTM, Hà Nam đã triển khai thực hiện Quyết định 2164/QĐ-TTg, ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là QĐ 2164) giúp cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn dân cư tốt hơn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), thực hiện phong trào xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có 590/590 thôn có NVH, khu thể thao đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, nhưng chỉ có 237/590 NVH đạt chuẩn quy định của Bộ VH,TT&DL (chiếm trên 40%). Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, tính đến thời điểm trước khi thực hiện sáp nhập thôn (tháng 6/2018), toàn tỉnh có tổng số 1.088/1.239 thôn, làng, tổ phố có NVH độc lập và NVH liên tổ. Sau sáp nhập khu dân cư, cả tỉnh còn 685 thôn, TDP, trong đó có 360 thôn, TDP mới. Dân số của những khu dân cư mới sáp nhập tăng, quy mô NVH cũ khó đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, hàng trăm NVH được xây dựng thời gian qua không còn phù hợp với tình hình mới, nên 102/360 thôn, TDP đề nghị xây NVH mới; 204/360 thôn, TDP đề nghị cải tạo, nâng cấp NVH; 54/360 thôn, tổ giữ nguyên trạng NVH để tiếp tục sử dụng.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà văn hóa thôn Trung Liêu, xã Tiên Ngoại (thị xã Duy Tiên).

Các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà văn hóa thôn Trung Liêu, xã Tiên Ngoại (thị xã Duy Tiên).

Do đó, để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân trong việc sử dụng hệ thống các NVH thôn, TDP, bảo đảm phù hợp với quy mô dân số và quy mô đơn vị thôn, TDP mới, cần có sự quan tâm hỗ trợ về cơ chế, kinh phí cho xây NVH mới và cải tạo, nâng cấp NVH cũ...

Theo Sở VH,TT&DL, trước khi triển khai thực hiện QĐ 2164, Hà Nam đã hoàn thành Đề án "Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở tỉnh Hà Nam giai đoạn 2005 – 2010” với một hệ thống thiết chế văn hóa tương đối dày dặn. Trong đó, đã thực hiện xây mới đối với 60/116 NVH xã (đạt 51,72%); 924/1.299 NVH thôn, TDP và NVH liên tổ (đạt tỷ lệ 71,13%). Đến năm 2011, khi các địa phương trong tỉnh bắt đầu thực hiện phong trào xây dựng NTM đã xác định tiêu chí số 6- tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, là tiêu chí có khả năng hoàn thành sớm. Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lý Nhân, xây dựng NVH trở thành phong trào ở mỗi địa phương, tiêu chí đánh giá việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xem xét công nhận địa phương đạt chuẩn NTM. Vì thế, các địa phương đã dành quỹ đất hợp lý, tăng cường nguồn lực cho xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, thúc đẩy tiến độ về đích NTM ở nhiều nơi.

Tại Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XVIII ngày 06/12/2019 đã ban hành Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đầu tư xây dựng đối với NVH thôn, tổ dân phố sau sáp nhập. Phong trào xây dựng thiết chế văn hóa, trong đó có các công trình NVH thôn, TDP ở Hà Nam được các cấp, ngành và nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng theo chủ trương xã hội hóa. Thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nam đã huy động trên 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất văn hóa thôn, TDP. Trong đó, cùng với mức hỗ trợ đầu tư xây dựng đối với NVH thôn, TDP sau sáp nhập theo Nghị quyết 39/2019/NQ-HĐND, số lượng TDP xây mới, cải tạo, mở rộng được tăng lên.

Khuôn viên NVH thôn 4, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân trong ngày ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Khuôn viên NVH thôn 4, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân trong ngày ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 39, từ nguồn vốn sự nghiệp, toàn tỉnh có 111 NVH đã được hỗ trợ với số tiền 11,9 tỷ đồng. Kinh phí huy động từ đóng góp của nhân dân cho xây dựng các thiết chế và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động NVH mỗi năm hơn 10 tỷ đồng. Việc xây dựng cơ sở vật chất văn hóa ở Hà Nam trên cơ sở huy động, khai thác mạnh mẽ nguồn lực xã hội, thể hiện tư duy, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về văn hóa trong sự phát triển xã hội. Toàn tỉnh hiện có gần 670 NVH thôn, TDP, NVH liên tổ được xây dựng độc lập, trong đó nổi bật là huyện Kim Bảng với 85/85 NVH thôn, TDP cơ bản bảo đảm nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Mặc dù vậy, mức hỗ trợ của Nghị quyết 39 chỉ đáp ứng một phần chi phí trong tổng thể kinh phí đầu tư công trình. Ở những địa phương còn khó khăn, việc huy động thêm kinh phí xây dựng NVH thôn, TDP trong nhân dân không dễ dàng.

Để giảm bớt khó khăn cho các địa phương hoàn thiện các thiết chế văn hóa theo tiêu chí của Bộ VH,TT&DL vẫn rất cần có sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc điều chỉnh mức hỗ trợ đầu tư đối với xây dựng NVH thôn, TDP.

Theo ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL, NVH ở các thôn, TDP chủ yếu tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, phục vụ các hoạt động hội họp của chi bộ đảng, đoàn thể, khu dân cư và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân nhân dịp lễ, sự kiện của địa phương. 360 thôn, TDP mới sau sáp nhập có số dân tăng, nhiều thiết chế văn hóa cũ không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, mong muốn được xây mới và sửa chữa, tu bổ hay nâng cấp NVH cũ là nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, các địa phương cần cụ thể nguồn lực, phát huy tối đa thiết chế, NVH đang có. Hà Nam vừa trải qua một thời gian dài xây dựng NTM, sức dân đóng góp rất nhiều, nếu bây giờ tiếp tục huy động người dân đóng góp để xây NVH, chắc chắn sẽ không dễ dàng. Thay vào đó, các địa phương cần khai thác, sử dụng thiết chế công cộng để khắc phục những khó khăn đang đặt ra, phát huy hiệu quả của hàng nghìn NVH đã xây dựng từ trước, tích cực đổi mới hoạt động của các NVH.

Trở lại các thôn mới ở Đồng Hóa, huyện Kim Bảng sẽ thấy, những NVH cũ đã và đang được bố trí sử dụng phù hợp với nhu cầu của địa phương. Mặc dù các thôn đều có các thiết chế tín ngưỡng, tâm linh đầy đủ, nhưng người dân Đồng Hóa muốn xây dựng nếp sống mới trên cơ sở phát huy truyền thống văn hóa địa phương như xây dựng các đội văn nghệ, thể thao thôn, các câu lạc bộ thơ dành cho người cao tuổi, các hội đoàn thể… nên NVH sẽ vẫn là nơi dành cho nhân dân sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đồng Hóa đã tổ chức quy hoạch lại các thiết chế này, bố trí NVH cho thôn mới có số dân cư đông ở địa điểm trường mầm non cũ, thuận lợi về giao thông, cảnh quan đẹp đẽ, thoáng mát, rộng rãi. Nhân dân chỉ cần dọn dẹp sạch sẽ không cần đầu tư thêm kinh phí nhiều cũng có một NVH mới phù hợp với điều kiện của thôn.

Một góc nhà văn hóa thôn 1, xã Bối Cầu.

Một góc nhà văn hóa thôn 1, xã Bối Cầu.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2023 khẳng định: Phong trào xây dựng NVH đã góp phần không nhỏ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Trên 90% thôn, xóm có đội văn nghệ, thể thao hoạt động thường xuyên, sôi nổi góp phần làm phong phú đời sống văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí của nhân dân. Cùng với hoạt động của gần 500 câu lạc bộ thể thao thu hút hơn 10.000 hội viên tham gia đã phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hóa ở cơ sở, trong đó có các công trình NVH thôn, TDP.

Thực hiện: Chu Uyên
Thiết kế: Đức Huy

www.baohanam.com.vn

605

05:29 17/12/2024

bình luận

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/e-magazine/quan-tam-ho-tro-xay-dung-nha-van-hoa-thon-to-dan-pho-sau-sap-nhap-142270.html