Quan tâm phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập
Cùng với việc chú trọng phát triển cơ sở giáo dục công lập, những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm, tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập ở các cấp học. Theo đó, hệ thống giáo dục này từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.
Một giờ học của cô, trò Trường Tiểu học, THCS và THPT FANSIPAN (TP Thanh Hóa).
Sau hơn 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, Trường Tiểu học, THCS và THPT FANSIPAN (TP Thanh Hóa) đã mở rộng quy mô đào tạo ở cả 3 cấp học tiểu học, THCS và THPT. Thầy giáo Hoàng Văn Huân, hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Với mục tiêu trở thành trường chất lượng cao, đào tạo học sinh (HS) phát triển toàn diện, ngay từ khi thành lập nhà trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại. Hiện, nhà trường có trên 580 HS theo học ở bậc tiểu học và THCS. Theo kế hoạch năm học 2023-2024, nhà trường sẽ tuyển HS bậc THPT. Trong quá trình giảng dạy, ngoài siết chặt kỷ cương nền nếp, nhà trường luôn đặt yêu cầu dạy thực chất, học thực chất lên hàng đầu, cùng với đó tăng cường kỹ năng sống, dạy học song ngữ, mời giáo viên người bản ngữ để giảng dạy tiếng Anh cho HS nhằm nâng cao chất lượng, uy tín với phụ huynh HS. Đặc biệt cùng với việc giảng dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nhà trường còn đưa vào giảng dạy chương trình Toán tư duy POMath và chương trình tiếng Anh theo khung tham chiếu châu Âu.
Cũng theo thầy Huân, tuy thời gian đi vào hoạt động chưa dài, song qua mỗi năm học nhà trường đều có HS đạt giải cao trong các kỳ thi HS giỏi cấp thành phố; đạt HCV, HCB, HCĐ trong kỳ thi tìm kiếm tài năng toán học trẻ, kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế Timo, kỳ thi Olympic Toán tiếng Anh Seamo... Tính riêng trong năm học 2021-2022 HS nhà trường đạt 12 giải HS giỏi cấp thành phố trong kỳ thi giao lưu Toán và tiếng Việt; đạt 2 giải trong kỳ thi Tin học trẻ toàn tỉnh lần thứ XXV, xếp thứ nhất các trường ngoài công lập. Trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế Timo năm học 2022-2023, HS nhà trường đạt 24 giải...
Cũng như Trường Tiểu học, THCS và THPT FANSIPAN, với phương châm giáo dục cho HS “yêu tiếng Việt, giỏi tiếng Anh, tràn đầy kỹ năng sống”, sau gần 3 năm đi vào hoạt động Trường Tiểu học Camellia, thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều bậc phụ huynh lựa chọn cho con em mình học tập. Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Đầu tư dạy học ngoại ngữ, các lớp tiếng Anh, đi kèm là phương pháp dạy học, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm... là một trong những thế mạnh của các trường ngoài công lập. Chương trình dạy học song ngữ 10 tiết/tuần, trong đó có nhiều tiết học với giáo viên nước ngoài là điểm nhấn của nhà trường. Các môn học khác như Toán, Tiếng Việt được xây dựng trên chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT, được ứng dụng công nghệ hiện đại như học qua máy tính, tivi, máy chiếu, trực quan sinh động giúp trẻ dễ tiếp thu bài học. Môi trường giáo dục hiện đại, thân thiện, HS được rèn luyện phát triển toàn diện. Từ phương châm hoạt động cùng chất lượng giáo dục đã được khẳng định trong 2 năm học đầu tiên, năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Camellia đã thu hút được 250 HS ở cả 5 khối lớp (tăng gần gấp 3 lần so với năm học đầu tiên), trong đó khối lớp 1 hiện có 88 HS.
Thực tế cho thấy, các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đang ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục, tạo niềm tin trong Nhân dân và góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, hiện toàn tỉnh có 60 trường ngoài công lập, thu hút khoảng trên 20.700 HS theo học. Trong đó, bậc học mầm non có 41 trường, 483 lớp/nhóm, 11.843 trẻ; bậc học tiểu học có 6 trường, 200 lớp, 4.716 HS; bậc học THCS có 2 trường, 51 lớp, 1.381 HS; bậc học THPT có 11 trường, 127 lớp, 4.764 HS (trong đó có 5 trường liên cấp TH, THCS&THPT). Năm học 2022-2023 so với năm học 2018-2019, hệ thống ngoài công lập tăng 15 trường, trong đó bậc mầm non tăng 9 trường; tiểu học tăng 2 trường; phổ thông liên cấp, có cấp học cao nhất là THPT tăng 4 trường. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, các trường ngoài công lập đều nằm ở vị trí thuận lợi, được quy hoạch tổng thể, khuôn viên xanh, sạch, đẹp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư đồng bộ theo định hướng trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay, có 16 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% các phòng lớp học, phòng bộ môn, khu hành chính quản trị đã được kiên cố hóa; đa số các phòng học được trang bị thiết bị dạy học hiện đại, lắp đặt hệ thống điều hòa không khí...
Được biết, để khuyến khích sự phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập, trong những năm qua, tỉnh đã ban hành và thực thi nhiều cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả. Đơn cử như chính sách về miễn, giảm tiền thuê đất, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND, ngày 17-12-2011 về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, từ năm 2012 đến nay có 22 dự án của 19 doanh nghiệp thực hiện đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực GD&ĐT được miễn, giảm tiền thuê đất, lệ phí trước bạ và ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp với tổng số tiền sử dụng đất, thuê đất được miễn, giảm lên đến trên 134 tỷ đồng. Trong đó có 6 dự án của 5 doanh nghiệp được miễn, giảm tiền thuê đất đối với hình thức nộp tiền một lần cho cả thời hạn thuê đất, với số tiền thuê đất được miễn, giảm là hơn 132,7 tỷ đồng; 16 dự án của 14 doanh nghiệp được miễn, giảm tiền thuê đất với hình thức nộp tiền thuê đất hàng năm, với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Cùng với chính sách trên, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 82/2017/NQ-HĐND, ngày 7-12-2017 về việc ban hành chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, Nghị quyết số 386/2021/NQ-HĐND, ngày 26-4-2021 về việc ban hành chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non tỉnh Thanh Hóa đến năm 2033. Thực hiện các nghị quyết này, từ năm 2018 đến 2022, toàn tỉnh có 9 trường mầm non ngoài công lập được hỗ trợ, với số tiền trên 5,6 tỷ đồng.
Có thể thấy, việc phát triển các trường ngoài công lập đã góp phần giảm áp lực cho khu vực các trường công lập trên địa bàn tỉnh. Đây là xu hướng phù hợp trong bối cảnh phát triển của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Một số doanh nghiệp đã tổ chức hoạt động rất bài bản, nghiêm túc và đạt hiệu quả bước đầu đáng khích lệ. Đặc biệt các chính sách khuyến khích của Trung ương, của tỉnh đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, để hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển vững chắc và lâu dài cần thêm sự quan tâm từ phía cơ quan quản lý, chính quyền địa phương với các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả; đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Và hơn hết là bản thân mỗi đơn vị đầu tư cũng cần chủ động “chuyển mình” để đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của nền giáo dục theo cơ chế thị trường.