Quán triệt chủ trương, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong CAND

Ngày 8/5, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị quán triệt chủ trương, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong CAND.

Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại trụ sở Bộ Công an và Công an 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Xác định việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lãnh đạo Bộ Công an đã triệu tập các đồng chí Cục trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham dự hội nghị. Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triệu tập lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc tham dự hội nghị.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đã công bố các Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, chiều ngày 5/5, với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 195/2015/QH15 về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội là Chủ tịch Ủy ban. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng là một trong 4 đại diện của Chính phủ tham gia Ủy ban.

Theo phân công nhiệm vụ của Ủy ban, bên cạnh các nhiệm vụ chung như các đồng chí Ủy viên của Ủy ban, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng được phân công trực tiếp chỉ đạo các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng riêng, cụ thể là: Chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trong lực lượng CAND; tổ chức triển khai việc sử dụng ứng dụng VNeID trong việc lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 theo phân công; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện và chỉ đạo việc tổng hợp ý kiến đóng góp qua ứng dụng VNeID về dự thảo Nghị quyết; chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp và trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên công bố các Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên công bố các Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Để chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong Công an nhân dân, trong đó xác định các nhiệm vụ hết sức trọng tâm, trọng điểm và phân công cụ thể trách nhiệm, tiến độ thực hiện đối với từng đơn vị, địa phương. Đồng thời, từ rất sớm, Bộ Công an cũng đã chủ động thực hiện các nhiệm vụ có liên quan như rà soát và đề xuất các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung theo định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, tham gia ý kiến đối với Đề án sửa đổi, bổ sung Hiến pháp…

Hội nghị cũng đã được nghe Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an quán triệt Kế hoạch “Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID”. Theo đó, từ ngày 6/5/2025, người dân có thể truy cập đọc nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp và góp ý trên VNeID với một vài bước đơn giản. Tuy chỉ mới triển khai 2 ngày, trên VNeID đã ghi nhận có 6.405 ý kiến của người dân tham gia, trong đó 6.343 người dân tán thành (chiếm tỉ lệ 99%); độ tuổi người dân tham gia từ 18 đến 34 tuổi chiếm 36%, từ 35 đến 44 tuổi chiếm 40%, từ 45 đến 60 tuổi chiếm 20%, trên 60 tuổi chiếm 4%; về giới tính là 88% nam và 12% nữ. Qua đó, thể hiện người dân quan tâm tham gia đóng góp, xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản trình bày kế hoạch về phương án đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và lấy ý kiến nhân dân.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản trình bày kế hoạch về phương án đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và lấy ý kiến nhân dân.

Đây là lần đầu tiên Quốc hội cho phép lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VNeID, đặt ra yêu cầu trách nhiệm rất lớn với Bộ Công an trong việc bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, an ninh, an toàn để thực hiện nhiệm vụ này, nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Hội nghị cũng đã được nghe Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công an và Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ quán triệt các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong, Cục trưởng Cục Truyền thông CAND báo cáo về dự kiến công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện báo chí truyền thông về chủ trương, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, quyết định nhiều nội dung, vấn đề mang tính lịch sử, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.

Đại tá Vũ Văn Tấn quán triệt Kế hoạch “Tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID”.

Đại tá Vũ Văn Tấn quán triệt Kế hoạch “Tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID”.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục Truyền thông CAND đã chủ động xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan báo chí CAND thành lập các tổ phóng viên chuyên trách; xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tuyên truyền theo tuyến bài sâu đậm, đảm bảo thông tin tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm với nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn; tăng cường thời lượng tuyên truyền về kỳ họp trong các bản tin thời sự, chuyên mục, chuyên đề; tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức thông tin tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của cử tri, nhân dân; chú trọng tuyên truyền trên các nền tảng số, kịp thời đưa tin phản ánh đầy đủ, chính xác nội dung chương trình kỳ họp, tăng cường các bài viết phân tích chuyên sâu về những đổi mới của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ động xây dựng tuyến tin bài phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân gửi tới diễn đàn Quốc hội. Kịp thời nắm bắt dư luận, tư tưởng của cử tri, nhân dân phản ánh về kỳ họp, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo; chủ động phát hiện và có các tuyến bài đấu tranh, phản bác kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc; bám sát Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hồ sơ dự án do Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công khai trình Quốc hội...

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong tham luận về công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Thiếu tướng Đỗ Triệu Phong tham luận về công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có tính quyết định để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới là việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai thực hiện các chủ trương nói trên, thì việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan là hết sức cần thiết. Đây là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đánh giá cao các đơn vị trong CAND đã chủ động triển khai các nhiệm vụ trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 cũng như lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cấp bách, trọng tâm trong thời gian tới (cho đến thời điểm Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025), cần tập trung tối đa nhân lực, phương tiện để bảo đảm thực hiện tốt các công việc được phân công.

Trong đó, lãnh đạo Bộ yêu cầu Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tập trung toàn bộ lực lượng, trang thiết bị, vừa bảo đảm việc tiếp nhận góp ý của nhân dân trên ứng dụng VNeID được thông suốt, vừa bảo đảm tổng hợp đầy đủ, kịp thời toàn bộ ý kiến góp ý, tuyệt đối không bỏ sót bất kỳ ý kiến góp ý nào của nhân dân. Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo trực tiếp lực lượng Công an cấp xã vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, khuyến khích và đặt mục tiêu 90% công dân có tài khoản định danh điện tử mức 2 góp ý trên ứng dụng VNeID. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, các đơn vị chức năng bảo đảm tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp và trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, nắm bắt tình hình từ sớm, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý ngay từ khi chưa phát sinh tình huống phức tạp, tuyệt đối không để xảy ra bất kỳ vấn đề gì về an ninh, trật tự.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/quan-triet-chu-truong-dinh-huong-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-nam-2013-trong-cand-i767632/