Quản trị nhà trường: Cần tư duy mới
Trong tiến trình đổi mới, sự chủ động, sáng tạo của GV, HS được đề cao hơn bao giờ hết. Thực tế này đòi hỏi người đứng đầu nhà trường cần thay đổi tư duy trong quản lý, điều hành để thúc đẩy, khuyến khích thầy và trò.
Hiểu giáo viên hơn
Nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, không chỉ ở cấp quản lý mà bản thân đội ngũ nhà giáo đang nỗ lực đổi mới từng ngày. Tại các trường tiểu học, không ít mô hình sáng tạo, cách làm hay được triển khai. Kết quả thu được chính là sự đổi mới trong cả tư duy và phương pháp dạy, học.
Tại Trường Tiểu học Phú Mỹ (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), thầy cô giáo đã quen thuộc với hình ảnh hiệu trưởng đóng “vai chính” trong buổi hội giảng. Để cùng đội ngũ sư phạm nhà trường đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Nhựt luôn tiên phong trong các buổi hội giảng, trực tiếp dạy minh họa. Sau khi dự một tiết dạy minh họa, GV và lãnh đạo nhà trường cùng nhau trao đổi, đưa ra nhiều giải pháp hay.
Thầy Nguyễn Minh Nhựt cho biết: Kết quả của mỗi buổi hội giảng chính là những chia sẻ về phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy trong phân môn cũng như việc sử dụng đồ dùng dạy học. Qua đó, những kinh nghiệm hay, bài học ở các môn mà GV còn vướng mắc, khó khăn, giúp tập thể cùng tiến bộ, từng bước nâng cao chất lượng dạy, học tại đơn vị.
Theo chia sẻ của GV Trường Tiểu học Phú Mỹ, những buổi hội giảng khi có lãnh đạo trường tham gia sẽ tạo không khí phấn khởi và tinh thần trách nhiệm cao. Thay vì GV bộ môn giảng dạy, nay hiệu trưởng hoặc hiệu phó chuyên môn cùng tham gia. Qua đó ban giám hiệu mới hiểu được tình hình thực tế cũng như những thuận lợi, khó khăn của GV. Điều quan trọng nhất, sau hội giảng sẽ rút ra những kinh nghiệm, giải pháp góp phần nâng cao chất lượng dạy, học ở nhà trường.
“Có đứng trên bục giảng mới hiểu được công việc, áp lực của GV đứng lớp thực tế như thế nào. Từ đó, ban giám hiệu có thể đưa ra những quyết sách và định hướng tốt nhất. Với cách làm này, GV bộ môn cũng phấn khởi hơn vì sự quan tâm của ban giám hiệu. Mọi người cũng “mạnh miệng” hơn trong việc chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến”, thầy Nguyễn Minh Nhựt cho biết.
Đổi mới sinh hoạt chuyên môn của các tổ chuyên môn cũng được Trường Tiểu học Phú Mỹ linh động triển khai. Nhà trường xác định, muốn đạt hiệu quả, đòi hỏi trí tuệ và sáng tạo của tập thể. Trong đó, các tổ chuyên môn là người “giữ lửa” cho việc tổ chức các hoạt động: Rà soát nội dung chương trình, thiết kế các nội dung tích hợp, lựa chọn phương pháp, hình thức dạy học tích cực...
“Ban giám hiệu và tập thể nhà trường cùng vào cuộc, trao đổi, tranh luận để xây dựng. Bên cạnh đó, lãnh đạo, GV cùng tăng cường rút kinh nghiệm, điều chỉnh nội dung dạy học, phương pháp, hình thức dạy học cho phát huy hiệu quả hơn và càng về sau có thể vận dụng tốt hơn…”, thầy Nguyễn Minh Nhựt chia sẻ.
Đột phá “Trường điển hình đổi mới”
Sau 4 năm triển khai mô hình “Trường điển hình đổi mới”, chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học ở TP Cần Thơ chuyển biến rõ nét. Trường điển hình đổi mới ở Cần Thơ là đơn vị tiên phong trong việc đổi mới phương pháp dạy - học; tổ chức các hoạt động giáo dục điển hình, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học; cán bộ quản lý, GV đạt chuẩn; chất lượng đào tạo được nâng lên… Sau thời gian thử nghiệm, tổ chức đánh giá kết quả, mô hình này được nhân rộng ở các cấp học toàn thành phố.
Năm học 2019 - 2020, TP Cần Thơ tiếp tục nhân rộng mô hình tại 18 trường (9 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 3 THCS và 3 THPT). Năm 2020 có thêm 22 trường thực hiện, nâng tổng số trường thực hiện lên 53 (mầm non, mẫu giáo 22 trường; tiểu học 10 trường; THCS 11 trường; THPT 10 trường). Sau năm 2020, thành phố sẽ triển khai đại trà mô hình đến các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT còn lại trên địa bàn thành phố…
Theo đánh giá của đơn vị thực hiện mô hình Trường điển hình đổi mới, hoạt động của tổ chuyên môn, đội ngũ GV chủ nhiệm ngày càng đi vào nền nếp. Năng lực dạy học, đặc biệt là các kỹ năng tổ chức hoạt động trải nghiệm của GV được nâng lên. Mô hình đã tạo bước đột phá, chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Cụ thể, kết quả học lực, hạnh kiểm của HS đều đạt và vượt các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia. Chất lượng dạy học của các bậc học đã tiệm cận với tiêu chí của Trường điển hình đổi mới. Qua đó, nhận thức về trách nhiệm, thái độ làm việc, tính chủ động của đội ngũ thầy cô giáo thay đổi rõ rệt. Phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động dành cho học sinh ngày càng đi vào chiều sâu và tạo được sự hứng thú cho học sinh...
Theo cô Trần Thị Thúy Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), nhà trường đã triển khai mô hình Trường điển hình đổi mới từ năm 2017. Để chương trình đạt hiệu quả, trước hết, cán bộ quản lý cần đổi mới tư duy, cách quản lý. GV phải thay đổi nhận thức, phương pháp giảng dạy thật sự thu hút, khơi dậy sự hứng thú, trải nghiệm của HS.
Từ đầu năm học, nhà trường tổ chức Hội nghị cha mẹ HS để thông báo về chương trình điển hình đổi mới và phụ huynh tự nguyện đăng ký cho con học tập, trải nghiệm. Hiệu quả thiết thực từ mô hình này đã tạo được sự đồng thuận từ cha mẹ HS...
Theo bà Trần Hồng Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, mô hình Trường điển hình đổi mới đã phát huy sự sáng tạo của ban giám hiệu, thầy, trò và xây dựng môi trường giáo dục mở. Từ đó, các cơ sở giáo dục tăng tính chủ động trong quản lý, dạy học. Đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn ngày càng cao, công tác đào tạo bồi dưỡng thường xuyên, bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện. Cơ sở vật chất tại trường thực hiện mô hình Trường điển hình đổi mới cũng được quan tâm đầu tư, chất lượng dạy học nâng cao, phẩm chất năng lực của HS cũng được cải thiện đáng kể…
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/quan-tri-nha-truong-can-tu-duy-69SwmuvMR.html