Quận Tây Hồ cần quan tâm quản lý giao thông đô thị bằng nền tảng số
Tiếp tục giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông, đô thị, chiều 8-11, Đoàn giám sát số 2 của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã làm việc với quận Tây Hồ về nội dung trên.
Cấp phép trông giữ phương tiện đối với 10 vị trí
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Hoàng Tuấn Anh, trên địa bàn quận có 40 tuyến đường (11 tuyến xung quanh hồ Tây) được đặt tên. Thời gian qua, UBND quận thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban, ngành, UBND các phường thuộc quận phối hợp, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tuân thủ thực hiện nghiêm các chỉ đao của thành phố trong công tác bảo đảm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Trong đó, chú trọng tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục các quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị.
Bên cạnh đó, quận cũng thực hiện giải tỏa việc chiếm dụng hè phố, lòng đường kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép; “chợ cóc", “chợ tạm", hàng quán, bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị. Tích cực xử lý các phương tiện dừng, đỗ trái quy định trên hè phổ, dưới lòng đường; ô dù, biển quảng cáo, rao vặt trái phép; lều quán, mái che, mái vẩy, bục bệ, cầu dẫn không đúng quy định; vi phạm hành lang an toàn bảo vệ đê, lưới điện... thu nộp ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng.
Hiện nay, theo phân cấp quản lý, UBND quận cấp giấy phép tạm thời sử dụng hè đường để các đơn vị có chức năng thực hiện việc trông giữ phương tiện tại các tuyến đường, phố trên địa bàn với 10 vị trí. UBND quận cũng đã ban hành các kế hoạch ra quân giải tỏa lấn chiếm hè phố, lòng đường... Qua kiểm tra, các đơn vị được UBND quận cấp phép tạm thời sử dụng hè đường để trông giữ phương tiện cơ bản đảm bảo các điều kiện được quy định.
Về công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, thời gian qua, UBND quận Tây Hồ đều thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy trình, đúng chế độ chính sách. Đến nay, một số dự án xây dựng, cải tạo đã thực hiện xong như: Tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây, tuyến đường ngõ 124 Âu Cơ (nay là phố Tứ Liên), tuyến đường ngõ 45 Võng Thị, ngõ 612 Lạc Long Quân, cải tạo vệ sinh môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê, cải tạo nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu (hoàn thành trong năm 2023).
Cùng với đó, một số dự án đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng như: Xây dựng vườn hoa cây xanh xung quanh khu vực hồ Thủy Sứ dưới; dự án xây dựng ngõ 254 Thụy Khuê, dự án cải tạo vệ sinh môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê, dự án cải tạo môi trường hồ Tứ Liên, dự án xây dựng tuyến đường ngõ 343 An Dương Vương.
Nên phát triển giao thông xanh ở khu vực ven hồ Tây
Tại buổi giám sát, đại biểu HĐND thành phố trao đổi, đề nghị UBND quận Tây Hồ và các sở, ngành liên quan làm rõ thêm về những khó khăn, vướng mắc hiện tại đối với công tác GPMB; công tác tuyên truyền vận động và hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, phát triển đô thị; công tác hoàn thiện đầu tư hạ tầng giao thông, các bãi đỗ xe; công tác quản lý giao thông với những biện pháp mạnh nhằm đưa trật tự giao thông ổn định, thông thoáng.
Đặc biệt, một số đại biểu cũng đề xuất UBND quận cần quản lý công tác giao thông đô thị bằng nền tảng số; phát triển giao thông xanh ở khu vực ven hồ Tây; phát huy lợi thế giao thông thủy để phát triển du lịch kết hợp với tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn của quận; quy hoạch chi tiết các tuyến phố, nâng thành các tuyến phố kiểu mẫu...
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên nhấn mạnh, Tây Hồ là quận nằm ở phía Tây Bắc trung tâm Thủ đô Hà Nội, đã được phủ kín bởi các quy hoạch phân khu đô thị. Hiện nay, thành phố đang triển khai nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát triển 5 trục không gian chính, gồm: Trục không gian sông Hồng, trục không gian hồ Tây - Ba Vì, trục không gian hồ Tây - Cổ Loa, trục Nhật Tân - Nội Bài, trục không gian phía Nam. Theo đó 4/5 trục không gian chính đều có liên quan đến quận Tây Hồ, vì thế đơn vị được HĐND thành phố chọn giám sát trực tiếp.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên ghi nhận những kết quả đạt được của quận Tây Hồ, như việc kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; quan tâm, chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông bằng nhiều hình thức đa dạng; thực hiện tốt các quy định trong việc tổ chức trông giữ phương tiện tại hè phố, lòng đường...
Tuy nhiên, theo Trưởng đoàn giám sát, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại, nhiều nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra như: Việc triển khai thực hiện quy hoạch đô thị còn chậm; tình trạng vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh buôn bán; phương tiện dừng đỗ sai quy định trên các tuyến phố vẫn còn diễn ra...
Từ những tồn tại nêu trên, Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND quận Tây Hồ chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, cơ chế, đề xuất, báo cáo kịp thời với UBND thành phố để chỉ đạo giải quyết. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch, lộ trình để từng bước tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, đúng thời gian và quy định.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên đề nghị quận Tây Hồ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng trong công tác quản lý nhà nước đối với các đơn vị, phòng, ban, ngành của quận, UBND các phường để chỉ đạo toàn diện, thống nhất; gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm tạo chuyển biến tích cực trong chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đô thị.