Quan tâm thực hiện công tác chính sách người có công
Những năm qua, công tác chính sách người có công với cách mạng và phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa' luôn được các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Hải Lăng quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân của họ không ngừng được nâng cao, góp phần bù đắp sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Toàn huyện Hải Lăng hiện có 13.953 người có công với cách mạng, chiếm 19,9% dân số toàn huyện. Trong đó, có 3.315 liệt sĩ, 1.863 thương binh, 143 bệnh binh, 4.200 người có công giúp đỡ cách mạng, 500 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (6 mẹ còn sống); 9 Anh hùng Lực lượng vũ trang (1 người còn sống); 507 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ; 567 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tra tấn, tù đày; 26 cán bộ lão thành cách mạng...
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, tỉnh về thực hiện chính sách người có công với cách mạng, UBND huyện Hải Lăng đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân.
Chỉ đạo kịp thời công tác phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật người có công với cách mạng. Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ phụ trách lĩnh vực người có công ở cơ sở; cập nhật, đăng tải nội dung các chính sách mới trên Trang thông tin của huyện và thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở.
Trong thời gian từ năm 2020 đến 7/2023, UBND huyện Hải Lăng đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH thực hiện tốt công tác tham mưu, giải quyết tốt các chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân người có công, đã thụ lý và chuyển Sở LĐ-TB&XH 1.052 hồ sơ các loại.
Phong trào toàn dân giúp đỡ, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở, trong đó, nhiều phong trào thi đua “Đền ơn đáp nghĩa” mang lại hiệu quả thiết thực như: phong trào “Xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh - gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng”; ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; đóng góp “Quỹ xây dựng các tượng đài anh hùng liệt sĩ”, “Chăm sóc, làm đẹp các nghĩa trang liệt sĩ”, “Đi tìm đồng đội hy sinh chiến trường cũ” của Hội Cựu chiến binh, quỹ “Tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ” của Ban CHQS huyện, “Chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng” của ngành công an, “Xây dựng nhà tình nghĩa” của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, ngành công an và Ban CHQS huyện, Chương trình “Bữa cơm gia đình - Ấm lòng tình mẹ” tại nhà các Mẹ Việt Nam anh hùng; chương trình thắp nến tri ân và dâng hương, dâng hoa vào dịp 27/7 hằng năm tại các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia ghi danh, đài tưởng niệm trên địa bàn toàn huyện của đoàn thanh niên...
Nhân các dịp tết Nguyên đán và ngày lễ lớn của quê hương, đất nước hằng năm, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi động viên, tặng quà cho các đối tượng chính sách khó khăn; tổ chức gặp mặt các gia đình chính sách.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công, tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công với cách mạng.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện đã có những hoạt động thiết thực, ưu tiên người có công và thân nhân như: giúp đỡ thương binh, bệnh binh nặng và gia đình có việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống. Đến nay, toàn huyện có 16/16 xã, thị trấn đạt danh hiệu “Xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ”. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến 8/2023, Ban Quản lý quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện đã vận động được 2.916 triệu đồng (trong đó: cấp xã 1.116 triệu đồng).
Được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí của các cơ quan, tổ chức và từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện, đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 76 nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng với tổng kinh phí trên 3,8 tỉ đồng, trong đó xây mới 39 nhà, kinh phí hơn 3 tỉ đồng; sửa chữa 37 nhà, kinh phí 840 triệu đồng.
Huyện trích ngân sách, cùng với sự giúp đỡ của Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH và huy động từ các doanh nghiệp, các tổ chức, nhà hảo tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm, công trình, di tích lịch sử với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng.
Công tác tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ được thực hiện thường xuyên, hằng năm tiếp đón hơn 1.127 lượt thân nhân các gia đình liệt sĩ vào thăm viếng, tìm kiếm thông tin liệt sĩ; bàn giao 65 mẫu sinh phẩm để giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ; bàn giao 59 mộ liệt sĩ để thân nhân đưa về quê an táng. Công tác chăm sóc sức khỏe người có công, việc hỗ trợ phương tiện trợ giúp, trang cấp dụng cụ chỉnh hình luôn được UBND huyện chỉ đạo thực hiện tốt.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
Thực hiện tốt “xã hội hóa” công tác chăm sóc người có công với cách mạng; phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ”, vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để giúp các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống.
Tập trung các nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách. Chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng phong trào “Xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công” gắn với việc xây dựng nông thôn mới.
Quan tâm đẩy mạnh giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp đỡ hỗ trợ những gia đình chính sách đang gặp khó khăn, góp phần nâng cao đời sống cho người có công.
Tiếp tục khảo sát, đánh giá thực trạng về công tác quy tập mộ và xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, các công trình “Đền ơn đáp nghĩa”, trên cơ sở đó triển khai kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, tôn tạo lại.