Quan tâm trò chuyện cùng học sinh để xóa bỏ dư âm của nghỉ Tết
Ngay từ buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, thầy cô quan tâm trò chuyện cùng học trò để tháo gỡ những khó khăn khi bắt nhịp lại việc học.
Ngày 15/2, nhiều tỉnh thành đã chính thức cho học sinh phổ thông, trẻ mầm non đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong buổi học đầu tiên, mỗi nhà trường đều có những cách làm riêng để chào đón và gia tăng tính gắn kết giữa thầy cô với học trò, từ đó tạo động lực phấn đấu học tập.
Tại cổng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngay từ sớm, ban giám hiệu nhà trường đã có mặt để chúc mừng năm mới, tặng những phong bao lì xì may mắn cho hơn 1.000 học sinh của trường.
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Hồng chia sẻ, dù giá trị mỗi lì xì không lớn nhưng là niềm động viên, khích lệ của cô dành cho các trò. Khi thấy cô chào đón tận cổng kèm lời hỏi han ân cần, các em đều tỏ ra vui mừng, cúi chào và chúc lại các cô thật nhiều sức khỏe, xinh đẹp và thành công trong công việc.
Trước khi nghỉ Tết, nhà trường đã tiến hành khảo sát ba môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh cho học sinh khối 9. Thầy cô cũng chấm chữa bài đầy đủ và dặn dò các em chú tâm ôn tập để cuối tháng 2 lại có bài kiểm tra. Việc này được duy trì qua từng tháng và làm vào các buổi chiều ngoài giờ chính khóa, thầy cô chịu khó ra đề - trông thi - chấm thi như vào 10.
Cô Vân Hồng khẳng định, nhờ làm tốt việc này nên khi đi học lại, các em học hành nghiêm túc, không để dư âm của nghỉ Tết kéo dài mãi mà cần bắt ngay vào nhịp học tập của cả cô và trò. Ngoài ra, công tác bán trú được chú trọng ngay từ ngày học đầu tiên. Nhà trường thay đổi thực đơn linh hoạt, các em sẽ ăn bánh mì sốt vang để đổi bữa sau những ngày ăn bánh chưng Tết ở nhà.
Nằm ở địa bàn vùng núi, thầy Nguyễn Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Thượng Tiến (Kim Bôi, Hòa Bình) cho biết, nhà trường đã thông báo tới phụ huynh đầy đủ các nội dung trước, trong và sau khi học sinh nghỉ Tết cũng như thời gian quay trở lại học của học sinh.
Khi đi học trở lại sau Tết, giáo viên nên chuẩn bị tốt kế hoạch giảng dạy cho bài học mới; trao đổi với đồng nghiệp và ban giám hiệu nhà trường về các vấn đề liên quan đến công việc. Thầy cô dành thời gian để trò chuyện với học sinh và tìm hiểu về tình hình học tập của các em gặp khó khăn trong quá trình học.
Giáo viên cần quan tâm đến đời sống tinh thần của học sinh và giúp đỡ các em giải quyết những khó khăn trong học tập và cuộc sống; thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn và đổi mới phương pháp giảng dạy.
Đối với học sinh, thầy Nguyễn Văn Hoàng lưu ý các em nên điều chỉnh lại giờ đi ngủ, ngủ đủ giấc và ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe. Học sinh nên có tâm lý thoải mái và vui vẻ khi đi học trở lại. Cần chia sẻ với gia đình và bạn bè nếu gặp khó khăn về mặt tâm lý.
Bên cạnh đó, các em cần ôn lại kiến thức đã học trước khi nghỉ Tết; tập trung cao độ khi học bài và làm bài tập. Trao đổi với giáo viên và bạn bè nếu gặp khó khăn trong học tập. Khi tham gia giao thông phải đảm bảo đủ an toàn, tuyệt đối không tàng trữ, sử dụng pháo nổ...
Ở Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) cũng có rất đông phụ huynh đưa trẻ tới lớp. Chị Nguyễn Thị Chanh, phụ huynh lớp 4T-B4 chia sẻ: "Do bận công việc nên vợ chồng tôi cho con đi học ngay từ buổi đầu tiên của năm mới để duy trì nền nếp sinh hoạt trên lớp. Ở nhà nghỉ Tết một tuần nên giờ giấc ăn ngủ của cháu bị xáo trộn. Tới lớp được các cô mừng tuổi và cho chơi trò chơi nên cháu rất vui".