Quan tâm phòng tránh đuối nước cho trẻ em
Vào thời gian nghỉ hè, tình trạng trẻ em đuối nước tại nhiều địa phương trong cả nước lại có chiều hướng gia tăng. Đã có nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra cướp đi sinh mạng của trẻ em. Những ngày nắng nóng này trùng vào dịp các em học sinh bước vào kì nghỉ hè, các em thường rủ nhau đi chơi, đi tắm ao hồ, sông suối. Trước mối nguy hiểm thường trực do đuối nước có thể gây ra bất cứ lúc nào đã đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm.
Quảng Trị là địa phương có nhiều sông, suối, ao, hồ và các bãi tắm biển. Trong thời điểm nắng nóng như hiện nay, việc các em nhỏ thường xuyên đi tắm sông, suối mà không có người lớn quản lí khiến nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em rất cao. Với đặc thù có nhiều sông, khe suối, tại huyện Đakrông tình trạng trẻ em thường xuyên rủ nhau ra tắm hằng ngày diễn ra phổ biến, nhất là trong thời kì nghỉ học. Tại một đoạn suối chảy qua thôn Làng Cát, xã Đakrông nước chảy nguy hiểm, đá nhọn lởm chởm, chúng tôi ghi nhận có nhiều em nhỏ vô tư vui đùa, bơi lặn mà không lường hết được nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân. Nhiều em còn liều lĩnh thi nhau nhảy từ độ cao 3-4 mét xuống mặt nước để tắm với vẻ khoái chí. Em Hồ Văn Lợi, một học sinh tiểu học ở xã Đakrông nói: “Bữa nay trời nóng nên hầu như ngày nào chúng em cũng ra suối này tắm. Em biết là nguy hiểm nhưng do tắm quen rồi nên cũng không lo lắm. Với lại ở đây ngoài tắm sông, suối thì chúng em chẳng có chỗ nào để vui chơi, bơi lội cho an toàn”. Không chỉ xã Đakrông, dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác của huyện Đakrông, bất cứ chỗ nào có suối, các em nhỏ đều ra tắm, bắt cá, do vậy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về đuối nước. Đã có nhiều vụ đuối nước, tai nạn thương tích vì tắm suối xảy ra trên địa bàn huyện Đakrông những năm qua.
Thực tế những vụ tai nạn do đuối nước ở trẻ em cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một số người dân về phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em vẫn còn hạn chế, thể hiện qua thái độ chủ quan, coi thường sự nguy hiểm của nhiều phụ huynh. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kĩ năng phòng, chống tai nạn đuối nước chưa được chú trọng đúng mức. Ở khu vực nông thôn miền núi, nhiều phụ huynh vẫn còn thờ ơ, chủ quan, thiếu sự quan tâm đến an toàn của con trẻ. Bên cạnh đó, những kiến thức, kĩ năng sơ cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước cũng hạn chế là nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ tử vong cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Đakrông Võ Nam Sơn cho biết: “Thời gian qua địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động đến các hộ gia đình về việc quản lí, theo dõi, chăm sóc con em trong các hoạt động vui chơi, đặc biệt là tắm sông, suối trong mùa hè. Tuy vậy, do nhận thức của người dân còn hạn chế trong việc giám sát, chăm sóc, bảo đảm an toàn cho con em trong khi vui chơi nên nguy cơ xảy ra đuối nước vẫn khó kiểm soát”. Tai nạn đuối nước một phần do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kĩ năng đảm bảo an toàn, xử lí tình huống khi bơi và không có kĩ năng cứu người bị đuối nước. Tại một số địa phương xảy ra trường hợp trẻ bị chết đuối do sự không an toàn của môi trường sống xung quanh, chẳng hạn như giếng đào, hố trong vườn, hố nước tưới cây hoặc các hố sâu trong các khu công trình xây dựng không được che chắn cẩn thận. Ngoài ra, phải kể đến thực trạng là các em cứu lẫn nhau khi đuối nước, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.
Tại Quảng Trị, những năm vừa qua đều có xảy ra chết người do đuối nước. Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, nhiều năm trở lại đây, tai nạn đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010 - 2015, trung bình hằng năm cả nước có khoảng vài trăm trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước. Trong đó nhóm tuổi chiếm tỉ lệ tử vong cao là từ 5-14 tuổi. Tỉ lệ tử vong do tai nạn đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do tai nạn đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển. Rõ ràng, tình trạng tai nạn đuối nước của trẻ em tại nhiều địa phương trong cả nước đang ở mức đáng báo động. Để phòng chống đuối nước, biện pháp hiệu quả và quan trọng là tập bơi cho trẻ. Ý thức được điều này, nhiều học sinh, phụ huynh lựa chọn tìm đến các bể bơi để dạy cho con em mình kĩ năng bơi lặn. Tại đây các em học sinh có môi trường đảm bảo an toàn để vui đùa với nước, học và cải thiện được kĩ năng bơi, ứng phó vào những hoàn cảnh cụ thể.
Anh Mai Văn Thịnh đang cho con nhỏ học bơi ở bể bơi khách sạn Đông Trường Sơn cho biết: “Hiện nay tình trạng trẻ em bị đuối nước khá nhiều, ý thức được sự nguy hiểm này nên ngay từ sớm vợ chồng tôi đã cho con đi học bơi. Trẻ nhỏ học bơi dễ nên tôi tự tin con mình sẽ sớm bơi lội thành thạo. Tôi cũng như nhiều phụ huynh khác cho rằng biết bơi là ưu tiên hàng đầu để con có thể tự lập, tự ứng phó với nhiều tình huống xảy ra khi tiếp xúc với nước. Cho con đi học bơi, tôi cũng mong muốn con rèn luyện được kĩ năng để tự tin hơn trong cuộc sống”. Còn theo em Đoàn Thanh Quân, một học viên học bơi tại bể bơi khách sạn Đông Trường Sơn thì chia sẻ: “Em nghĩ đi chơi, nhất là khi xuống nước thì biết bơi trước hết là để bảo vệ bản thân, sau đó nếu mọi người xung quanh, bạn bè có sự cố thì mình mới tự tin giúp được”.
Để phòng, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra đối với trẻ em, thời gian qua UBND tỉnh đã giao Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt các chương trình hành động vì trẻ em. Xây dựng, triển khai chiến dịch truyền thông phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp hướng dẫn kĩ năng bơi lội cho trẻ em nhằm từng bước nâng cao kĩ năng bơi, phòng ngừa tai nạn đuối nước và rèn luyện sức khỏe cho trẻ em. Bà Nguyễn Thị Ái Loan, Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: “Đối với tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ, nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan, thiếu cảnh giác của trẻ em và phụ huynh. Vì vậy thời gian qua chúng tôi đã chú trọng tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cũng như kĩ năng cho các em học sinh, phụ huynh, thầy, cô giáo trong trường học để phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em khi tham gia các hoạt động sinh hoạt, vui chơi giải trí… Thời gian tới chúng tôi sẽ nỗ lực huy động các nguồn lực, kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ kinh phí cho các xã vùng sâu vùng xa, vùng biển xây dựng các bể bơi để trẻ em có nơi vui chơi an toàn”.
Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức, nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước cho trẻ em là rất cần thiết, mà vai trò quan trọng nhất là mỗi gia đình, bởi chính người lớn trong gia đình với ý thức về sự nguy hiểm có thể đe dọa đến an toàn của con em, họ sẽ có quản lí chặt chẽ hơn. Mùa hè là thời điểm số vụ tai nạn đuối nước thường gia tăng đột biến do trẻ em bước vào kì nghỉ hè. Vì vậy các gia đình cần nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu và áp dụng những biện pháp phòng, tránh đuối nước cho trẻ, nhằm hạn chế tối đa những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140438