Quan tâm phát triển kỹ năng xã hội cho học sinh, sinh viên
ĐBP - Xác định tầm quan trọng của việc giáo dục, phát triển kỹ năng xã hội cho học sinh, sinh viên là hết sức quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, do đó thời gian qua, ngành Giáo dục và Ðào tạo tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, hoạt động ngoại khóa trong các cơ sở giáo dục, gắn việc học tập lý thuyết của học sinh, sinh viên đi đôi với thực hành, thực tiễn; từ đó góp phần nâng cao, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo.
Căn cứ Thông tư số 04/2014/TT-BGDÐT ngày 28/2/2014 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo về quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; hàng năm, Sở Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học tổ chức tốt các hoạt động “tuần sinh hoạt tập thể”; các trường cao đẳng tổ chức “tuần sinh hoạt công dân” đầu khóa cho học viên, sinh viên. Từ các hoạt động cụ thể, học sinh, sinh viên dần thay đổi tư duy, nhận thức, tạo kỹ năng cơ bản, cần thiết phục vụ học tập cũng như kỹ năng ứng xử bên ngoài xã hội.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động sáng tạo trong giáo dục, hình thành nhân cách, kỹ năng xã hội cho học sinh, phù hợp với đặc thù vùng cao. Ðầu mỗi năm học, ban giám hiệu nhà trường trực tiếp cùng các thầy cô giáo dạy học sinh từ những điều nhỏ nhất như: Gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân, cách ăn, ở, ngủ nghỉ… Ngoài ra, căn cứ vào thời gian học tập cụ thể, Trường tổ chức các buổi ngoại khóa theo từng chủ đề khác nhau. Ông Trần Ðăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mỗi lứa tuổi khác nhau, chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xã hội được nhà trường triển khai khác nhau. Nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục nhân cách, kỹ năng ứng xử, kỹ năng cảm nhận xã hội. Ví dụ như vừa qua, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, nhà trường giới thiệu các cuốn sách mới, tổ chức cho học sinh tham gia đọc sách tập thể dưới sân trường. Hay như sự kiện Giỗ Tổ Hùng Vương, nhà trường tổ chức cho giáo viên, học sinh tham gia cuộc thi làm bánh chưng, bánh giầy… Thông qua các hoạt động này, các em sẽ mở mang tư duy, hiểu hơn về nét văn hóa của dân tộc, từ đó có cách ứng xử đúng đắn với xã hội.
Với mỗi cấp học, ngành học khác nhau, các cơ sở giáo dục, trường học sẽ có chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xã hội khác nhau, phù hợp từng độ tuổi. Cụ thể như, đối với bậc tiểu học, nhà trường tập trung giáo dục các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và tính toán, coi trọng đúng mức các kỹ năng xã hội, kỹ năng tư duy; bậc trung học cơ sở hình thành các năng lực cơ bản thích nghi, hành động, ứng xử, tự học; bậc trung học phổ thông hình thành, củng cố năng lực hành động, thích ứng, giao tiếp, ứng xử, tự khẳng định, tự đánh giá, phê phán. Hay như đối với các trường cao đẳng, sẽ tổ chức các chương trình giúp sinh viên khởi nghiệp như chương trình chắp cánh ước mơ, hội thi sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp; hành trình từ trái tim…
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên cho biết: Xác định giáo dục kỹ năng xã hội cho sinh viên là việc làm hết sức quan trọng. Do đó, hàng năm, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Tâm Việt tổ chức giảng dạy một số kỹ năng cơ bản cho sinh viên như: Nghệ thuật sống hạnh phúc và thành đạt; kỹ năng quản lý thời gian; kỹ năng phỏng vấn tìm việc thành công. Thông qua lớp kỹ năng, nhiều sinh viên rụt rè, e ngại trong giao tiếp đã trở nên cởi mở, tự tin năng động hơn khi tương tác với giảng viên, bạn bè. Ngoài ra, hàng năm, nhà trường đều tổ chức đối thoại hiệu trưởng với sinh viên nhằm giúp lãnh đạo nhà trường nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng trong sinh viên, lắng nghe các ý kiến trao đổi, góp ý của sinh viên về các hoạt động của nhà trường, qua đó giúp nhà trường thực hiện tốt hơn công tác đào tạo, quản lý, hỗ trợ người học.
Bạn Lường Thị Hương, sinh viên năm 2, lớp Công tác xã hội, Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên chia sẻ: Khi mới bước vào giảng đường, em là người rụt rè, thế nhưng môi trường đào tạo của trường đã giúp em cải thiện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm. Giờ đây, em có thể tự tin nói chuyện với bạn bè, thuyết trình trước nhiều người, được các bạn trong lớp tin tưởng bầu làm bí thư chi đoàn.
Có thể nói, việc phát triển kỹ năng xã hội cho học sinh, sinh viên trong trường học thời gian qua đã được các trường học quan tâm, chú trọng. Thông qua các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa… đã giúp học sinh, sinh viên có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết, bổ ích vận dụng vào cuộc sống cũng như trong học tập.