Quán tính 'trẻ' trong nghệ thuật Việt đương đại

Nếu thế hệ trước đây làm nghệ thuật để thực hiện một chức năng mang tính mục đích luận nào đó, thì thế hệ sáng tạo trẻ ngày nay tìm kiếm sự tự do trong sáng tạo, phản tư nội tâm và đối thoại với bản thể.

Trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12.11.2021, đã nhấn mạnh chú trọng phát triển tài năng trẻ như là một trong những nhiệm vụ cốt lõi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả văn hóa. Để thực hiện nhiệm vụ với tính chất “từ trên xuống” này, không thể không nhận thấy có một sự chuyển dịch “từ dưới lên” trong quan niệm thẩm mỹ và sáng tạo của một tầng lớp “trẻ” trong nghệ thuật Việt đương đại.

Mỹ thuật đương đại Việt – đa dạng hóa cái nhìn

Nghệ thuật Việt, hay cụ thể hơn, mỹ thuật đương đại Việt thường được quan niệm bắt đầu kể từ năm 1986 với mốc là Đổi mới, khi tình trạng bao cấp kinh tế và một phần bao cấp tư tưởng được xóa bỏ.

Tuy nhiên, việc sử dụng Đổi mới như một chỉ báo bao trùm về một cuộc cải cách nghệ thuật và tạo nên “mỹ thuật đương đại Việt Nam” đã bị chất vấn, thay vào đó, Đổi mới được gắn với bối cảnh toàn cầu hóa để xác lập thuật ngữ “mỹ thuật Việt Nam hậu-Đổi mới” trong phần kỳ lịch sử nghệ thuật (Taylor & Corey, 2019). Không thể phủ nhận Đổi mới và mở cửa đã tạo ra một lớp các họa sĩ mới thuộc mọi lứa tuổi, sống bằng nghề của chính mình mà không nằm trong biên chế thuộc một cơ quan nhà nước nào cả (Đỗ Lai Thúy, 2010).

Nhóm Gang of Five gồm Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương và Phạm Quang Vinh đã phát triển thực hành nghệ thuật và xác lập tên tuổi trong giai đoạn chuyển giao nửa sau thập niên 80, tức Hậu-Đổi mới. Nguồn: TL

Nhóm Gang of Five gồm Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa, Trần Lương và Phạm Quang Vinh đã phát triển thực hành nghệ thuật và xác lập tên tuổi trong giai đoạn chuyển giao nửa sau thập niên 80, tức Hậu-Đổi mới. Nguồn: TL

Rõ ràng, những họa sĩ này đã có một sự phân ly khỏi mỹ thuật chính thống trước đó, nhất là hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa, đặc biệt vào thập niên 1990. Hiện diện một sự tiếp nhận đa dạng hơn, mở rộng hơn những trào lưu nghệ thuật phương Tây, ban đầu là các trường phái hội họa đầu thế kỷ XX như dã thú, lập thể, siêu thực, trừu tượng biểu hiện… sau là mở rộng về mặt chất liệu, tìm đến những phương tiện biểu đạt mới của nghệ thuật đương đại như nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật công cộng, video art, sound art, nghệ thuật đa phương tiện… tạo nên một bức tranh đa diện và không ngừng tiếp biến cho nghệ thuật Việt.

Phạm trù “họa sĩ trẻ” cũng liên tục vận động, từ những họa sĩ thế hệ 6x-7x, rồi tới 8x, 9x, và bây giờ không thiếu những nghệ sĩ của thế hệ cuối 9x và sinh sau 2000, thuộc về phổ thế hệ Gen Z.

Những dự án nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và đương đại của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội) luôn có sự tham gia cốt yếu của các nghệ sĩ thuộc thế hệ Gen Z. Nguồn: NVCC

Những dự án nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và đương đại của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội) luôn có sự tham gia cốt yếu của các nghệ sĩ thuộc thế hệ Gen Z. Nguồn: NVCC

Văn học Việt - từ lý tưởng tập thể tới phản tư cá nhân

Văn học Việt, cũng đang có sự chuyển mình cả ở lĩnh vực sáng tác, dịch và nghiên cứu lý luận – phê bình. Có thể lấy một tham chiếu là thế hệ nhà văn trước 1975.

Trước 1975, các nhà văn ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi bối cảnh lịch sử đặc thù của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Lối viết thời kỳ này được định hướng bởi nhu cầu phục vụ cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước. Các tác phẩm văn học thường mang đậm tính hiện thực xã hội chủ nghĩa (ở miền Bắc) hoặc hiện thực kháng chiến (ở miền Nam), với mục đích phản ánh thực tại khốc liệt của chiến tranh và thúc đẩy tinh thần yêu nước, đoàn kết và hy sinh. Các nhà văn đã dùng văn chương như một công cụ để khắc họa đời sống con người trong chiến tranh, qua đó truyền tải thông điệp chính trị và động viên tinh thần quần chúng.

Một đặc điểm nổi bật của văn học thời kỳ này là hình tượng nhân vật anh hùng được xây dựng theo motif sử thi. Nhân vật chính thường là những người lính, những chiến sĩ cách mạng với tính cách kiên trung, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cao cả. Họ được miêu tả dưới dạng “một chiều,” tức là không có những phức tạp tâm lý hoặc mâu thuẫn cá nhân, mà luôn thể hiện sự lý tưởng hóa, hoàn thiện về mặt phẩm chất.

Mẫu người anh hùng trong văn học trước 1975 như anh hùng Tnú trong Rừng xà nu, hay chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng, là những nhân vật mang đậm tính chất sử thi: mạnh mẽ, dũng cảm, và hoàn toàn cống hiến cho mục tiêu tập thể mà ít đề cập đến đời sống nội tâm phức tạp.

Từ trái qua phải theo chiều kim đồng hồ: Nhà văn Đinh Phương, Hiền Trang, Huỳnh Trọng Khang, Đức Anh – các nhà văn trẻ nổi bật trên văn đàn hiện nay Nguồn: Internet

Từ trái qua phải theo chiều kim đồng hồ: Nhà văn Đinh Phương, Hiền Trang, Huỳnh Trọng Khang, Đức Anh – các nhà văn trẻ nổi bật trên văn đàn hiện nay Nguồn: Internet

Tuy nhiên, chính việc xây dựng nhân vật theo motif này đã hạn chế phần nào tính đa chiều của họ, làm cho nhân vật trở nên “lý tưởng hóa” và thiếu đi yếu tố con người thực tế, với những yếu đuối, bất an hay xung đột nội tâm. Điều này có thể hiểu được trong bối cảnh lịch sử khi văn chương cần phục vụ mục đích chính trị và tuyên truyền cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Các tác phẩm văn học trước 1975 không chỉ khắc họa những con người anh hùng một chiều mà còn hướng đến việc tạo dựng những câu chuyện sử thi, nơi mà số phận cá nhân không còn là trọng tâm mà thay vào đó là sự hy sinh cho tập thể, cho lý tưởng cộng đồng. Điều này tạo nên một dòng văn học có tính khuôn mẫu, nơi mà cá nhân hòa tan vào trong sứ mệnh lịch sử của cả dân tộc.

Lối viết sử thi này thường mô tả nhân vật không phải trong mối quan hệ cá nhân mà trong bối cảnh lịch sử lớn lao, như là một mắt xích không thể thiếu trong dòng chảy của cuộc chiến tranh và cách mạng. Các tác phẩm của văn học kháng chiến thể hiện rõ vai trò này, khi mà các câu chuyện thường là sự phản ánh cuộc chiến tranh tập thể hơn là khám phá chiều sâu tâm lý của từng cá nhân riêng biệt.

So với thế hệ viết trước 1975, những người phải trải qua các cuộc chiến tranh và biến động lịch sử, dùng chính nghịch cảnh để rèn giũa lý tưởng và phong cách viết, thế hệ văn học trẻ ngày nay có điều kiện sinh ra trong một bối cảnh xã hội ổn định hơn, được hưởng lợi từ sự phát triển của khoa học công nghệ và toàn cầu hóa.

Tác phẩm Nắng Thổ Tang của Đinh Phương đoạt giải Giải thưởng Tác giả trẻ lần 1 (2021) và Sách Hay 2024. Nguồn: Báo Phụ Nữ

Cánh cửa tri thức, đặc biệt là tri thức toàn cầu, mở rộng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra cho họ một thách thức không nhỏ trong việc xác định tiếng nói riêng giữa một “ma trận” thông tin. Khả năng gạn lọc thông tin và sáng tạo trở thành yêu cầu thiết yếu, đòi hỏi mỗi người viết phải kiên định với cái tôi cá nhân, đồng thời không ngừng trau dồi để tìm kiếm những giá trị đặc thù và khác biệt. Ngoài ra, mặc dù đời sống vật chất đã có sự cải thiện, điều này không đồng nghĩa với việc đời sống tinh thần cũng phát triển tương ứng.

Thực tế, trong bối cảnh xã hội hiện đại, con người lại trở nên phản tư hơn, đặt câu hỏi về những vấn đề nội tại, thậm chí dẫn đến khủng hoảng tinh thần. Đối với các nhà văn trẻ, viết lách không chỉ đơn thuần là phản ánh thực tại bên ngoài, mà còn là hành trình đối mặt và đối thoại với chính con người bên trong họ.

Nhiều tác phẩm văn học trẻ ngày nay thể hiện sự khám phá về bản thể, sự cô đơn, và những câu hỏi triết lý về tồn tại, giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Văn học trẻ, vì thế, không chỉ đóng vai trò như một diễn ngôn về thế giới bên ngoài mà còn là một không gian nội tâm, nơi các tác giả tìm cách hiểu và giải quyết những căng thẳng, khủng hoảng trong chính họ. Đây chính là điểm khác biệt lớn với các thế hệ viết trước – khi các tác giả trẻ hôm nay phải không ngừng tìm cách cân bằng giữa thế giới bên ngoài và cuộc đối thoại không ngừng với bản thân.

Âm nhạc Việt từ sóng “ngầm” lên dòng chính

Nền âm nhạc Việt cũng chứng kiến một sự đổi thay khác – nhiều thể loại nhạc từ underground lên mainstream, từ ngầm lên dòng chính. Chỉ cần nhìn giới nhạc (music scene) của Hà Nội từ Mở cửa (1991) tới nay là có thể thấy sự tịnh tiến lẫn đột khởi của thể loại nhạc và thế hệ chơi nhạc.

Hai gameshow truyền hình về rap đối đầu nhau gây tiếng vang trong năm 2020: King of Rap và Rap Việt. Nguồn: Internet

Hai gameshow truyền hình về rap đối đầu nhau gây tiếng vang trong năm 2020: King of Rap và Rap Việt. Nguồn: Internet

Trải qua thời kỳ Bao cấp Hà Nội tương đối biệt lập với âm nhạc thế giới, thậm chí nhiều thể loại phương Tây còn bị cấm. Vào những năm 1990, cộng đồng chơi nhạc ở Hà Nội chia tách làm hai – những người nước ngoài ở Việt Nam, và những người Việt chơi riêng với nhau. Nhưng chỉ một thập niên sau đó, cả hai cộng động này đã hòa lẫn vào nhau để phát triển một giới nhạc underground mạnh mẽ, bao gồm cả nhạc điện tử (electronic music), rock, metal… và một thập niên nữa đến những năm 2010 là sự xuất hiện của phong trào indie. Những thể loại underground như rock và rap lần lượt bước lên mainstream với những show truyền hình như Rock Việt, King of Rap, Rap Việt

Hanoi Rock City trở thành một tụ điểm nghệ thuật và âm nhạc quen thuộc với các tín đồ nhạc rock ở Hà Nội. Nguồn: Hanoi Rock City

Hanoi Rock City trở thành một tụ điểm nghệ thuật và âm nhạc quen thuộc với các tín đồ nhạc rock ở Hà Nội. Nguồn: Hanoi Rock City

Không gian biểu diễn cũng thay đổi, từ những quán bar nhỏ dành cho người nước ngoài, biệt lập, các môi trường sinh hoạt âm nhạc mang tính chất phong trào sinh viên như khu tam giác Xây dựng – Bách khoa – Kinh tế (hay còn gọi là Bách – Kinh – Xây), cái nôi của Desire (ban nhạc có hai MC nổi tiếng Long Vũ và Anh Tuấn là thành viên), Bức Tường, The Light… chuyển sang những địa điểm cố định ổn định như Hanoi Rock City, The Doors, Madake, Rec Room, ATK, Polygon… với những sự kiện âm nhạc lớn như Soundstuff, Quest, Rock Storm, Monsoon, những nền tảng số như Soundcloud, Bandcamp, YouTube… chấp cánh cho những thế hệ nghệ sĩ trẻ vươn tầm và lan tỏa âm nhạc.

Những nghệ sĩ trẻ này, ngoài khả năng trình diễn – hát hay chơi nhạc cụ, còn có thể tự sáng tác và sản xuất nhạc của chính mình. Và ấn tượng hơn, rất có ý thức về việc làm nhạc của bản thân. Bên cạnh tiếp thu và cải biến những ảnh hưởng âm nhạc thế giới, họ còn tích hợp những yếu tố truyền thống đến từ âm nhạc dân gian Việt Nam, pha trộn yếu tố cũ – mới và tiến ra thế giới, đa dạng hóa phương thức thể hiện khi kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại nhằm tạo ra trải nghiệm nghe nhìn. Sự chuyển dịch giữa các thế hệ, giữa các thể loại nhạc, mang lại một thế giới nghệ thuật sống động không chỉ ở Hà Nội mà còn trên toàn Việt Nam, và mở rộng ra khu vực.

Nhạc indie, phản ánh tinh thần sản xuất âm nhạc theo kiểu “do-it-yourself” (tự làm tất), tự thu âm tự phát hành của các nghệ sĩ hay ban nhạc đặc biệt nổi lên từ 2014 tới nay. Nguồn: Tạp chí Đẹp

Nhạc indie, phản ánh tinh thần sản xuất âm nhạc theo kiểu “do-it-yourself” (tự làm tất), tự thu âm tự phát hành của các nghệ sĩ hay ban nhạc đặc biệt nổi lên từ 2014 tới nay. Nguồn: Tạp chí Đẹp

Nếu thế hệ trước đây làm nghệ thuật để thực hiện một chức năng mang tính mục đích luận nào đó, thì thế hệ sáng tạo trẻ ngày nay tìm kiếm sự tự do trong sáng tạo, phản tư nội tâm và đối thoại với bản thể. Sự mở rộng cánh cửa tri thức cùng sự phát triển của công nghệ đã mang đến nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra những thách thức về việc gạn lọc, sáng tạo và xác định tiếng nói riêng. Trong dòng chảy đó, những giá trị tinh thần sâu sắc và bản sắc cá nhân vẫn luôn là điểm cốt lõi, dù cách tiếp cận có thay đổi, nhằm duy trì sự bền vững và sức ảnh hưởng của nghệ thuật trước mắt công chúng.

Phạm Minh Quân (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội)

_________________

[1] Đỗ Lai Thúy (2010). Mỹ thuật Việt Nam tròng trành mà tiến tới. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 3, 2010.

[2] Taylor, N. A., & Corey, P. N. (2019). Đổi Mới and the globalization of Vietnamese art (Đổi Mới và quá trình toàn cầu hóa nghệ thuật Việt). Journal of Vietnamese Studies, 14(1), 1-34.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/quan-tinh-tre-trong-nghe-thuat-viet-duong-dai-45762.html