Quan tâm thực hiện bình đẳng giới với phụ nữ

ĐBP - Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Điện Biên luôn chủ động quan tâm đến công tác bình đẳng giới. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền không ngừng được tăng cường về số lượng và chất lượng; nhiệt tình, tâm huyết trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện công tác bình đẳng giới. Nhờ đó, nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được nâng lên. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, lãnh đạo nữ trong các cơ quan Đảng, chính quyền ngày càng tăng.

Chị Chớ Thị Mò, Chủ tịch Hội LHPN xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình đến các hội viên và người dân bản Chăn Nuôi.

Hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới; kế hoạch công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ đạo các cấp Hội triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ thông qua các hình thức phong phú, đa dạng. Sâu sát cơ sở nắm bắt kịp thời các vấn đề khó khăn, nổi cộm trong thực hiện bình đẳng giới tại cơ sở. Hội cũng ký kết Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái giai đoạn 2020 - 2022.

Hội LHPN các cấp luôn tích cực tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ xóa bỏ các hủ tục trong hôn nhân và gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình. Từ năm 2018 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã triển khai 7 cuộc truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, hội viên kiến thức thực hiện bình đẳng giới trong gia đình; phòng chống bạo lực gia đình, thay đổi nhận thức vấn đề trọng nam, khinh nữ; nâng cao nhận thức về sự cần thiết học tiếng phổ thông, học chữ. Hội cũng thành lập 4 mô hình “Tự học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân và cộng đồng” tại các huyện Tuần Giáo, Mường Chà.

Nhờ đó, nhận thức và hành động về công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong lĩnh vực chính trị, đội ngũ cán bộ nữ từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đề bạt; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, lãnh đạo nữ trong các cơ quan Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp ngày càng tăng. Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm đã được thu hẹp; phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số được tăng cường tiếp cận các nguồn vốn, thị trường lao động để đầu tư phát triển kinh tế cá nhân, kinh tế hộ gia đình với tổng nguồn vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Từ đó, giúp cho phụ nữ từng bước vượt qua khó khăn về kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng; được quan tâm nâng cao tri thức, tham gia nhiều chương trình đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị; tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Bà Hà Thị Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp chưa đảm bảo mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Tỷ lệ phụ nữ tham gia các chức danh quản lý, lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng tuy có tăng nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động nữ và dân số nữ. Phụ nữ tái mù chữ, mù chữ tại các bản vùng dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao hơn so với nam giới. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu với cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác bình đẳng và vì sự tiến bộ của phụ nữ; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/187298/quan-tam-thuc-hien-binh-dang-gioi-voi-phu-nu