Quản trị thông minh: Ưu thế thuộc về người làm chủ các nguồn dữ liệu
Dữ liệu và quản trị dữ liệu có vai trò vô cùng quan trọng đối với mọi tổ chức trong nền kinh tế, nhất là với một trong những ngành sở hữu khối lượng dữ liệu lớn, cũng là ngành đi đầu trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số như ngân hàng.
Đó là đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo khoa học với chủ đề “Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính” do Viện Chiến lược ngân hàng phối hợp với Học Viện Ngân hàng tổ chức sáng 29/9 tại Hà Nội.
Theo đánh giá của tổ chức Gartner, dự kiến năm 2021, các tổ chức lớn sẽ đưa dữ liệu vào danh mục Bảng cân đối kế toán và quản lý dữ liệu như những tài sản của tổ chức. Chính vì vậy, việc ý thức rằng dữ liệu là tài sản chiến lược, có tính chất quyết định đến hoạt động kinh doanh, cần phải được quản lý trong lĩnh vực ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ.
Tại Việt Nam, khái niệm quản trị dữ liệu cũng đã xuất hiện khá sớm, một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam cũng đã quan tâm, coi trọng việc quản trị dữ liệu. Tuy nhiên, quá trình xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu cũng đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Có thể kể đến như có rất nhiều loại dữ liệu trong hệ thống; logic nghiệp vụ phức tạp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, khuôn khổ pháp lý hỗ trợ công tác khai thác dữ liệu lớn, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu cho khách hàng...
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: “Có thể nhận thấy, với vai trò dữ liệu quan trọng như vậy, trong thời đại ngày nay, ưu thế sẽ thuộc về người làm chủ các nguồn dữ liệu thông qua việc quản lý, sử dụng chúng một cách thông minh trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới”.
Phó Thống đốc thông tin, tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng và chính sách phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho mọi lĩnh vực ngành nghề trong nền kinh tế có thể chủ động trước những tác động to lớn của cách mạng công nghiệp 4.0.
Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng thương mại 4.0 (Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị).
Trong đó, Đảng và Nhà nước đã đặt ra mục tiêu “tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu tại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, Nghị quyết xác định một trong các nhiệm vụ là “tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao, trong đó bao gồm lĩnh vực tài chính - ngân hàng”.
Toàn cảnh Hội thảo
Ông Kim Anh cho biết thêm, thời gian qua, ngành ngân hàng đã luôn chủ động trong việc tiếp cận các nghiên cứu, xây dựng chính sách, tạo điều kiện để ứng dụng sức mạnh của dữ liệu trong công tác quản lý và phát triển các sản phẩm dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo khảo sát tháng 9/2020 của Ngân hàng Nhà nước, 50% các ngân hàng đã xây dựng Kho dữ liệu tập trung (Data warehouse), 27% đã xây dựng các Hồ dữ liệu (Data lake) để thu thập dữ liệu thô đến từ các điểm tiếp xúc số, khoảng 50% các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro...
“Để có thể phát huy được lợi thế của mình trong việc sở hữu khối lượng lớn về dữ liệu, giữ vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số, quản lý dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính đã trở thành một yêu cầu cấp thiết, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức tín dụng, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và các công ty công nghệ lớn (Bigtech)”, ông Kim Anh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia khẳng định, việc quản lý dữ liệu hiệu quả sẽ giúp các ngân hàng tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, tối ưu hóa tiềm năng, giảm thiểu chi phí, đưa ra các quyết định hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng… thông qua việc cải thiện chất lượng các mô hình lượng hóa rủi ro.
Ngoài ra, nó còn giúp ngân hàng nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường, giúp công tác kiểm toán nội bộ và kiểm tra giám sát tuân thủ hiệu quả hơn. Cùng với đó là hiểu rõ hơn về khách hàng, phát triển các mô hình dự báo theo thời gian thực, đáp ứng tức thì nhu cầu của khách hàng, cá nhân hóa giao tiếp với khách hàng, gia tăng khối lượng khách hàng…
Bên cạnh đó, các quan điểm của diễn giả, nhà khoa học tại Hội thảo đều đồng thuận cho rằng, quản trị dữ liệu thông minh cần được đề cập như một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển của các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Đây là thách thức rất lớn đối với các ngân hàng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nhưng cũng là xu hướng rất cần thiết và tất yếu. Kết quả quản lý dữ liệu sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển dài hạn của bản thân các ngân hàng thương mại cũng như toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.