Quan tâm phát hiện bệnh lao ở cộng đồng

Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao trên thế giới. Vì thế, việc tăng cường phát hiện mới ca bệnh trong cộng đồng là yêu cầu cấp bách đối với công tác phòng, chống lao ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng.

Tầm soát bệnh lao trong cộng đồng

Bệnh lao đang là gánh nặng ở Việt Nam, khi tỷ lệ mắc lao mới chiếm khoảng 176/100.000 dân. Trung bình mỗi năm, số ca phát hiện mới khoảng 100.000 bệnh nhân. Như vậy, vẫn còn rất nhiều trường hợp mắc lao tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện. Tại Khánh Hòa, tỷ lệ mắc lao mới trung bình khoảng 130/100.000 dân. Theo số liệu từ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 bệnh nhân lao đang điều trị, trung bình mỗi năm phát hiện mới khoảng 1.500 ca. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tại tỉnh phát hiện mới và thu nhận điều trị cho gần 700 ca, phần lớn những trường hợp này khi có triệu chứng bệnh mới đi khám tại các cơ sở y tế, ít có trường hợp tự chủ động khám, tầm soát bệnh lao.

Khám tầm soát lao cho người dân phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa).

Khám tầm soát lao cho người dân phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa).

Để chủ động tầm soát lao tại cộng đồng, trong tháng 6, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã tổ chức chương trình khám tầm soát bệnh lao tại 17 xã, phường ở thị xã Ninh Hòa. Y sĩ Phùng Hoàng Linh Âu - Trạm trưởng Trạm Y tế phường Ninh Giang - địa phương có người dân được khám tầm soát chia sẻ: “Hàng năm, trong quá trình khám bệnh, khi phát hiện ca nghi lao, trạm y tế đều giới thiệu cho bệnh nhân lên tuyến trên để khám, chẩn đoán chính xác bệnh. Đợt này, chương trình tầm soát được triển khai ngay tại địa phương, đội ngũ nhân lực của bệnh viện trực tiếp khám, vừa thực hiện chụp X-Quang cho người dân. Chương trình rất có ý nghĩa, vừa giúp người dân tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, vừa giúp địa phương phát hiện sớm các ca lao tiềm ẩn, hạn chế sự lây lan trong cộng đồng”.

Được khám và tầm soát lao trong đợt này, bà Nguyễn Thị Lan (phường Ninh Giang) cho biết, gia đình bà có người mắc lao đã điều trị khỏi được 2 năm, nên khi biết có chương trình bà đã tới khám. Qua khám và chụp X-Quang, bà Lan không mắc bệnh.

Được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để phòng, chống

Với mục tiêu hướng tới hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và Chương trình chống lao quốc gia chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, năm 2020, Dự án USAID-SET (Dự án Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ) đã hỗ trợ tài chính và kỹ thuật tại 11 địa phương có dịch tễ lao cao, trong đó có Khánh Hòa. Mục tiêu của dự án nhằm đẩy nhanh quá trình thanh toán bệnh lao thông qua các cách tiếp cận mới và mang tính chiến lược trong phát hiện ca bệnh, cải thiện kết quả điều trị và phòng bệnh.

Từ kết quả khảo sát năm 2023 trên địa bàn tỉnh, dự án hỗ trợ nhiều hoạt động phòng, chống lao, trong đó có chương trình khám sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng cho người dân ở các huyện, thị xã có số ca mắc lao cao gồm: Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Trung - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, trước khi có dự án, nhiều hoạt động khám, sàng lọc bệnh lao được triển khai trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chủ yếu mang tính thụ động, có nghĩa là khi người bệnh có triệu chứng nghi ngờ họ mới tới khám tại các cơ sở y tế, qua đó phát hiện bệnh lao. Được sự hỗ trợ của dự án, chương trình khám sàng lọc bệnh lao chủ động tại cộng đồng được triển khai. Chương trình không chỉ đưa nhân lực đến địa phương để khám tại chỗ, mà còn thực hiện chụp X-Quang cho tất cả người đến khám. Đồng thời, ứng dụng phần mềm AI đọc X-Quang tự động trong phân tích và chẩn đoán bệnh. Quá trình sàng lọc, nếu phát hiện có ca nghi ngờ thì người bệnh sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm chuyên sâu bằng kỹ thuật Xpert. Hoạt động chủ động này không chỉ giúp phát hiện sớm ca bệnh, quan trọng hơn là góp phần giảm thiểu nguồn lây tại cộng đồng. Nhờ sự hỗ trợ của dự án, năm 2023, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh tổ chức khám tầm soát tại cộng đồng và thực hiện xét nghiệm chủ động cho 4.000 người ở 2 huyện Diên Khánh và Vạn Ninh, qua đó phát hiện 79 người mắc lao. Năm 2024, chương trình tiếp tục triển khai tại 17 xã, phường của thị xã Ninh Hòa, có hơn 5.000 người được khám, sàng lọc và chụp X-Quang. Qua đó, phát hiện 607 người có dấu hiệu nghi ngờ được chỉ định xét nghiệm Xpert, kết quả có 37 người dương tính với vi khuẩn lao. Những năm gần đây, công tác điều trị bệnh lao ở tỉnh đã có những bước tiến bộ vượt bậc. Hiện nay, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao hàng năm trung bình đạt 94 - 95% (tỷ lệ Chương trình chống lao quốc gia đưa ra hơn 90%); tỷ lệ bỏ điều trị giảm.

Qua các đợt tầm soát chủ động, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện nhiều bệnh nhân mắc lao tại cộng đồng. Điều này cho thấy, mối nguy lây nhiễm lao trong cộng đồng rất cao. Cùng với đó, đa số người dân ít quan tâm chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ; việc tự chủ động tầm soát lao lại càng hạn chế. Do đó, hoạt động hỗ trợ khám, tầm soát lao trong cộng đồng của Dự án USAID-SET rất cần được nhân rộng trên toàn tỉnh.

Các hoạt động dự án đã và đang triển khai tại tỉnh Khánh Hòa gồm: Cải thiện chất lượng chương trình phòng, chống lao; phát hiện tích cực bệnh lao tại cơ sở y tế cho các nhóm đối tượng bệnh nhân ngoại trú có triệu chứng hô hấp, bệnh nhân nội trú mắc bệnh phổi, bệnh nhân tiểu đường, đối tượng nguy cơ cao, trẻ em dưới 15 tuổi; tăng cường năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, tầm soát lao tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế; cải thiện các hoạt động phát hiện, điều trị và dự phòng lao nhạy cảm với thuốc và lao kháng thuốc; tăng cường vai trò nguồn lực địa phương; hỗ trợ tài liệu cho hoạt động phòng, chống lao, bảo hiểm y tế cho người mắc lao.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202407/quan-tamphat-hien-benh-lao-o-cong-dong-37133ca/