Quan tâm thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
ĐTO - Trong giai đoạn 2021 - 2024, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.

Lãnh đạo xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò) trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người dân thuộc diện hộ nghèo
Theo đánh giá của UBND tỉnh, giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh quan tâm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo. Toàn tỉnh đã thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 112.899 lượt học sinh; trong đó, có 62.652 lượt học sinh được miễn, giảm học phí, 50.247 lượt học sinh được hỗ trợ chi phí học tập. Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo đi học đúng độ tuổi là 92,52/90% và hộ cận nghèo đạt 98,01/90% (vượt chỉ tiêu đề ra); có 4.197 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp, đạt 100% kế hoạch đề ra.
Về chính sách y tế, tỉnh đã cấp 330.081 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; trong đó, người nghèo 106.638 thẻ, người cận nghèo 194.820 thẻ, người thuộc hộ nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình 28.623 thẻ. Hằng năm, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp đã vận động các nguồn lực thông qua tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; đồng thời tổ chức các đoàn đến hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo, các đối tượng thuộc diện khó khăn, như: khám điều trị cấp thuốc, chương trình mổ mắt đem lại ánh sáng, phẫu thuật tim...
Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Đồng Tháp (thuộc Sở Tư pháp) đã chú trọng truyền thông trợ giúp pháp lý, triển khai thực hiện thông qua công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở đến đối tượng là người thuộc hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện được trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí.
Về chính sách tiền điện, đã thực hiện hỗ trợ tiền điện theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ trên 36.400 lượt hộ nghèo, mức hỗ trợ bình quân đạt gần 60.000 đồng/tháng. Thông qua chính sách đã góp phần giúp hộ nghèo có điều kiện tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là tiếp cận về thông tin.
Đối với chính sách tín dụng ưu đãi, đã thực hiện hỗ trợ cho 48.884 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên vay vốn, với doanh số cho vay đạt 2.351.120 triệu đồng, tổng dư nợ đến ngày 1/12/2024 đạt 2.568.693 triệu đồng.
Với những kết quả trên cho thấy, các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện, từ đó các chính sách hỗ trợ được kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng. Trong quá trình thực hiện, công tác hướng dẫn, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện tại cơ sở, nhất là cấp xã, khóm, ấp thể hiện được tính linh hoạt; công tác vận động xã hội hóa chăm lo, giúp đỡ hộ nghèo được quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục đã góp phần giúp công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng; các ngành, các cấp, Nhân dân, các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua: “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Tết vì người nghèo”, “Xóa nhà tạm” giúp mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Công tác tiếp nhận và hỗ trợ được công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, tạo được niềm tin và sự đồng thuận cao trong Nhân dân.
Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh đã xác định mục tiêu phấn đấu thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội theo hướng đa chiều, bao trùm và bền vững; giảm tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2026 - 2030 (bao gồm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ hộ cận nghèo) từ 0,5 - 1%/năm.
Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt đến năm 2030: giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Có ít nhất 60% hộ nghèo có thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm (không tính người khuyết tật, bệnh tật, ốm đau, sinh viên). 100% người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế theo đúng quy định, trên 90% hộ cận nghèo được hỗ trợ, vận động mua cấp thẻ bảo hiểm y tế. Hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát...
Để thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, rất cần sự quyết tâm, sâu sát, chủ động tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và sự ủng hộ của người dân mang lại hiệu quả, tính bền vững. Song song đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo nhận thức đúng đắn về nội dung, mục đích ý nghĩa, giải pháp thực hiện để cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức được trách nhiệm, chủ động cùng tham gia thực hiện; trong đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức được nguồn lực của Nhà nước là yếu tố đầu vào, giữ vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng, tạo động lực cho người dân tham gia các dự án giảm nghèo, phát huy tinh thần tự lực, tự giác thoát nghèo, vươn lên khá giả.