Quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ nữ phấn đấu
Trong bối cảnh xã hội có nhiều cơ hội tốt cho lao động và học tập, không ít phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thanh Hóa nói riêng đã nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng về mọi mặt, tạo cho mình những hành trang mới, ngày càng chủ động, tự tin hơn trong lao động, học tập, qua đó ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xã hội.
Cán bộ nữ xã Hóa Quỳ (Như Xuân) thăm, bám cơ sở, động viên hộ dân sản xuất.
Thôn Thanh Trung, xã Hải Châu (Tĩnh Gia) có 193 hộ, 773 nhân khẩu, có lợi thế trong phát triển kinh tế đa ngành, nghề. Là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, đồng thời là bí thư chi bộ thôn, đồng chí Hoàng Thị Phúc đã tích cực vận động bà con dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, đưa các loại cây, con giống mới vào sản xuất và mở rộng các mô hình sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, chế biến hải sản, kinh doanh dịch vụ thương mại... Chị Phúc cho biết: Làm công tác mặt trận đòi hỏi phải gần dân, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân thì mới tập hợp được quần chúng, xây dựng khối đoàn kết từ mỗi khu dân cư, ngõ xóm... Nhiều năm qua, chị đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời nắm tình hình tư tưởng của người dân; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể tham gia hòa giải những mâu thuẫn nhỏ trong dân cư, hướng tới xây dựng thôn nông thôn mới.
Xã Hóa Quỳ (Như Xuân) là một trong số rất ít xã, thị trấn có nữ cán bộ làm lãnh đạo chủ chốt, có tỷ lệ nữ trong ban chấp hành đảng ủy đạt 40%. Phó bí thư thường trực đảng ủy xã là đồng chí Hoàng Thị Lương, nguyên là cán bộ thôn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, nay là phó bí thư trực đảng ủy xã. Ở cương vị nào chị cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Theo thống kê, hiện nay, từ cấp tỉnh đến cấp xã ở tỉnh ta có 598 cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt (trong đó cấp tỉnh có 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 27 đồng chí là giám đốc, phó giám đốc các sở và trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 87 đồng chí là trưởng, phó phòng cấp sở và tương đương. Cấp huyện, có 7 đồng chí là bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND huyện, 163 đồng chí là trưởng, phó các phòng, ban và tương đương cấp huyện; cấp xã có 320 đồng chí là bí thư, phó bí thư xã, phường, thị trấn). Nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIV đạt 28,75%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 17,89%, cấp huyện đạt 25,88%, cấp xã đạt 23,68%...
Dù đạt được nhiều thành công trong việc chăm lo đến phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng, nhưng công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: Tỷ lệ cán bộ nữ cơ cấu trong các cấp ủy đảng, HĐND, UBND, tham gia lãnh đạo, quản lý tại các sở, ban, ngành, cán bộ khoa học tuy có tăng qua từng năm nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra; công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí, sử dụng cán bộ nữ còn nhiều bất cập, nguồn cán bộ nữ còn thiếu; một số địa phương chưa làm tốt công tác tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, tổ chức đảng những chủ trương, giải pháp về công tác cán bộ nữ, xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ nữ.
Tăng cường công tác cán bộ nữ không phải chỉ là để có cơ cấu nữ trong bộ máy lãnh đạo, mà chính là để khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, do vậy, cần phải tiếp tục đổi mới nhận thức về phụ nữ - lực lượng quan trọng trong sự phát triển của xã hội, phải được bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm. Công tác cán bộ nữ phải được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về cán bộ nữ.