Quan tâm hơn nữa nguồn nhân lực y dược cổ truyền

Bên cạnh việc khám, chữa bệnh (KCB) bằng y học hiện đại, thời gian qua, công tác KCB bằng y dược cổ truyền (YDCT) ngày càng được quan tâm, đầu tư, phát triển, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Theo Sở Y tế, Đồng Nai hiện có 1 bệnh viện YDCT tỉnh với quy mô 180 giường bệnh, những năm gần đây được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, tiên tiến. Chính vì thế, từ chỗ rất ít bệnh nhân đến thăm khám, đến nay Bệnh viện YDCT tỉnh là đơn vị đầu ngành trong khám, điều trị bằng YDCT. Số lượng bệnh nhân đến KCB ngày càng gia tăng cho thấy chất lượng, uy tín của bệnh viện đã và đang được củng cố, nâng cao.

Song song với công tác chuyên môn tại trụ sở chính, Bệnh viện YDCT tỉnh còn thực hiện chỉ đạo tuyến, đào tạo, bồi dưỡng cho các đơn vị tuyến dưới về lĩnh vực YDCT. Các bệnh viện đa khoa tỉnh, đa khoa khu vực, trung tâm y tế các huyện, thành phố có giường bệnh đều thành lập được khoa YDCT. 163/170 trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai hoạt động KCB bằng YDCT; 170/170 trạm y tế xã, phường, thị trấn có vườn thuốc nam, 70 xã đạt tiên tiến về YDCT.

Cùng với hệ thống y tế công lập, hệ thống y tế ngoài công lập thời gian qua cũng rất chú trọng công tác KCB bằng YDCT. Toàn tỉnh hiện có 3/6 bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa YDCT; 62/81 phòng khám đa khoa có triển khai phòng khám YDCT và 241 phòng khám chuyên khoa, phòng chẩn trị YDCT. Những khoa, phòng khám YDCT này đang góp phần đa dạng hóa lựa chọn cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe; gia tăng tỷ lệ người dân KCB bằng YDCT ở đúng những địa chỉ được cấp phép, đảm bảo về chất lượng, hạn chế tình trạng KCB theo kiểu lang băm trong dân gian…

Mặc dù công tác KCB bằng YDCT đã có nhiều chuyển biến, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 4-7-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, song nhân lực làm công tác YDCT vẫn còn khá mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu KCB bằng YDCT. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 5 bác sĩ YDCT trình độ chuyên khoa 2, 18 bác sĩ chuyên khoa 1 và 93 bác sĩ YDCT. Nhân lực làm công tác YDCT chỉ chiếm 5,14% tổng nhân lực ngành Y tế tuyến tỉnh. Đối với tuyến huyện, tỷ lệ này là 9,42% và tuyến xã chỉ 3,6%.

Lực lượng mỏng, cộng thêm tình trạng bác sĩ YDCT nghỉ việc khá nhiều thời gian qua do chế độ lương bổng, chính sách đãi ngộ thấp khiến công tác KCB bằng YDCT gặp không ít khó khăn. Trong khi yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng KCB bằng YDCT ngày càng cao, việc thiếu hụt đội ngũ thực sự là một thách thức đối với ngành Y tế.

Do đó, một trong những giải pháp cần tăng cường thực hiện trong thời gian tới chính là chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác YDCT tại các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa, trạm y tế trên địa bàn tỉnh. Quan trọng hơn là phải nghiên cứu, điều chỉnh mức phụ cấp cho cán bộ y tế làm công tác YDCT cùng các chế độ đãi ngộ khác để họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với YDCT.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202306/so-tay-quan-tam-hon-nua-nguon-nhan-luc-y-duoc-co-truyen-3168402/