Quan tâm xây dựng đội ngũ nhân viên thú y cơ sở

Hiện nay, nhân viên thú y trở thành người hoạt động không chuyên trách và ký hợp đồng trực tiếp với chính quyền xã, được quy định nhiệm vụ, tiêu chuẩn, phụ cấp giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Hiện nay, nhân viên thú y trở thành người hoạt động không chuyên trách và ký hợp đồng trực tiếp với chính quyền xã, được quy định nhiệm vụ, tiêu chuẩn, phụ cấp giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Từ thực tiễn ở Chuyên Ngoại

Xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên) chính thức ký hợp đồng với nhân viên thú y làm việc theo chức danh không chuyên trách từ đầu năm 2022. Xã lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn nắm rõ địa bàn, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tế để ký hợp đồng.

Ông Phạm Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại cho biết: Từ khi có nhân viên thú y hoạt động theo chức danh không chuyên trách do xã trực tiếp quản lý thuận lợi hơn rất nhiều, giúp địa phương chủ động giao nhiệm vụ cũng như kiểm tra kết quả thực hiện quản lý chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh.

Được biết, chăn nuôi của xã Chuyên Ngoại phát triển khá tốt trong những năm gần đây, với đa dạng các đối tượng vật nuôi, như: Bò sữa, bò thịt, lợn, gia cầm… Chỉ tính riêng đàn lợn của xã đã lên đến gần 17 nghìn con, với khoảng 1.300 lợn nái. Do vậy, công tác quản lý chăn nuôi và phòng chống dịch, bệnh luôn cần được quan tâm. Đầu năm 2022 xã giao cho nhân viên thú y cơ sở tham mưu xây dựng các kế hoạch về thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1, kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vụ xuân, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tái phát trở lại tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn…

Từ những nhiệm vụ được giao, các hoạt động về chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn xã được bảo đảm. Cụ thể, Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng được thực hiện hiệu quả qua việc duy trì phun hóa chất khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chăn thả, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm 1 lần/tuần. Đồng thời, nhân viên thú y tuyên truyền, vận động người dân mua thêm hóa chất, vôi bột khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trong hộ gia đình.

Anh Nguyễn Quốc Huy, nhân viên thú y xã Chuyên Ngoại chia sẻ: Từ khi trở thành người hoạt động không chuyên trách ở xã, tôi được tham gia các cuộc họp về sản xuất nông nghiệp do địa phương tổ chức. Nhờ đó, giúp tôi nắm bắt được đầy đủ những thuận lợi, khó khăn tại từng thôn xóm; đồng thời, tiếp nhận chỉ đạo của chính quyền địa phương kịp thời. Từ đó, chủ động tham mưu và triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao. Về chuyên môn, tôi thường xuyên nhận được chỉ đạo từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn bò sữa xã ở Nguyên Lý (Lý Nhân).

Tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn bò sữa xã ở Nguyên Lý (Lý Nhân).

Quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của nhân viên thú y không chuyên trách

Việc bố trí chức danh không chuyên trách đối với nhân viên thú y đang được nhiều xã trong tỉnh thực hiện nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 14/2021/NQ-HĐND ngày 14/10/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định 39/2021/QĐ-UBND ngày 17/11/2021 của UBND tỉnh về việc quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; chức danh, mức phụ cấp, hỗ trợ đối với người thực hiện nhiệm vụ khác ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, hoạt động của thôn, tổ dân phố và một số chế độ, chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Trong đó, nhân viên thú y được xác định là chức danh không chuyên trách cấp xã.

Tại các địa phương, việc triển khai thực hiện nghị quyết đã quy định rõ vị trí, nhiệm vụ, tiêu chuẩn của nhân viên thú y. Theo đó, đây là người thực hiện nhiệm vụ về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y (bao gồm cả thú y cho thủy sản); chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp xã; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp cấp trên (huyện, thị xã, thành phố).

Nhân viên thú y tham gia xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển và chuyển đổi cơ cấu vật nuôi; tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách và chuyên môn nghiệp vụ về chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thú y; tổng hợp, xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi hằng năm; hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất, thực hiện các biện pháp kỹ thuật về chăn nuôi, thú y. Cùng với đó, tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình chăn nuôi, dịch bệnh; đề xuất, hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh, chữa bệnh cho động vật theo kế hoạch…

Về tiêu chuẩn của nhân viên thú y được quy định có trình độ từ trung cấp trở lên của một trong các chuyên ngành: Thú y, chăn nuôi thú y, chăn nuôi, bệnh học thủy sản, nuôi trồng thủy sản; có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm… Mức phụ cấp của nhân viên thú y theo chức danh không chuyên trách 1.490.000 đồng/tháng.

Thực tế, sau khi triển khai thực hiện theo chức danh không chuyên trách tại các địa phương, hiệu quả hoạt động của nhân viên thú y cơ sở được ghi nhận khá tốt. Tại thị xã Duy Tiên, 100% số xã, phường đã ký hợp đồng với nhân viên thú y theo chức danh không chuyên trách. Quá trình ký hợp đồng, địa phương đã sàng lọc, lựa chọn theo đúng tiêu chuẩn quy định vừa bảo đảm công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh phát triển đàn vật nuôi trên địa bàn, vừa giúp phát huy tốt năng lực sở trường của nhân viên thú y không chuyên trách.

Còn tại huyện Lý Nhân, khi nhân viên thú y được xã trực tiếp quản lý, hiệu quả công việc được nâng lên đáng kể. Chẳng hạn như trong việc triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cho động vật vụ xuân 2022 đã bám sát hơn với tình hình thực tế tại cơ sở. Điển hình, số lượng vắc-xin đăng ký tiêm phòng tăng lên so với những đợt tiêm phòng trước.

Theo ông Trần Văn Niềm, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Lý Nhân, khi nhân viên thú y cơ sở được địa phương quản lý rất thuận tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nhân viên thú y phối hợp chặt chẽ với các thôn trong việc quản lý chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh. Về phía trung tâm dịch vụ nông nghiệp, có điều kiện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật chăn nuôi, thú y.

Ông Đỗ Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Việc nhân viên thú y do địa phương trực tiếp lựa chọn, ký hợp đồng và quản lý theo chức danh không chuyên trách thuận lợi cho quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, cần có sự xác nhận của phòng quản lý cấp huyện, thành phố, thị xã, Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Đây là điều kiện để có sự chỉ đạo thống nhất, đầy đủ về chuyên môn của cơ quan chức năng.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/quan-tam-xay-dung-doi-ngu-nhan-vien-thu-y-co-so-61697.html