Quan tâm tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm
Tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi là một trong những biện pháp phòng bệnh chủ động, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để đảm bảo phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh cao. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai công tác tiêm vắc xin phòng bệnh đúng tiến độ. Sự chủ động thực hiện của hộ chăn nuôi về tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm cũng đóng vai trò quan trọng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.
Đề cập đến công tác chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, Quyền Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cam Lộ Lê Văn Liêm cho biết, năm 2021 ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 6/4/2021, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy tại 1 hộ ở thôn Phú Ngạn, xã Thanh An, sau đó dịch phát sinh và lây lan ra diện rộng. Tính đến ngày 29/9/2021 đã có 304 hộ dân có gia súc mắc bệnh với tổng số 480 con trâu, bò bị bệnh, trong đó có 39 con bò, bê mắc bệnh chết buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng tiêu hủy gần 6.000 kg.
Ngày 29/10/2021, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 1 hộ ở thôn Cam Vũ 3, xã Cam Thủy và 2 hộ ở xã Thanh An làm chết, tiêu hủy 17 con lợn với trọng lượng tiêu hủy 1.651 kg. Tính đến ngày 30/11/2021 bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 22 hộ ở 17 thôn của 6 xã, thị trấn với 296 con lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy, trong đó có 36 lợn nái, 1 đực giống và 259 lợn thịt, tổng trọng lượng tiêu hủy là 20.183 kg.
Ngày 21/8/2021, dịch bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 xảy ra tại một trang trại ở thôn Bản Chùa, xã Cam Tuyền làm chết, tiêu hủy 655 con gia cầm các loại. Được sự chỉ đạo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, UBND huyện, Trạm Chăn nuôi và Thú y kết hợp với UBND xã Cam Tuyền đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm. Đến ngày 12/9/2021, dịch bệnh cúm gia cầm ở xã Cam Tuyền đã được khống chế qua 21 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, tính đến ngày 30/11/2021, toàn huyện đã tiêm vắc xin tụ huyết trùng trâu bò được 5.590 liều, đạt 90% tổng đàn; tiêm vắc xin lở mồm long móng trâu bò được 9.500 liều, đạt 76,4 % tổng đàn; tiêm phòng cho lợn được 41.558 liều, đạt 85% tổng đàn; tiêm vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò được 6.075 liều, đạt 99,7% tổng đàn; tiêm vắc xin cúm gia cầm được 328.000 lượt con/2 vụ. Trong những tháng đầu năm 2022, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tham mưu UBND huyện về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Chuẩn bị triển khai tiêm phòng cho đàn vật nuôi đúng theo kế hoạch của tỉnh và huyện, phấn đấu đạt tỉ lệ bảo hộ 80% trở lên.
Không riêng huyện Cam Lộ, năm 2021, dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Theo thống kê, tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 21.000 con, đàn bò 55.650 con, đàn lợn gần 160.000 con, tổng đàn gia cầm hơn 3.626.000 con. Việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho hộ chăn nuôi phòng tránh dịch bệnh hữu hiệu.
Bước vào năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực chỉ đạo, phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu phấn đấu có 100% xã, phường, thị trấn tổ chức tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Tiêm phòng đúng chủng loại vắc xin, đúng đối tượng gia súc, gia cầm, đạt tỉ lệ cao, tránh thất thoát lãng phí vắc xin, đảm bảo an toàn cho người, động vật trong quá trình tiêm phòng và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Quản lý tốt đàn gia súc, gia cầm. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Chú trọng quản lý, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại thôn, xóm, hộ chăn nuôi.
Theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian tiến hành tiêm phòng cho trâu bò vụ xuân năm 2022 tập trung vào tháng 3, tháng 4, trong đó tháng 3 tiến hành tiêm định kỳ và tiêm vắc xin phòng, chống bệnh lở mồm long móng đợt 1 cho toàn đàn; tháng 4 triển khai tiêm vắc xin phòng, chống bệnh viêm da nổi cục cho toàn đàn. Rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung những nơi tiêm phòng chưa đạt và tiêm mũi 2 cho những bê nghé mới tiêm phòng lần đầu. Các tháng còn lại tiêm phòng bổ sung thường xuyên.
Tập trung tiêm phòng cho toàn đàn lợn trong tháng 3, tháng 4; tiêm phòng cho đàn gia cầm trong tháng 4, tháng 5. Các tháng còn lại tiêm phòng bổ sung cho đàn nuôi mới. Các loại vắc xin khác tổ chức tiêm phòng tất cả các tháng trong năm. Trong vụ thu, vào tháng 8 tập trung tiêm phòng định kỳ và tiêm vắc xin phòng chống bệnh lở mồm long móng đợt 2 cho toàn đàn trâu bò. Tiêm phòng bổ sung thường xuyên trong các tháng còn lại. Đợt 1 tiêm phòng định kỳ toàn đàn lợn trong tháng 7, tháng 8; đợt 2 vào các tháng 11, tháng 12. Tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm vào tháng 9, tháng 10. Các loại vắc xin khác tổ chức tiêm phòng tất cả các tháng trong năm. Các địa phương phấn đấu đạt tỉ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng trên 80% tổng đàn đối với vùng đồng bằng, đạt 80% tổng đàn đối với vùng miền núi. Tỉ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đạt trên 70%.
Để công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả cao, cùng với nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện của ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc của chính quyền địa phương và nhận thức của người dân. Theo đó, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về tỉ lệ tiêm phòng không đạt để dịch xảy ra ở những đàn vật nuôi do không được tiêm phòng các bệnh bắt buộc theo quy định; chú trọng quản lý kinh phí, vắc xin, vật tư, thiết bị cấp về địa phương.
Cam kết sử dụng vật tư, kinh phí, vắc xin theo đúng hướng dẫn và không để thất thoát, lãng phí. Chỉ đạo tiêm phòng theo đúng chủng loại vắc xin, đúng đối tượng gia súc. Đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi và môi trường sinh thái. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép trong các buổi họp dân tại khu dân cư để vận động, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi chấp hành tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo quy định; công khai kế hoạch chi tiết, cụ thể các đợt tiêm phòng, lợi ích và trách nhiệm của người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để Nhân dân tự giác chấp hành.
Lãnh đạo các địa phương cần xem xét đưa công tác tiêm phòng đàn gia súc, gia cầm là một trong những chỉ tiêu để đánh giá, bình xét thi đua cuối năm của địa phương, đơn vị, gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới; kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có đóng góp trong công tác tiêm phòng, đồng thời nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm. Người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, trong đó chú trọng tiêm vắc xin bắt buộc cho gia súc, gia cầm và tiêu độc định kỳ chuồng trại.
Người dân cũng cần biết rằng những hộ chăn nuôi cố tình trốn tránh việc tiêm phòng bắt buộc cho vật nuôi và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sẽ bị xử lý theo quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi và không được xem xét hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước về chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định.