Quan tâm sức khỏe tinh thần của học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp
Suốt 3 năm qua, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh luôn trong tình trạng phải chủ động phòng, chống dịch; nhiều thời điểm, các em phải ở nhà, học trực tuyến dài ngày; trên địa bàn tỉnh hiện, có hàng chục nghìn học sinh thuộc diện F0, F1... khiến tâm lý, tinh thần của các em bị ảnh hưởng. Trước tình trạng đó, ngành GDĐT tỉnh đã và đang nỗ lực phối hợp với phụ huynh học sinh quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em.
Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, hơn 1,6 tỷ trẻ em trên thế giới đang phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về sức khỏe, hoạt động giáo dục do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Báo cáo “Tình hình trẻ em thế giới 2021” của UNICEF cảnh báo Covid-19 gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em, thanh, thiếu niên cũng như các bậc cha mẹ và người chăm sóc.
Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Liên Hợp Quốc đặt ra là phải phục hồi những gì thiếu hụt cho học sinh do bối cảnh dịch bệnh tác động.
Ở Việt Nam, thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần cho thấy, tỷ lệ học sinh, sinh viên đến thăm khám và điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần do ảnh hưởng của việc không được đến trường dài ngày và học trực tuyến tăng vọt.
Nghiên cứu của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gần 57% sinh viên thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% sinh viên thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% sinh viên tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng.
Tại Vĩnh Phúc, sau thời gian dài ngành GDĐT chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến đã góp phần duy trì nhịp độ học tập, bảo đảm tiến độ chương trình năm học và giữ vững vị trí tốp đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần học sinh.
Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều trường học đã cho học sinh quay trở lại trường học tập trực tiếp và qua tiến hành test nhanh Covid-19, phát hiện hàng nghìn em thuộc diện F0, hàng chục nghìn em thuộc diện F1 khiến nhiều học sinh lo lắng.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Chang, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Yên cho biết: “Tác hại của dịch Covid-19 trong thời gian dài khiến học sinh bị thiếu hụt các hoạt động tập thể, hoạt động thể chất và gặp những khó khăn tâm lý trước các vấn đề như mâu thuẫn trong quan hệ với người thân, bạn bè, thiếu định hướng nghề nghiệp, một số học sinh là nạn nhân của bạo lực gia đình…
Do đó, khi đi học trở lại, nhiều em tìm đến Phòng tư vấn tâm lý học đường của nhà trường để chia sẻ các rối loạn cảm xúc như lo âu, trầm cảm, căng thẳng…”.
Đối với những học sinh dương tính với Covid-19, tinh thần của các em càng dễ bị tổn thương. Em N.K.N, học sinh Trường THCS Tề Lỗ, huyện Yên Lạc cho biết: “Khi biết mình dương tính với Covid-19, em rất lo lắng và sợ sức khỏe không đảm bảo cho việc học tập. Đồng thời, sợ những di chứng sau khi khỏi bệnh”.
Trước thực trạng trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GDĐT, Bộ Y tế kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn đảm bảo tốt nhất cho sự an toàn, sức khỏe thể chất, tinh thần và việc học tập của học sinh, sinh viên.
Trong buổi làm việc với ngành GDĐT mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cũng chỉ đạo ngành GDDT tỉnh phát huy tinh thần, trách nhiệm của người thầy, phối hợp với phụ huynh học sinh đặc biệt chú trọng đảm bảo an toàn và quan tâm chăm sóc, hỗ trợ tâm lý cho học sinh.
Thực tế, 3 năm qua, ngành GDĐT tỉnh luôn nỗ lực 200% sức lực, tâm huyết để vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục, luôn quan tâm đến học sinh, nhất là học sinh yếu thế, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, toàn ngành sẽ tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” và chú trọng hơn nữa công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.
Trường THPT Vĩnh Yên đã kích hoạt hoạt động của Phòng tư vấn tâm lý học đường và triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa như khảo sát, sàng lọc toàn bộ học sinh trong trường để phát hiện ra những em gặp khó khăn tâm lý; đa dạng hóa các chương trình phòng ngừa căng thẳng học tập, hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống; tham gia nghiên cứu về “Tác động của đại dịch Covid-19 tới thực trạng căng thẳng học tập của học sinh cuối cấp lớp 12”.
Phân công cán bộ, giáo viên trực tại Phòng tư vấn tâm lý học đường, trực online để tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em; đẩy mạnh tuyên truyền nội dung “Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học”; phối hợp với phụ huynh học sinh cung cấp cho các em kiến thức, kỹ năng ứng phó với dịch bệnh, căng thẳng trong học tập, cách cân bằng cảm xúc để sống vui và học tập tốt…
Về phía phụ huynh học sinh cũng đã nâng cao nhận thức, rất quan tâm đến tinh thần, tâm lý của con em mình. Anh N.V.M, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên có con là học sinh tiểu học mắc Covid-19 thực hiện cách ly, điều trị tại nhà chia sẻ: “Cùng với việc đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn, nhắc con uống thuốc, theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của cán bộ y tế, vợ chồng tôi thường xuyên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách để trò chuyện, động viên con. Cô giáo và các bạn cũng quan tâm gọi điện thăm hỏi nên tâm lý của con luôn ổn định”.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt kinh tế-xã hội, cùng với chăm sóc đến sức khỏe thể chất, nhà trường và gia đình cần đặc biệt quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh, góp phần giúp các em phát triển toàn diện, sống vui khỏe, học tập tốt.