Quan tâm phát triển các nghề và làng nghề tiểu thủ công nghiệp
Nhận thức rõ vai trò của các nghề và làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội, Sở Công Thương đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách nhằm củng cố, khôi phục, phát triển nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN).
Phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề đang là hướng đi mới giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Phát triển ngành nghề TTCN và các làng nghề đang là hướng đi giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đơn cử như làng nghề rèn Tiến Lộc (Hậu Lộc), dù thời gian qua phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự bùng phát của dịch COVID-19 nhưng làng nghề vẫn duy trì sản xuất và chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển sau dịch. Chủ đại lý dao kéo Phương Thiết cho biết: “Trước đây, khi hàng bán chạy, khoán cho thợ 200 - 250 sản phẩm/ngày thì bây giờ chỉ khoán 100 - 150 sản phẩm/ngày, chỉ sản xuất cầm chừng vậy thôi”. Trước thực trạng đó, các cơ sở sản xuất TTCN ở Tiến Lộc đã năng động, tìm tòi hướng đi mới, ứng dụng công nghệ cải tiến chất liệu, xây dựng hướng phát triển thị trường, chuẩn bị các điều kiện để phục hồi sản xuất khi dịch bệnh đi qua. Hiện tại, Tiến Lộc có hơn 1.500/1.680 hộ trong xã tham gia nghề rèn cơ khí, tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Để phát triển các nghề truyền thống của địa phương, huyện Thiệu Hóa quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ gia đình trong quá trình phát triển và xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Theo đó, huyện đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm tơ Hồng Đô; đồng thời được UBND tỉnh công nhận có 3 làng nghề truyền thống, gồm: Làng nghề đúc đồng xã Thiệu Trung; ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, thị trấn Thiệu Hóa; làng bánh đa Đắc Châu, xã Thiệu Châu. Cùng với đó, bằng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và đóng góp của các cơ sở đúc đồng, huyện đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho cụm làng nghề đúc đồng tại thôn Trà Đông, xã Thiệu Trung. Cụm làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, thị trấn Thiệu Hóa, với diện tích 2,43 ha cũng được xây dựng, với vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng. Bên cạnh việc phát triển các nghề truyền thống; việc du nhập, nhân cấy nghề mới cũng được huyện Thiệu Hóa quan tâm. Mỗi năm huyện mở gần chục lớp đào tạo nghề công nghiệp - TTCN, với hơn 500 người tham gia. Các ngành nghề đào tạo, như may công nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, nghề mây giang xiên, trồng nấm, trồng đinh lăng... Một số nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao như nghề sửa chữa máy nông nghiệp, mây giang xiên ở các xã Thiệu Long, Thiệu Hợp, Minh Tâm, Thiệu Chính, Thiệu Giang; nghề làm chổi lông, chổi cước ở xã Thiệu Hợp, nghề làm mi mắt giả tại xã Thiệu Nguyên... Hiện, các cơ sở, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực TTCN đã tạo việc làm cho gần 7.000 lao động, thu nhập bình quân ước đạt 32 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất TTCN đạt hơn 210 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, phải kể đến một số làng nghề khác đang phát triển mạnh tại các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa như, làng nghề mây tre đan, xã Hoằng Thịnh, làng nghề mộc Đạt Tài, xã Hoằng Đạt, làng nghề nước mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa)... Việc phát triển ngành nghề TTCN đã và đang góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng của từng địa phương.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 132 làng nghề với 36 nghề TTCN đang hoạt động, tạo việc làm cho 90.000 lao động khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đạt từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng; giá trị sản xuất TTCN đạt gần 14.000 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 20% giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN toàn tỉnh. Xác định được tầm quan trọng của các làng nghề trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển làng nghề như: Chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát triển làng nghề. Đồng thời, tập trung đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, có cơ chế khuyến khích các chuyên gia, nghệ nhân, thợ giỏi trong và ngoài địa phương tham gia dạy nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, phát triển chưa đồng đều ở các địa phương; tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; quy mô, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự liên doanh liên kết, chuyên môn hóa sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Sản xuất TTCN ở một số làng nghề, ở một số địa phương mới phát triển theo chiều rộng, chưa có chiều sâu để nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu; việc phát triển ngành nghề mới còn hạn chế.
Để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển các ngành nghề TTCN, bên cạnh các cơ chế, chính sách của tỉnh, các địa phương cần có những giải pháp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề hàng năm gắn với triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhân cấy nghề ở các làng có nghề, bảo đảm các tiêu chí làng nghề được UBND tỉnh công nhận.