Quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên

Hiện nay, ngành giáo dục vẫn phải đối diện với “bài toán” nan giải về thiếu giáo viên và sự thừa-thiếu giáo viên mang tính cục bộ. Song, với sự quan tâm từ nhiều phía đã hỗ trợ tích cực cho ngành trong việc giải quyết từng bước thực trạng này, góp phần ổn định đội ngũ bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ năm học.

Thực tế ở tỉnh ta cho thấy, mặc dù quy mô trường lớp nhỏ, nhưng số học sinh luôn có xu hướng tăng, có năm tăng đột biến. Cùng với đó, ở tại một số trường học có quy mô nhỏ, giáo viên các môn, như: Âm nhạc, Mĩ thuật, Tin học… không đủ định mức giờ dạy, nhưng có trường lại thiếu, thậm chí không có giáo viên bộ môn đó. Trong khi định mức biên chế đã được cân đối trên cơ sở quy mô của từng địa bàn các huyện, thị xã, thành phố nên đã làm nảy sinh tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ.

Mỗi tiết học của giáo viên Trường THCS Nguyễn Khuyến (Bình Lục) là một sự sáng tạo về phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục.

Mỗi tiết học của giáo viên Trường THCS Nguyễn Khuyến (Bình Lục) là một sự sáng tạo về phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục.

Khó khăn đặt ra nhiều hơn, cần có biện pháp giải quyết tích cực hơn tình trạng thiếu giáo viên. Cụ thể, trong năm học này, toàn tỉnh thiếu tới hơn 1.800 giáo viên các cấp. Được biết, với sự gia tăng tỉ lệ trẻ em ở độ tuổi đến trường và sự phát triển mạnh mẽ các khu dân cư, khu công nghiệp, số lớp học lại tăng mạnh vào các năm học sau đó nên việc thiếu giáo viên trở thành những áp lực đối với không ít địa phương. Cộng thêm thực tế hằng năm đều có một số lượng giáo viên nghỉ hưu, nghỉ chế độ thai sản, chuyển trường, giáo viên nghỉ làm… khiến cho nhiều trường, nhiều địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong bố trí, sắp xếp đội ngũ. Và, việc thiếu giáo viên càng trở nên “căng” hơn vào những năm học có số học sinh tăng đột biến…

Trong khi chờ đợi được bổ sung giáo viên, nhiều địa phương, trường học đang phải thực hiện một số giải pháp tình thế, như: duy trì sĩ số học sinh/lớp cao hơn quy định; phân công, điều động giáo viên về nơi thiếu nhiều, biệt phái giáo viên theo năm học... Tuy vậy, việc bảo đảm tỉ lệ tối đa 2,5 giáo viên/nhóm trẻ đối với những nơi bố trí đủ số trẻ tối đa theo nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo; 1,5 giáo viên/lớp đối với cấp tiểu học; 1,9 giáo viên/lớp đối với cấp THCS theo quy định không dễ thực hiện.

Căn cứ theo nhu cầu thực tế, hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện rà soát lại tình hình đội ngũ và nhu cầu thực tế của các địa phương để sớm có chỉ đạo phù hợp nhằm ổn định đội ngũ giáo viên cho từng năm học. Theo đó, công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục trong nhiều năm qua được tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, thực hiện thường xuyên, kịp thời bổ sung giáo viên đủ so với biên chế được giao. Việc phân cấp về thẩm quyền tuyển dụng cho Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động và nâng cao vai trò trách nhiệm trong tổ chức thực hiện tuyển dụng và trong công tác sử dụng viên chức sau khi được tuyển dụng.

Việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục đã được quan tâm triển khai thống nhất, đồng bộ trong toàn tỉnh, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên trúng tuyển bảo đảm tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của vị trí việc làm tuyển dụng. Công tác tuyển dụng được tổ chức thường xuyên, tuyển đủ số lượng giáo viên so với biên chế được giao.

Ông Ngô Xuân Hùng, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (Sở GD&ĐT) cho biết: Bộ GD&ĐT cũng đã có Văn bản số 3585/BGDĐT ngày 02/8/2022 về triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW gửi UBND các tỉnh, trong đó có nội dung đề nghị khẩn trương tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông trong biên chế bổ sung năm học 2022-2023, ưu tiên tuyển giáo viên những môn học mới để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018. Những môn học đặc thù, như Tiếng Anh, Tin học, đội ngũ hiện có cơ bản bảo đảm về số lượng và chất lượng; nhu cầu giáo viên sẽ tăng dần theo lộ trình thực hiện chương trình mới, sẽ được bổ sung qua các kỳ tuyển dụng tiếp theo. Hiện nay, Sở GD&ĐT đang tổ chức rà soát để có dữ liệu cụ thể, trên cơ sở đó phối hợp với Sở Nội vụ có giải pháp phù hợp, tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo công tác tuyển dụng bảo đảm chỉ tiêu, chất lượng giáo viên.

Và, mặc dù so với định mức giáo viên/lớp, so với quy mô trường, lớp và nhu cầu thực tế của từng cấp học, hiện toàn tỉnh vẫn còn thiếu nhiều giáo viên, nhưng cơ cấu giáo viên theo môn dần được điều chỉnh qua các kỳ tuyển dụng, đến nay đã cơ bản khắc phục được tình trạng môn thừa, môn thiếu, bất hợp lý về cơ cấu giáo viên giữa các môn ở các cấp học. Các chủ trương của tỉnh về công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục đã kịp thời tạo điều kiện cho các địa phương ổn định quy mô trường lớp giáo dục; khắc phục những bất cập về chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, quản lý giáo dục, tạo tâm lý phấn khởi để họ yên tâm công tác. Về phía ngành giáo dục, dù chưa thực hiện bảo đảm được đồng bộ về cơ cấu giáo viên, nhưng do bám sát được nhu cầu thực tế về cơ cấu bộ môn để xây dựng kế hoạch tuyển dụng nên sau mỗi kỳ tuyển dụng giáo viên được tổ chức, nỗi lo và áp lực thiếu giáo viên đã giảm đi rất nhiều.

Một buổi tập huấn sử dụng SGK theo chương trình GDPT 2018 của giáo viên thành phố Phủ Lý

Một buổi tập huấn sử dụng SGK theo chương trình GDPT 2018 của giáo viên thành phố Phủ Lý

Xác định rõ tầm quan trọng của người thầy đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhiều năm qua, ngành giáo dục Hà Nam đã quan tâm đặc biệt tới việc nâng cao chất lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên có đầy đủ phẩm chất, năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, về những giải pháp trọng tâm mà ngành đã và đang thực hiện cho mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên “vừa hồng vừa chuyên”.

Xác định đội ngũ là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới và phát triển giáo dục toàn diện, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ, nhất là đội ngũ giáo viên luôn được đặt lên hàng đầu.

Ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng GD&ĐT TP Phủ Lý cho biết: Từ nhiều năm nay, ngành giáo dục thành phố đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Tất cả các giáo viên có nhu cầu, nguyện vọng học tập nâng cao trình độ đều được tạo điều kiện tham gia đầy đủ. Ngành cũng chỉ đạo các nhà trường linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ dạy thay các giáo viên đi học. Hằng năm, số giáo viên đăng ký theo học, tham gia các lớp bồi dưỡng về chức danh nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ... tương đối cao, góp phần đưa tỉ lệ cán bộ, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn của thành phố lên mức trên 90%.

Tại tất cả các trường học trên địa bàn thành phố, việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo định kỳ 2 lần/tháng được duy trì nền nếp và được đánh giá đạt hiệu quả tích cực, khắc phục được tính hình thức trong sinh hoạt chuyên môn, tạo thêm cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và tích lũy những kỹ năng sư phạm, kỹ năng giáo dục học sinh cần thiết cho giáo viên. Bên cạnh đó, các cuộc thi giáo viên dạy giỏi được tổ chức thường niên đã tạo “sân chơi” tích cực, thu hút đông đảo giáo viên các cấp học tự khẳng định năng lực bản thân, đồng thời được trải nghiệm và ứng xử với các tình huống giáo dục đặt ra hiện nay. Hàng trăm giáo viên được công nhận là giáo viên giỏi các cấp mỗi năm đã phần nào khẳng định được chất lượng đội ngũ hiện nay.

Việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên lâu nay cũng trở thành một trong những mục tiêu quan trọng được các cấp, ngành và nhiều địa phương tập trung thực hiện. Ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh, trên cơ sở bám sát các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đối với giáo dục, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm xây dựng nhiều chính sách cho phát triển sự nghiệp GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn; định hướng cho ngành giáo dục những giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phục vụ đổi mới phương pháp dạy học và đạt các tiêu chí về chuẩn ở mức độ cao.

Thực tế cho thấy, thông qua việc đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, năng lực dạy học cũng như năng lực giáo dục và những năng lực khác theo yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên, yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục của đội ngũ đã được cải thiện rõ nét, góp phần quan trọng cho sự phát triển giáo dục của địa phương. Trong báo cáo đánh giá về đội ngũ mới đây của Sở GD&ĐT cho thấy, nhìn chung, đội ngũ giáo viên của tỉnh ta có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, năng động, sáng tạo và có tinh thần học tập tích cực để nâng cao nhận thức, trình độ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới GD&ĐT trong giai đoạn hiện nay. Trình độ của giáo viên ngày càng được nâng lên, đáp ứng quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo theo Luật Giáo dục năm 2019.

Giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt (Kim Bảng) chủ động tự học, tự đổi mới phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với thực tế.

Giáo viên Trường THPT Lý Thường Kiệt (Kim Bảng) chủ động tự học, tự đổi mới phương pháp dạy học tích cực, phù hợp với thực tế.

Hiện nay, toàn ngành đang nỗ lực thực hiện đổi mới giáo dục, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn và giáo viên chính là những người trực tiếp triển khai, thực hiện những yêu cầu đổi mới này. Để góp phần giúp đội ngũ giáo viên đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ GD&ĐT, thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp cho mục tiêu từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ, như: tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về lĩnh vực GD&ĐT; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành; chú trọng tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi nhanh tư duy và nhận thức của đội ngũ về sự cần thiết phải đổi mới GD&ĐT, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động dạy học.

Theo Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT”, toàn ngành tập trung giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo; nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, thực hiện bố trí, sắp xếp đội ngũ đúng với chuyên môn nghiệp vụ, năng lực công tác đáp ứng tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên; thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp và hình thức tổ chức giảng dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá. Chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục tích cực đổi mới các hoạt động chuyên môn, như: đa dạng hóa hình thức sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, tổ chức hội giảng, hội thảo theo cụm trường, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, công tác thông qua mạng Internet...

Bên cạnh đó, ngành còn rất coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức nhà giáo cho đội ngũ toàn ngành. Căn cứ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn các chức danh quản lý và nội quy, quy chế làm việc, quy định về đạo đức nhà giáo… ngành đã có sự đánh giá thường xuyên chất lượng đội ngũ với các yêu cầu cao về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng và hiệu quả công tác, có biện pháp ngăn chặn những biểu hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Các nhà trường vận động đội ngũ nhà giáo tích cực thực hiện các cuộc vận động do ngành phát động và triển khai thực hiện nhiều năm qua, như: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” với mục đích khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ toàn ngành.

Đội ngũ nhà giáo phấn đấu vừa có trình độ, chuyên môn vững vàng, vừa có tư cách đạo đức tốt là tấm gương cho các thế hệ học sinh noi theo.

Đội ngũ nhà giáo phấn đấu vừa có trình độ, chuyên môn vững vàng, vừa có tư cách đạo đức tốt là tấm gương cho các thế hệ học sinh noi theo.

Trong năm học 2022- 2023 và các năm tiếp theo, Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo, nhằm tạo chuyển biến hành vi theo chuẩn mực đạo đức của đội ngũ nhà giáo. Trong kế hoạch xây dựng đội ngũ, ngành chủ động triển khai công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ theo lộ trình phù hợp để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018; bồi dưỡng đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; chỉ đạo các nhà trường duy trì kỉ cương, nền nếp hoạt động, thực hiện tốt công tác đánh giá, phân loại công chức, viên chức, đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp giáo viên, công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật, nhân rộng điển hình tiên tiến... Từ đó, phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực của các cán bộ quản lý và giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với đó, ngành thực hiện nghiêm chính sách tinh giản biên chế; công tác đánh giá cán bộ, giáo viên được thực hiện theo hướng căn cứ vào kết quả, hiệu quả công tác, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, chính xác, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên không đủ phẩm chất, năng lực, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ toàn ngành.

Nội dung: Thanh Hà

Ảnh: Thanh Hà

Thiết kế: Quốc Khánh

www.baohanam.com.vn

165

06:12 21/11/2022

bình luận

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/e-magazine/quan-tam-xay-dung-phat-trien-doi-ngu-giao-vien-85991.html