Quan tâm phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi

Những năm qua, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng nhanh, năng suất và sản lượng ngày càng cao, nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Tuy vậy, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, môi trường nước biến động lớn làm giảm sức đề kháng nên dịch bệnh trên thủy sản nuôi, nhất là trên con tôm diễn biến khá phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi.

 Cho ăn đúng cách để tôm phát triển tốt, đạt năng suất cao - Ảnh: B.B

Cho ăn đúng cách để tôm phát triển tốt, đạt năng suất cao - Ảnh: B.B

Anh Trần Bình Sơn, ở Thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong là một trong những hộ nuôi tôm đã nhiều năm và giàu kinh nghiệm. Anh Sơn cho biết, vụ nuôi năm 2020, anh thu được 16 -17 tấn, sản lượng tăng tuy nhiên ảnh hưởng của COVID - 19 khiến giá thu mua tôm thấp. Trừ chi phí các loại, lứa tôm thu hoạch vào đầu tháng 10/2020, anh thu lãi được gần 500 triệu đồng. “Ngay sau khi thu hoạch lứa tôm vụ đông năm 2020, liên tiếp các trận mưa lũ xảy ra khiến người nuôi tôm lao đao, ao hồ bị hư hại, nguồn nước không đảm bảo để thả nuôi vụ mới. Chúng tôi phải đầu tư chi phí khá lớn cải tạo hồ nuôi, xử lý nguồn nước để tiếp tục nuôi vụ hè. Tuy nhiên, vụ nuôi mới con tôm bị nhiễm bệnh đốm đen, nhiều chủ hồ buộc phải “bán non” khi tôm chưa đạt trọng lượng, ảnh hưởng đến giá trị kinh tế”, anh Sơn chia sẻ.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn xã Triệu Lăng có trên 72 ha diện tích nuôi tôm với số lượng giống thả 46.050 vạn con bốt, sản lượng thu hoạch hơn 320 tấn, doanh thu đạt trên 26,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, dịch bệnh đốm đen trên con tôm đã xảy ra gây thiệt hại hơn 4,5 ha, ước khoảng 2,1 tỉ đồng. Nguyên nhân được cho là do chất lượng con giống không đảm bảo và tác động khắc nghiệt của thời tiết, môi trường.

Đến cuối năm 2020, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong toàn tỉnh đạt 924,67 ha, diện tích nuôi tôm sú đạt 352,06 ha. Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường nên dịch bệnh trên thủy sản nuôi, nhất là bệnh trên con tôm ở địa bàn tỉnh diễn ra phổ biến. Giai đoạn 2015 - 2020, dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, có chiều hướng tăng, đặc biệt trong các năm 2016, 2017 diện tích bị bệnh chiếm tới 30% - 40% tổng diện tích nuôi tôm của toàn tỉnh. Diện tích thủy sản bị bệnh có xu hướng giảm từ năm 2018 - 2020. Các loại bệnh thường xảy ra trên tôm nuôi gây thiệt hại lớn là bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính. Đặc biệt bệnh hoại tử gan tụy cấp tính tuy chỉ mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2013 nhưng đã lây lan nhanh và hằng năm đều chiếm tỉ lệ lớn trong tổng diện tích bị bệnh.

Ngoài các nguyên nhân chủ quan như chất lượng con giống, quy trình chăm sóc, việc xử lý ao chưa đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả nuôi... thì nguyên nhân khách quan là phần lớn các vùng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh hình thành một cách tự phát, mang tính phong trào và không có quy hoạch. Do đó, việc đầu tư hệ thống hồ nuôi, hệ thống cấp thoát nước không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quy định. Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở các vùng cửa sông và các vùng nuôi thủy sản nước ngọt tập trung. Còn đối với các vùng nuôi tôm ven biển chưa được đầu tư xây dựng đúng mức cũng là những yếu tố quan trọng tác động đến chất lượng nuôi trồng thủy sản.

Dự báo diện tích nuôi tiếp tục bị thiệt hại có thể tăng mạnh và nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới rất cao. Nguyên nhân do người nuôi tôm bắt đầu thả nuôi trong khi đó các điều kiện bất lợi của thời tiết như giao mùa, hạn hán, xâm nhập mặn… tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi đó, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nuôi thủy sản vẫn còn nhiều mặt hạn chế như việc thống kê, báo cáo số liệu dịch bệnh còn nhiều bất cập. Công tác điều tra dịch tễ, giám sát chủ động dịch bệnh, quan trắc cảnh báo môi trường chưa được triển khai đồng bộ để kịp thời cảnh báo, ứng phó và phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả. Người nuôi chưa chú trọng đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường ao nuôi cũng như áp dụng các kỹ thuật tiến bộ vào nuôi trồng thủy sản để hạn chế xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh…

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021- 2030. Mục tiêu nhằm tổ chức phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Để thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp như: Tăng cường công tác phòng bệnh và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành. Xây dựng một số vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản.

Tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, bao gồm báo cáo, chia sẻ, phân tích số liệu dịch bệnh, dự báo, cảnh báo dịch bệnh, lập bản đồ dịch tễ… Đồng thời yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý và bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản, tính chất nguy hiểm của dịch bệnh thủy sản. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và chính quyền các cấp trong giám sát, phòng, chống dịch bệnh...

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159584&title=quan-tam-phong-chong-dich-benh-tren-thuy-san-nuoi