Quan tâm hơn nữa đời sống tinh thần công nhân, lao động các khu công nghiệp
Giai cấp công nhân đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Giai cấp công nhân đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tuy chỉ chiếm tỷ lệ hơn 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, song hằng năm, giai cấp công nhân Việt Nam tạo ra hơn 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội, hơn 70% ngân sách nhà nước. Thế nhưng, lợi ích của một bộ phận công nhân, lao động (CNLÐ) được hưởng vẫn còn hạn chế, chưa thật sự tương xứng với thành quả công cuộc đổi mới của đất nước và những đóng góp của chính mình. Nhiều CNLÐ vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, bức xúc do đời sống vật chất, tinh thần còn nghèo nàn.
Còn nhiều khó khăn
Ngày 9-1-2016, Ban Bí thư T.Ư Ðảng khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 52- CT/TW "Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho CNLÐ ở khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX)". Bên cạnh đó, Quyết định số 1780/ QÐ-TTg ngày 12-10-2011, của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020". Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam tổ chức khảo sát tình hình đời sống văn hóa của CNLÐ ở các KCN tại 13 tỉnh, thành phố có đông KCN. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết các KCN trong cả nước chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng xã hội và các thiết chế văn hóa phục vụ CNLÐ; điều kiện sinh hoạt văn hóa, thể thao của CNLÐ hầu như chưa có; mức hưởng thụ về văn hóa của người lao động rất thấp. Với hơn 3,7 triệu CNLÐ đang lao động, sản xuất tại 284 KCN, có tới hơn 70% trong số đó đang phải thuê nhà trong các khu nhà trọ thiếu tiện nghi.
Cũng theo khảo sát của Tổng LÐLÐ Việt Nam, đời sống của CNLÐ trong các KCN còn nhiều khó khăn, thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống tối thiểu của người lao động (NLÐ) và gia đình họ; nhà trẻ, nhà ở, trường học chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng bữa ăn ca còn thấp. Tỷ lệ tăng ca thêm giờ còn vượt quá quy định, chưa có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, học tập nâng cao trình độ, tìm hiểu pháp luật, nhất là đối với CNLÐ độc thân, họ chỉ coi nhà trọ như chỗ ngả lưng qua đêm. Do đó, nhiều công nhân trẻ đang rơi vào tình cảnh "5 không" (không sách báo, không ti-vi, không văn hóa văn nghệ, không thể thao, không tự chủ nhà ở). Thứ giải trí duy nhất của công nhân trẻ, độc thân là chiếc điện thoại di động, giúp họ kết nối với thế giới bên ngoài nhà trọ và phân xưởng.
Thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của đất nước, một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư. Hiện thành phố có chín KCN đang hoạt động, thu hút hơn 300 doanh nghiệp (DN) với gần 140 nghìn CNLÐ. Những năm gần đây, thành phố đã chú trọng quan tâm hơn việc chăm lo đời sống văn hóa cho CNLÐ tại các KCN trên địa bàn. Từ năm 2011 đến nay, LÐLÐ thành phố triển khai xây dựng 47 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong các KCN. Các điểm sinh hoạt văn hóa phần nào đáp ứng nhu cầu tiếp cận, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của NLÐ. Chỉ tính riêng năm 2020, các hoạt động văn hóa văn nghệ được các cấp công đoàn Thủ đô quan tâm tổ chức. Ðã có 68 buổi giao lưu, hội diễn và liên hoan văn nghệ, thu hút gần 46 nghìn lượt công nhân, viên chức, lao động tham gia. Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Tuyến, Phó Chủ tịch LÐLÐ thành phố, so với nhu cầu thực tế, số lượng điểm sinh hoạt văn hóa công nhân còn quá ít, số lượng CNLÐ được hưởng thụ văn hóa tinh thần chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của CNLÐ. Trong khi đó, tại nhiều điểm sinh hoạt văn hóa còn thiếu sách, báo, tạp chí, trang thiết bị âm thanh, dụng cụ thể thao.
Làm giàu đời sống văn hóa, tinh thần công nhân
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng LÐLÐ Việt Nam) Vũ Mạnh Tiêm trăn trở: Việc chăm lo, cải thiện đời sống văn hóa của CNLÐ trong các KCN là vấn đề lớn, hệ trọng nhưng thực tế không phải cấp ủy, cán bộ, đảng viên nào cũng nhận thức đúng đắn vai trò, ý nghĩa và sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa đến tư tưởng, tình cảm, niềm tin của giai cấp công nhân. Vẫn có người quan niệm, đời sống văn hóa tinh thần của CNLÐ ở các KCN chủ yếu là hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ quần chúng, tổ chức giao hữu, thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông tổ chức mỗi năm đôi ba lần. Hay công đoàn phối hợp chủ DN tổ chức cho NLÐ tham quan, nghỉ mát. Thậm chí còn cho rằng, ăn còn chưa đủ, lo gì tới giải trí. Ông Vũ Mạnh Tiêm chia sẻ: Cùng với việc tiếp tục xây dựng, thực hiện chính sách bảo đảm cho CNLÐ có việc làm, thu nhập, đời sống vật chất ổn định, việc quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho NLÐ chính là một cách rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo về văn hóa trong xã hội. Chúng ta bảo đảm tốt đời sống văn hóa tinh thần cho CNLÐ là thiết thực góp phần hiện thực hóa chỉ số hạnh phúc cho con người. Ðiều đó thể hiện bản chất ưu việt, nhân văn của chế độ ta. Ðồng thời, đây cũng là động lực giúp đội ngũ CNLÐ ở các KCN yên tâm lao động sản xuất, nỗ lực đóng góp, cống hiến, tạo ra của cải vật chất cho xã hội nhiều hơn nữa.
Theo khảo sát của Tổng LÐLÐ Việt Nam, hầu hết các KCN chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa - xã hội phục vụ CNLÐ. Hệ thống cung văn hóa, nhà văn hóa lao động của tổ chức công đoàn chưa phát huy đầy đủ, đúng mức vai trò, tác dụng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa NLÐ tại nơi đây. Hiện nay, hệ thống công đoàn có 30 cung, nhà văn hóa lao động cấp tỉnh, năm trung tâm, nhà văn hóa công nhân KCN. Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo (Tổng LÐLÐ Việt Nam) nhiều nhà văn hóa lao động (NVHLÐ) hoạt động chưa hiệu quả; chưa chủ động tham mưu, đề xuất với LÐLÐ tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động phục vụ tổ chức công đoàn; chưa tổ chức được các hoạt động văn hóa thể thao cho CNLÐ tại KCN, cơ sở. Nhiều NVHLÐ đã thành lập được câu lạc bộ sở thích, tuy nhiên thiếu nhân viên tự quản lý, chủ yếu phải liên doanh, liên kết tổ chức quản lý. Thậm chí NVHLÐ chỉ cho thuê địa điểm để tư nhân mở câu lạc bộ. Nhiều nhà văn hóa không có hoạt động, cơ sở vật chất đều cho thuê. Từ rất nhiều nguyên nhân đã dẫn tới tỷ lệ công nhân, viên chức, lao động tham gia sinh hoạt thường xuyên tại NVHLÐ cũng như tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao chỉ đạt tỷ lệ 32% so với mục tiêu Tổng LÐLÐ đề ra sau 10 năm triển khai Ðề án "Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020".
Nhiều thế hệ cán bộ công đoàn gắn bó thân thiết với đời sống CNLÐ đều có chung một trăn trở là làm thế nào để cho đoàn viên, NLÐ của mình được hưởng một đời sống tinh thần bớt nghèo nàn như hiện nay. Công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của CNLÐ, nhưng không đủ khả năng, nguồn lực và thẩm quyền để xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ CNLÐ. Trong khi đó, chủ DN mới có quyền quyết định việc làm, thu nhập của NLÐ. Do vậy, chỉ khi DN ủng hộ thời gian, kinh phí hỗ trợ cho công đoàn và CNLÐ tham gia các hoạt động văn hóa thì NLÐ mới có cơ hội thưởng thức văn hóa tinh thần tại các dịp lễ 1-5, Tết Sum vầy... Hầu hết các KCN hiện nay đều thiếu quỹ đất bố trí diện tích xây dựng các thiết chế văn hóa cho NLÐ. Tổ chức công đoàn đã nỗ lực vận động DN bố trí một phần diện tích của đơn vị dành cho việc phục vụ CNLÐ nhưng có rất ít đơn vị thực hiện được.
Ðể có thể gỡ nút thắt này cần đẩy mạnh tuyên truyền để các cấp, ngành nhận thức đúng đắn về vai trò của văn hóa, coi công tác xây dựng văn hóa công nhân là yếu tố cơ bản của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Xác định việc này là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, đoàn thể trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện. Nhà nước cần có chính sách đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, nhất là những nơi đông CNLÐ. Chính quyền các cấp cần đầu tư đúng mức cho các thiết chế văn hóa, phương tiện, kinh phí hoạt động. Ðẩy mạnh hoạt động xã hội hóa các hoạt động văn hóa cũng như khơi dậy tiềm năng, khả năng sáng tạo, sự ham thích, ý thức tự nguyện của CNLÐ tham gia vào hoạt động văn hóa, thể thao. Ðã đến lúc, hệ thống luật pháp cần luật hóa việc DN có nghĩa vụ, trách nhiệm đóng góp kinh phí, cùng chính quyền địa phương xây dựng thiết chế văn hóa cho CNLÐ chứ không thể trông chờ vào sự hảo tâm của DN.
Thái Sơn