Quan tâm tiêm vắc-xin cho học sinh, sinh viên tỉnh ngoài

Mặc dù cơ quan chức năng đã kết luận, 13 học sinh Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên (Bộ Công Thương) nhập viện các ngày từ 29-8 đến 2-9 không liên quan đến bệnh truyền nhiễm, song thực tế nhiều học sinh của Nhà trường ở tỉnh ngoài chưa tiêm một số loại vắc-xin cần thiết, rất cần sự quan tâm của các cơ sở giáo dục, cũng như ngành Y tế.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên có 40% học sinh tỉnh ngoài, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong số này nhiều em chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin cần thiết, dễ có nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên có 40% học sinh tỉnh ngoài, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong số này nhiều em chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin cần thiết, dễ có nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm.

Còn nhớ, cũng vào dịp 2/9/2023, tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên có 2 học sinh ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 1 em tử vong. Nguyên nhân chính được xác định là do các em chưa được tiêm vắc-xin có thành phần bạch hầu (loại vắc-xin nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia). Chính bởi thế, đã hơn 20 năm Thái Nguyên không có ca bệnh bạch hầu nào thì năm 2023 đã xuất hiện trở lại.

Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên hiện có 1.091 học sinh, được chia thành 56 lớp, với 3 khóa học. 3 năm học gần đây, Nhà trường mở rộng đối tượng tuyển sinh tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc - nơi có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Ngoài 651 em (chiếm 60%) là người Thái Nguyên, số học sinh còn lại đến từ tỉnh ngoài. Trong đó, nhiều nhất là Hà Giang với 215 em; Bắc Kạn 95 em; Cao Bằng 76 em; các tỉnh khác 54 em.

Thạc sĩ Nguyễn Tiến Luật, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Đại đa số học sinh tỉnh ngoài đang theo học ở Trường thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, cần được hỗ trợ về mọi mặt. Nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm và có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin cho trẻ theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (nhất là những năm về trước). Nhiều người vẫn tin, làm theo lời thầy cúng mỗi khi trong gia đình có người ốm đau…

Chính vì thế, sau khi một số em có biểu hiện của các bệnh truyền nhiễm, phải nhập viện, cơ quan y tế đã kiểm tra trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia thì không thấy có tên của các em trong danh sách được tiêm phòng. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.

Trong khi đó, đối với Thái Nguyên, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm đã đạt miễn dịch cộng đồng. Nhờ đó, nhiều loại bệnh như bạch hầu, đậu mùa…, từ nhiều năm nay không có người mắc.

Trở lại với chùm ca bệnh tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên, sau khi một số em có một hoặc một vài biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, các bác sĩ đã lấy mẫu gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Trong thời gian chưa có kết quả, ngành Y tế và Nhà trường đã thực hiện biện pháp cách ly đối với hơn 200 học sinh sống trong khu vực ký túc xá. Đồng thời tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ 3 khu ký túc xá K1, K2, K3 và khu vực nhà ăn tập thể; cung cấp suất ăn tại phòng và theo dõi sức khỏe cho toàn bộ học sinh…

Ngoài ra, Nhà trường cũng lùi ngày khai giảng so với kế hoạch (để đợi kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của cơ quan chuyên môn)… Thực tế này, cùng với những gì chúng ta đã phải trải qua trong 3 năm chống dịch COVID-19 đã cho thấy những vất vả, tốn kém, bất tiện… khi dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện hoặc nghi ngờ có thể xảy ra.

Đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế, cho rằng: Trong những năm gần đây, một số trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh tuyển sinh ngày càng nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa - nơi có tỷ lệ người dân tiêm chủng các loại vắc xin thấp. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho các cháu, cũng như không để lây truyền bệnh cho cộng đồng, các trường cần quan tâm khai thác tiền sử việc tiêm chủng của học sinh, để có biện pháp phối hợp với ngành Y tế tổ chức tiêm cho những trường hợp chưa được tiêm hoặc tiêm không đầy đủ, tránh tình trạng các cháu không may nhiễm dịch ở các tỉnh khác mà nhà trường và ngành Y tế không nắm được.

Năm học mới đã bắt đầu, thời tiết giao mùa có sự chênh lệch đáng kể nhiệt độ giữa ngày và đêm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Chính vì thế, việc làm tốt công tác phòng chống và thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của ngành Y tế, của gia đình, nhà trường cũng như từ chính các em là rất cần thiết.

Hy vọng rằng, qua một số vụ việc xảy ra trong thời gian qua, các cấp ngành chức năng cũng như mỗi nhà trường, gia đình sẽ quan tâm hơn đến việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho các em dù đó là bậc học nào.

Thu Hằng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202409/quan-tam-tiem-vac-xin-cho-hoc-sinh-sinh-vien-tinh-ngoai-a441361/