Quan tâm người thầy nhiều hơn trong yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM cho biết, giáo dục hiện nay đề cao vai trò người học, lấy học trò làm trung tâm nhưng lại quan tâm chưa đúng mức vai trò 'không thầy đố mày làm nên' của người thầy.

Sáng 11-12, tại Hội thảo Đóng góp ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 29/TW về đổi mới căn bản, toàn diện và triệt để giáo dục Việt Nam do Hội Cựu giáo chức TPHCM tổ chức, bà Nguyễn Thị Yến Thu, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TPHCM cho biết, giáo dục hiện nay đề cao vai trò người học, lấy học trò làm trung tâm nhưng lại quan tâm chưa đúng mức vai trò “không thầy đố mày làm nên” của người thầy. Theo đó, nhà giáo này bày tỏ, người thầy trong bối cảnh đổi mới giáo dục ngoài trách nhiệm truyền đạt kiến thức còn phải dạy học sinh kinh nghiệm ứng xử, kỹ năng thích ứng xã hội.

Thầy Lê Duy Tân, Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM phát biểu tại hội thảo

Thầy Lê Duy Tân, Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP khẳng định, người thầy có chất lượng tốt mới đào tạo ra thế hệ học sinh tốt. Trước đây, cuộc sống trong thời kỳ bao cấp, lương giáo viên không đủ sống, khổ cực trăm bề nhưng các thầy, cô vẫn bám trường, bám lớp, là những tấm gương nhà giáo mẫu mực, toàn tâm toàn ý cho giáo dục.

Hiện nay, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường khiến một bộ phận nhà giáo thay đổi. Do đó, trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục, nếu chỉ tiến hành với đội ngũ cũ, tư tưởng cũ thì đổi mới sẽ không hiệu quả. Thay vào đó, các thầy, cô cần được thường xuyên bồi dưỡng. Song, để đổi mới thật sự căn bản và toàn diện, yêu cầu đầu tiên phải là "tiền đâu", tức đổi mới trước tiên là tiền lương cho đội ngũ giáo viên.

Nhiều ý kiến đề xuất tăng chế độ tiền lương cho đội ngũ giáo viên, những người trực tiếp thực hiện đổi mới giáo dục.

Nhiều ý kiến đề xuất tăng chế độ tiền lương cho đội ngũ giáo viên, những người trực tiếp thực hiện đổi mới giáo dục.

Ở góc độ khác, TS. Hồ Bá Thâm, Giám đốc Viện Giáo dục và phát triển nhân lực Á Châu đề xuất ý kiến, nhiệm vụ đổi mới ngoài yêu cầu căn bản và toàn diện còn cần yếu tố sáng tạo. Trong đó, đội ngũ nhà giáo được nhắc đến không chỉ là giáo viên trực tiếp đứng lớp mà có cả cán bộ quản lý giáo dục. “Cần suy nghĩ xây dựng lại bộ quy tắc ứng xử văn hóa trường học theo hướng tích cực, khả thi, hướng tới những hành vi có thể đo được. Trong đó, cần có bộ quy tắc trước hết cho hiệu trưởng và giáo viên trước khi có bộ quy tắc cho học sinh vì trong vấn đề này, người thầy cần phải làm gương và là tấm gương cho học sinh noi theo”, TS. Hồ Bá Thâm cho biết.

Nhiều cán bộ nhà giáo, cựu nhà giáo tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Nhiều cán bộ nhà giáo, cựu nhà giáo tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo

Nhìn từ góc độ quản lý, nhà giáo Lê Duy Tân, Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là văn bản quản lý thường chậm hơn thực tế giảng dạy, do đó khi tham chiếu văn bản sẽ có độ chênh nhất định. Do đó, để đổi mới đạt hiệu quả phải có sự cân bằng, hài hòa giữa quy định và thực tế. Quan trọng nhất, người thầy không thể “một mình, một bóng” mà phải được truyền bóng, được huấn luyện, hợp sức trong một tập thể đội ngũ, có sự chia sẻ, đồng cảm, bỏ qua những lỗi lầm vấp phải. Đó là tinh thần đồng đội cần được phát huy để thực hiện thành công đổi mới giáo dục.

THU TÂM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/quan-tam-nguoi-thay-nhieu-hon-trong-yeu-cau-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-634342.html