Quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại

BHG - Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) không phụ thuộc vào địa giới hành chính; số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ; tinh gọn bộ máy giải quyết TTHC… Đây là những kết quả nổi bật kết tinh từ quyết tâm đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của chính quyền tỉnh. Qua đó, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ tại bộ phận một cửa (BPMC) các cấp.

Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, năm 2021, tỉnh ta có 205 BPMC tập trung, 9 riêng lẻ tại từng cơ quan, đơn vị. Để duy trì hoạt động, các cơ quan, đơn vị bố trí gần 700 công chức, viên chức làm việc tại BPMC. Điều này dẫn đến tình trạng bất hợp lý khi nhân sự và số lượng BPMC tương đối lớn. Đồng thời, xảy ra tình trạng cắt khúc, gây khó khăn trong giải quyết TTHC khi BPMC chỉ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thuộc thẩm quyền. Trong khi đó, công chức BPMC các cấp có đủ khả năng tiếp nhận hồ sơ của địa bàn khác hoặc cấp khác. Đơn cử như công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã có thể tiếp nhận hồ sơ của tất cả các xã trên phạm vi toàn tỉnh. Mặt khác, do chưa có cách thức theo dõi, đánh giá năng suất, chất lượng việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ tại BPMC một cách khách quan, toàn diện nên khâu hướng dẫn, kiểm tra, xem xét trước khi nhận hồ sơ thường là khâu dễ phát sinh nhũng nhiễu, phiền hà cho cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC...

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Nhận diện “điểm nghẽn” gây lãng phí nguồn lực, cản trở việc đơn giản hóa TTHC, làm chậm tiến trình xây dựng chính quyền số; ngày 21.7.2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1170 phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, giai đoạn 2022 – 2025. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các cấp, ngành; sau 2 năm thực hiện Đề án đã tạo bước đột phá quan trọng, đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính, gắn với số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng năng suất lao động tại BPMC. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, thay đổi cách thức quản trị hành chính từ truyền thống sang hiện đại, góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số, thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 202 BPMC tập trung, giảm 3 BPMC so với trước khi triển khai Đề án. Trong đó, thí điểm việc tổ chức BPMC theo hướng thu gọn đầu mối, đưa BPMC của UBND phường Trần Phú vào hoạt động tại BPMC thành phố Hà Giang để tiếp nhận và giải quyết 151 TTHC cấp xã trên địa bàn. Kết quả này giúp tiết kiệm chi phí đầu tư trụ sở, duy trì hệ thống công nghệ thông tin tại BPMC... Ngoài ra, 100% các cơ quan, đơn vị tham gia giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để làm giàu dữ liệu, tái sử dụng dữ liệu, giúp giảm chi phí cho người dân. Trong đó, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đạt trên 90%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 62,79%; tỷ lệ kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 68,12%. Không những vậy, tỉnh ta còn hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với 17 cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành. Tiếp nhận, trả kết quả 72 TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính đối với các hồ sơ tiếp nhận trực tiếp. Điều này cho phép công dân có quyền lựa chọn nộp hồ sơ và nhận kết quả tại BPMC cấp tỉnh, huyện hoặc cấp xã, miễn sao đó là nơi gần nhất, thuận tiện nhất.

Đặc biệt, tỉnh ta đã thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến dựa vào dữ liệu theo thời gian thực trên môi trường điện tử với 5 nhóm chỉ số: Công khai, minh bạch; tiến độ, kết quả giải quyết; số hóa hồ sơ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; mức độ hài lòng. Đây là công cụ hữu hiệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương trong việc quản lý chất lượng thực hiện TTHC, dịch vụ công hoàn toàn dựa trên dữ liệu theo thời gian thực; giúp kiểm soát thực thi, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm giải trình trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, trích xuất ngày 14.6.2024 trên Cổng dịch vụ công quốc gia cho thấy: Tỉnh Hà Giang đạt 79,51 điểm, xếp loại Khá, vươn lên vị trí thứ 18/63 tỉnh, thành phố.

Triển khai hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC một lần nữa chứng minh quan điểm xuyên suốt của tỉnh là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng, hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tỉnh ta từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển, chuyên nghiệp, hiện đại, kỷ cương, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/chuyen-muc-cai-cach-hanh-chinh/202408/quan-tri-hanh-chinh-tu-truyen-thong-sang-hien-dai-3b757e0/