Quán triệt phương châm '4 tại chỗ'
Năm 2023, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh không khốc liệt như những năm trước. Tuy nhiên, các tình huống thiên tai vẫn diễn biến khó lường, như: Nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ vượt mốc lịch sử; rét đậm, rét hại cực đoan; sạt lở đất xảy ra nhiều điểm trên địa bàn tỉnh. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống thiên tai (PCTT) được triển khai toàn diện với sự chủ động và luôn quán triệt phương châm '4 tại chỗ', qua đó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra…Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh Trần Xuân Tiến cho biết: Tuần lễ Quốc gia PCTT năm 2024 được thực hiện từ ngày 15-22/5 với chủ đề 'Hành động sớm-Chủ động trước thiên tai'. Tuần lễ nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác PCTT, góp phần xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai; tăng cường công tác quản lý nhà nước, trong đó đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó với thiên tai; nâng cao năng lực PCTT của chính quyền các cấp và người dân; tuyên truyền sâu rộng các quy định pháp luật, kiến thức về PCTT cho người dân nhằm tạo sự đồng thuận, ý thức chủ động của nhân dân trong PCTT; cổ vũ tinh thần nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong công tác PCTT…
Chủ động phòng ngừa, ứng phó
Năm 2023, thiệt hại do thiên tai gây ra toàn tỉnh với 130 nhà bị tốc mái; 400m đê bao bị sạt lở; 13.580ha lúa, 90ha hoa màu và cây ăn quả bị mưa giông, lốc xoáy làm hư hỏng, gãy đổ; 30m3 đất đá bị sạt lở; 2 nhà hàng nổi bị chìm, cuốn trôi; xảy ra 37 vụ/36 phương tiện bị sự cố, tai nạn trên khu vực biên giới biển. Ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh do mưa lũ trên 50 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai có những chuyển biến lớn, từ “bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa và phòng ngừa từ xa…”. Theo đó, ngoài việc rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) kiêm phòng thủ dân sự (PTDS) các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên theo từng lĩnh vực, địa bàn để bảo đảm công tác chỉ huy, điều hành được thông suốt, hiệu quả. Công tác chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” được triển khai toàn diện, chủ động. Ngoài lực lượng nòng cốt là Quân đội, Biên phòng và Công an, đến nay có 151/151 xã, phường, thị trấn đã thành lập đội xung kích PCTT với 12.359 người. Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS các cấp còn huy động lực lượng thanh niên, phụ nữ, chữ thập đỏ, tình nguyện viên, lực lượng dự bị để tham gia hỗ trợ. Khi thiên tai vượt quá năng lực ứng phó, UBND tỉnh chủ động đề xuất trợ giúp của lực lượng, phương tiện các đơn vị của Quân khu 4.
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị, người dân chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, nước uống để phòng tránh, ứng phó các tình huống thiên tai. Năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu PCTT, trong đó, chuẩn bị dự trữ trung bình 300 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 50.000 lít xăng, 50.000 lít dầu diezel và 10.000 lít dầu hỏa, 30.000 lít nước đóng chai để hỗ trợ khi cần thiết; cấp phát 2.000 áo phao, 1.500 phao tròn và 6 nhà bạt các loại…
Công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” cũng được đơn vị quản lý đập, hồ chứa nước trong tỉnh chuẩn bị sẵn sàng với các kịch bản lũ, sự cố xảy ra, rà soát quy trình vận hành hồ chứa, lập phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp trình cấp thẩm quyền phê duyệt; Quân khu 4 và tỉnh Quảng Bình đã tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ và PTDS tỉnh với 2 đề mục; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền các luật và văn bản dưới luật liên quan đến công tác PCTT; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai các đài từ Trung ương đến địa phương tương đối chính xác, tần suất liên tục nên đã cung cấp thông tin kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành, do đó, đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; công tác chỉ đạo ứng phó của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS tỉnh, các sở, ngành, địa phương được triển khai kịp thời, đồng bộ, bám sát yêu cầu thực tiễn, đi vào chiều sâu và có hiệu quả…
Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai
Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, dự báo thời tiết năm nay sẽ cực đoan, nắng nóng gay gắt, nguy cơ rất cao về cháy rừng, hạn hán vào mùa khô; mưa, bão diễn biến phức tạp vào cuối năm, lũ có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm, đặt ra yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ứng phó, PCTT đối với cấp ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Hiện, toàn tỉnh có 77 điểm sạt lở bờ sông, suối với tổng chiều dài khoảng 35,6km; 5 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 1,3km; 60 điểm sạt lở khu dân cư có nguy cơ mất an toàn (trong đó có 11 điểm sạt lở khu dân cư có nguy cơ rất cao) ảnh hưởng trực tiếp đến 761 hộ dân. Nhiều điểm sạt lở mới xuất hiện, như: Sạt lở bờ biển khu vực bãi tắm Bảo Ninh (TP. Đồng Hới); sạt lở tại thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa); sạt lở tại thôn Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa (Tuyên Hóa)… Các điểm sạt lở vẫn chưa được khắc phục, xử lý, vì vậy, có nguy cơ cao gây mất an toàn, uy hiếp các khu dân cư, công trình hạ tầng trong mùa mưa, bão năm nay…
Để chủ động PCTT, trong thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị, địa phương ngoài việc bám sát các kế hoạch, chỉ thị của cấp trên, đặc biệt phải nâng cao năng lực ứng phó thiên tai; kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình liên quan đến PCTT; các công trình có dấu hiệu nguy hiểm mất an toàn; xây dựng phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp các hồ chứa; phương án bảo vệ khu vực trọng điểm, xung yếu; kiểm tra, đánh giá việc chuẩn bị ứng phó thiên tai và TKCN theo phương án đã xây dựng; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo phương án đã được phê duyệt; lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình, dự án, nhất là các dự án phát triển hạ tầng giao thông…
Đồng thời, nâng cao chất lượng dự báo; kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước các hồ chứa thủy lợi, ao đầm tự nhiên để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, tuyên truyền hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến; chủ động chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ; tập trung nguồn lực khắc phục sửa chữa các sự cố công trình PCTT có nguy cơ mất an toàn…