Quan trắc, giám sát môi trường khu vực nhận chìm
Hàng trăm nghìn m3 vật chất vạo vét từ khu vực thi công xây dựng công trình đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng Chân Mây, thuộc Dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2, đang được nhận chìm trên vùng biển xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc). Người dân cùng chính quyền địa phương yêu cầu cần thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, bảo vệ nuôi trồng thủy sản trong khu vực.
UBND tỉnh vừa cấp phép cho Ban Quản lý Dự án (QLDA) đầu tư xây dựng Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh nhận chìm hơn 480.000m3 vật chất nạo vét xuống vùng biển xã Lộc Vĩnh với diện tích 49ha. Thành phần của chất nạo vét chủ yếu là bùn được nạo vét tại khu vực xây dựng công trình đê chắn sóng và luồng tàu vào cảng Chân Mây, thuộc dự án Đê chắn sóng cảng Chân Mây – giai đoạn 2.
Với hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản ở cửa biển, các luồng lạch và nhiều cơ sở du lịch ở các địa phương Lộc Vĩnh, Lộc Bình, Vinh Hiền, Lăng Cô (Phú Lộc), người dân cùng chính quyền địa phương lo ngại việc nhận chìm vật chất nạo vét sẽ ảnh hưởng đến nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và du lịch trong khu vực.
Ông Huỳnh Văn Học (thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh) cho biết, ngư dân Lộc Vĩnh nhiều đời nay sống nhờ đánh bắt gần bờ và nuôi trồng thủy hải sản ở các cửa biển, eo vịnh, từ khi có thông tin nhận chìm chất nạo vét từ đê chắn sóng, người dân chúng tôi rất băn khoăn lo lắng bởi bùn nạo vét được đổ trên vùng biển của địa phương, theo chế độ hải lưu nguy cơ ảnh hưởng đến vùng nuôi trồng thủy sản, đánh bắt trong khu vực, ảnh hưởng sinh kế người dân.
“Người dân yêu cầu đơn vị thi công đổ xa khu vực nuôi trồng, có trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố gây chết thủy sản cũng như ảnh hưởng môi trường đánh bắt, nuôi trồng và du lịch trong khu vực”, ông Học nói thêm.
Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh thông tin, hiện tại toàn xã có khoảng 350 hộ dân thường xuyên đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên biển ở các thôn Bình An 1, Bình An 2, Cảnh Dương. Đặc biệt có khoảng 40ha vùng nuôi trồng thủy sản ở cửa Lạch Giang, Cảnh Dương, hiện người dân băn khoăn, lo lắng việc nhận chìm bùn sẽ ảnh hưởng đến sinh kế nhiều đời nay của bà con. Trong khi đó, địa phương hiện có rất ít thông tin về việc nhận chìm khi chưa nhận được thông báo nhận chìm, chưa thấy thực hiện tham vấn cộng đồng và hiện cũng chưa biết việc nhận chìm bùn nạo vét đã triển khai hay chưa.
“Có dự án đầu tư trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế phát triển là điều đáng mừng. Về mặt chủ trương chúng tôi không phản đối việc nhận chìm chất nạo vét. Tuy nhiên, người dân cũng như chính quyền cần các cơ quan chức năng thực hiện tham vấn cộng đồng, đảm bảo khu vực đổ đúng vị trí, hạn chế tối đa ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt, cần có sự giám sát và chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố môi trường ảnh hưởng đến du lịch, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn để đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như doanh nghiệp”, ông Minh cho biết thêm.
Mới đây, Sở TN&MT đã có cuộc họp bàn của cơ quan chức năng với các địa phương có sự tham gia của đại diện các tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn trong vùng ảnh hưởng từ việc nhận chìm chất thải nạo vét trên vùng biển Lộc Vĩnh.
Ông Hoàng Trọng Huy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô tại cuộc họp với các cơ quan chức năng, thị trấn kiến nghị 3 vấn đề, ngoài lo ngại ảnh hưởng các cơ sở du lịch trên địa bàn còn sợ môi trường nước vùng đầm phá thay đổi gây thiệt hại nuôi trồng thủy sản và việc nhận chìm chất nạo vét vào mùa hè như hiện nay là không phù hợp do mùa này dòng hải lưu rất mạnh sẽ đẩy nguồn nước đi xa, nguy cơ ảnh hưởng đến dòng nước từ cửa biển vào các ô đầm.
UBND tỉnh yêu cầu Ban QLDA đầu tư xây dựng Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh chỉ được tiến hành nhận chìm sau khi được giao khu vực biển theo quy định của pháp luật; lập, phê duyệt và niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường của dự án tại UBND xã Lộc Vĩnh. Có thông báo về thời gian bắt đầu nhận chìm, thông tin về các phương tiện vận chuyển, thông tin về đơn vị giám sát thi công nạo vét, nhận chìm, giám sát môi trường với các cơ quan chức năng làm cơ sở cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, trong trường hợp có các dấu hiệu không đảm bảo an toàn, nhận chìm không đúng vị trí, không đúng thành phần của chất nạo vét hoặc khối lượng bị hao hụt trong quá trình vận chuyển vật chất nhận chìm, một trong các thông số quan trắc, giám sát môi trường vượt giới hạn cho phép thì phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời yêu cầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi để xảy ra sự cố môi trường, phải bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hoạt động nhận chìm của mình gây ra. Phối hợp với chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư có sinh kế bị ảnh hưởng bởi hoạt động nhận chìm lập phương án đền bù và thực hiện hỗ trợ thỏa đáng, tạo sự đồng thuận từ chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư trong trường hợp xảy ra sự cố, rủi ro môi trường gây thiệt hại tới cộng đồng dân cư và môi trường tự nhiên do quá trình thực hiện nhận chìm ở biển gây ra.
Giám sát môi trường biển
UBND tỉnh yêu cầu Ban QLDA đầu tư xây dựng Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh thực hiện chương trình quan trắc, giám sát môi trường biển. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo trong quá trình nhận chìm ở biển; hàng tháng và sau khi kết thúc nhận chìm gửi báo cáo kết quả thực hiện nhận chìm, quan trắc, giám sát về Sở TN&MT, UBND xã Lộc Vĩnh và các cơ quan có liên quan khác. Đồng thời định kỳ phân tích thành phần chất nạo vét để đảm bảo thành phần vật chất nhận chìm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, không chứa chất phóng xạ, chất độc vượt quy chuẩn kỹ thuật an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.