Quan tâm kinh tế tập thể, hợp tác xã; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (*)

Ngày 9/11/2021 đồng chí Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La đã phát biểu tham luận trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Hội trường Diên Hồng với nội dung: 'Quan tâm triển khai mạnh mẽ chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030; lồng ghép thực hiện trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030'. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Kính thưa Chủ tọa phiên họp!

Kính thưa Quốc hội!

Trước hết, tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra trình tại Kỳ họp. Tôi tham gia hai vấn đề được nhiều đại biểu đề cập. Tôi xin làm rõ thêm.

Vấn đề thứ nhất, về giải pháp quản lý, sử dụng lao động gắn với phát triển kinh tế tập thể, nhất là phát triển các hợp tác xã nông nghiệp. Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy:

Đại biểu Quàng Văn Hương phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.

Đại biểu Quàng Văn Hương phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.

Một là, mặc dù nền kinh tế bị tổn thương ở hầu hết các lĩnh vực nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Một số địa phương đã phát huy được tiềm năng, lợi thế, khai thác thế mạnh các sản phẩm nông sản chủ lực, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch, vừa có cách tiếp cận thị trường linh hoạt, hiệu quả, đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp tục có bước phát triển khá, như tỉnh Bắc Giang, Sơn La.

Hai là, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến lực lượng lao động, làm tăng tình trạng mất việc làm, thất nghiệp và hàng triệu lao động hồi hương về nông thôn (chủ yếu là lao động ở khu phi chính thức), một mặt dẫn đến gây thiếu hụt lao động cho ngành công nghiệp, mặt khác gây áp lực cho các địa phương trong việc phòng, chống dịch, tạo sinh kế, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh trật tự.

Ba là, phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế, như đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đã phân tích, trong đó, việc thành lập các hợp tác xã nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, chưa thu hút được các lao động tại địa phương. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lao động thiếu việc làm, thu nhập và phải ly hương đi làm ăn xa.

Từ các vấn đề nêu trên, tôi đề nghị Chính phủ trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cần quan tâm triển khai mạnh mẽ chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 340 ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, tập trung thực hiện hiệu quả Quyết định số 167 ngày 3/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên quan tâm chỉ đạo các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi lồng ghép thực hiện trong việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, xây dựng được nhiều mô hình hợp tác xã nông nghiệp theo thế mạnh của địa phương và phù hợp với năng lực, trình độ, tay nghề của người lao động, có chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút người lao động tham gia. Đồng thời, Chính phủ có định hướng quy hoạch theo vùng, liên vùng, các nhà máy, cơ sở chế biến và có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư xây dựng để chế biến, hỗ trợ kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, kích thích sản xuất phát triển.

Vấn đề thứ hai, về tăng cường năng lực trạm y tế cấp xã và củng cố đội ngũ y tế thôn, bản trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch và đã đem lại hiệu quả cao. Trong đó, có việc thực hiện phương châm "lấy cấp xã là pháo đài, lấy người dân là chiến sĩ", kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân, sát dân nhất. Trong công tác điều trị, đã thực hiện giải pháp đột phá là thành lập các trạm y tế lưu động ngay tại các xã, giúp cho người dân tiếp cận kịp thời, giảm bệnh nặng, giảm tử vong.

Trước dự báo dịch Covid-19 có thể kéo dài, Chính phủ đã có chủ trương tăng cường nâng cao năng lực của y tế cơ sở, tôi đồng tình với chủ trương này. Từ thực tiễn của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là các khu vực đặc biệt khó khăn, hệ thống các trạm y tế đang còn nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị đội ngũ y, bác sĩ, đề nghị Chính phủ quan tâm, củng cố ngay để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch để trạm y tế xã thực sự là nguồn lực quan trọng, là cơ sở vững chắc để xây dựng xã trở thành pháo đài thực hiện ngay 4 tại chỗ khi có dịch bệnh xảy ra như nhiều đại biểu đã đề cập, như đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), đại biểu Trần Đình Văn (Lâm Đồng). Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm thực hiện điều chỉnh chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế thôn, bản ở vùng đặc biệt khó khăn cho phù hợp, cùng với việc tổ chức lại giao thêm nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ này, xem đây là những “cánh tay nối dài” của trạm y tế các xã vươn đến các bản làng xa xôi, mà chỉ đội ngũ này mới am hiểu địa bàn, phong tục tập quán, tình trạng bệnh tật, sức khỏe của người dân, nên việc thực hiện chăm sóc y tế và phòng, chống dịch sẽ hiệu quả hơn. Trường hợp nếu dịch ovid-19 xảy ra ở mức cao và trên diện rộng thì cấp trên khó có đủ nguồn lực để tăng cường dập dịch ở vùng này. Mặt khác, nếu đầu tư trạm y tế xã đầy đủ, đồng bộ, nhưng đội ngũ y tế thôn bản mà thiếu và yếu thì trạm y tế cũng không phát huy được tối đa hiệu quả.

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quan-tam-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-phat-trien-ktxh-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-45126