Việt Nam được gì sau 5 năm gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương?

Sau 5 năm gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, hàng hóa Việt Nam đã được tiếp cận với một số thị trường mới, nhưng để tối ưu hóa tiềm năng của hiệp định này còn rất nhiều việc phải làm.

Sau 5 năm kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thúc đẩy thương mại của Việt Nam với các thị trường châu Mỹ, đặc biệt là Canada, Mexico và Peru - những nước lần đầu tiên có quan hệ hiệp định thương mại với nước ta.

Dù Mỹ rút khỏi CPTPP, nhưng kết quả như vậy cho thấy giá trị của hiệp định thương mại thế hệ mới này, nhất là khi đang có thêm nhiều nước đặt vấn đề tham gia.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long tham dự và phát biểu tại sự kiện - Ảnh: NGỌC DIỆP

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long tham dự và phát biểu tại sự kiện - Ảnh: NGỌC DIỆP

Lợi ích đa chiều

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan được chia sẻ trong hội thảo sáng nay, 2-10, do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%. Con số tuyệt đối là từ 8,7 tỉ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỉ USD năm 2023, dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19.

Việt Nam hưởng lợi lớn khi giá trị xuất khẩu tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỉ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỉ USD năm 2023. Xuất siêu ở các thị trường này tăng gần gấp ba lần, từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỉ USD, góp phần tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua.

Tính chung cả châu Mỹ ngoài CPTPP, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 137,7 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 114, 5 tỉ USD.

Không chỉ mang lại lợi ích thương mại, theo đánh giá của Bộ Công Thương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương còn thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch hơn.

Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp hơn mà còn góp phần nâng cao uy tín quốc tế, giúp Việt Nam hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài.

Nói như Đại sứ Canada, ông Shawn Steil, Hiệp định đã mang lại lợi ích cho cả người dân, doanh nghiệp hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư lớn cho cả hai bên.

Nhận diện mặt hạn chế

Tuy nhiên, để tận dụng được tối đa lợi thế của CPTPP, theo khẳng định của ông Ngô Trung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Việt Nam thực sự còn rất nhiều việc phải làm,

Để nhận diện rõ nhất tác động của CPTPP lên thương mại, cần phải so sánh giao thương của Việt Nam với những nước đó, khi chưa ký kết FTA.

Nhìn từ mặt tích cực, xuất khẩu từ Việt Nam vào Canada, Mexico và Peru tăng trưởng tốt. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, máy vi tính, điện thoại, giày dép, hạt tiêu tăng trưởng tương đối tích cực.

Dù vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ba thị trường mới này vẫn chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Chưa kể, tăng trưởng thương mại với nhóm nước này chưa bền vững: Xuất nhập khẩu năm 2019 chiếm 1,2% tổng giá trị thương mại Việt Nam với thế giới, lên 1,6% vào năm 2020, 2% vào năm 2021, nhưng lại giảm xuống 1,8% vào năm 2022, và giảm tiếp còn 1,7% vào năm 2023.

Đáng chú ý, thị phần một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại một số thị trường quan trọng giảm. Thủy sản vào năm 2019 có thị phần 6,4% tại Canada nhưng đến năm 2023 lại chỉ còn 5,6%...

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, được ký kết và có hiệu lực trong năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi TPP - Hiệp định tiền thân của CPTPP vào năm 2017.

Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA) và Liên minh châu Âu (EU); có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân; tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

Ngày 16-7-2023, Vương quốc Anh và Bắc Ireland đã ký hiệp ước tham gia, Indonesia đang ngỏ ý muốn tham gia CPTPP. CPTPP chính thức có hiệu lực tại Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, Singapore và New Zealand vào ngày 30-12-2018, có hiệu lực tại Việt Nam từ 14-1-2019, và có hiệu lực tại Peru từ ngày 19-9-2021.

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-duoc-gi-sau-5-nam-gia-nhap-hiep-dinh-doi-tac-xuyen-thai-binh-duong-post812934.html