Quan tâm, tư vấn tâm lý khi học sinh đi học trở lại
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải chuyển từ hình thức học trực tiếp sang học trực tuyến. Suốt một thời gian dài, học sinh không được giao tiếp, gặp gỡ bạn bè, thiếu tương tác với thầy giáo, cô giáo, ít vận động, nhiều cha mẹ học sinh lo lắng con em mình gặp các vấn đề về tâm lý.
Chị Phạm Bích Hường, có con năm nay vào lớp 10 Trường THPT M.V Lô-mô-nô-xốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: Giai đoạn chuyển cấp đúng thời điểm giãn cách xã hội cho nên mọi hoạt động làm quen với bạn bè và thầy, cô giáo mới của con hoàn toàn qua hình thức trực tuyến. Trong khi đó, bố mẹ đi làm cả ngày, chỉ có buổi tối được gặp gỡ, trò chuyện cho nên con từ một cô gái với tính cách sôi nổi, hay tham gia vào các hoạt động tập thể của lớp, nhà trường, nay trở nên khép kín, ngại giao tiếp. Cùng chung nỗi lo lắng với chị Hường, chị Nguyễn Thu Lan có hai cậu con trai đang học Trường tiểu học Quang Trung (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: Thời gian gần đây, các con thường xuyên mất tập trung trong giờ học trực tuyến và liên tục đòi đến lớp, đôi lúc còn chống đối với việc học, nếu kéo dài việc học trực tuyến e rằng tâm lý các con sẽ bất ổn.
Cô giáo Phan Thị Tuyết, giáo viên dạy lớp 3 Trường tiểu học Dân Tiến (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết: Dù học trực tuyến hay trực tiếp thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng. Việc tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử, thiếu tương tác thực tế với thầy cô, bạn bè khiến trẻ trở nên ngại giao tiếp. Hiểu rõ điều này, trong mỗi giờ giải lao, cô giáo thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, hỏi han, tổ chức các trò chơi để không khí học tập trở nên sôi nổi, qua đó, cô và trò cũng hiểu nhau hơn. Ngoài ra, nhà trường cũng lên kế hoạch khi học sinh quay lại trường học, giáo viên sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm thú vị để kéo học sinh trở lại trạng thái bình thường.
Theo PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), ở nhà quá lâu vì dịch, trẻ từ ba đến sáu tuổi tiếp cận thiết bị điện tử nhiều dễ dẫn đến các hành vi thái quá; trẻ sáu đến 12 tuổi sử dụng thiết bị điện tử nhiều cũng dễ có cảm xúc tiêu cực. Học sinh có nguy cơ bị tổn thương sức khỏe sau khi quay lại trường do phải đối diện quãng thời gian dài mắc kẹt trong không gian chật chội, bạo lực gia đình... Khi đến trường, có thể trẻ sẽ có những dấu hiệu như dễ khóc, dễ thay đổi tâm trạng, hay lo lắng, buồn bã, mệt mỏi. Vì vậy, trước khi trở lại trường, cha mẹ nên chuẩn bị cho con một thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường, thiết lập lại lịch ăn, ngủ phù hợp. Đồng thời, cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường để trẻ sẵn sàng tâm lý chuyển từ trạng thái học trực tuyến sang học trực tiếp.
PGS, TS Phạm Mạnh Hà, Trưởng bộ môn Giáo dục và Phát triển cộng đồng (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) thì chia sẻ, học sinh chịu tác động dịch Covid-19 có thể có biểu hiện suy giảm trí nhớ, khó tiếp thu bài học, căng thẳng, lo âu. Ngoài ra, học trực tuyến trong thời gian dài thiếu vắng sự tương tác trực tiếp với giáo viên, học sinh dễ chán nản, không có hứng thú học tập. Vì vậy, khi học sinh quay trở lại trường học, giáo viên cùng phối hợp với cha mẹ học sinh để cùng theo dõi những dấu hiệu căng thẳng ở học sinh để chia sẻ, động viên kịp thời, đưa các em tham gia ngay vào những hoạt động tập thể. Ngoài ra, các trường cần giảm tải, nới lỏng, ưu tiên các hoạt động giao lưu để trẻ dần thích ứng với học trực tiếp.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh trong thời gian không thể đến trường. Các em vừa phải trải qua thời gian biến chuyển tâm sinh lý, vừa phải làm quen với việc chuyển đổi từ hình thức học trực tiếp sang gián tiếp, nhiều em có điều kiện kinh tế gia đình trở nên khó khăn hơn, thậm chí có em còn mất cha mất mẹ do dịch bệnh dẫn đến những sang chấn tâm lý là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, các cơ sở giáo dục khi chuyển trạng thái dạy học từ trực tuyến sang trực tiếp phải có kế hoạch tư vấn tâm lý cho học sinh nhằm giảm những tác động tiêu cực có thể xảy ra, góp phần xây dựng môi trường trường học an toàn, thân thiện. Việc tư vấn tâm lý cho các em cần quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống nhằm tăng ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử, hoàn thiện nhân cách học sinh.